1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vì sao số xe ô tô nhập về Việt Nam đầu năm 2018 thấp kỷ lục?

Theo thống kê vừa công bố của Tổng cục Hải quan, trong 15 ngày đầu tháng 1/2018, cả nước chỉ nhập khẩu 60 ô tô nguyên chiếc các loại. Trong đó, xe 9 chỗ ngồi trở xuống chỉ có 6 chiếc, còn lại 10 chiếc trên 9 chỗ ngồi và 27 chiếc xe tải.

Ngày 17/10/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 116/2017/NĐ-CP về quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô (Nghị định 116). Mục tiêu và tác động tích cực của Nghị định này là thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư dài hạn phát triển ngành ô tô trong nước, cân đối nguồn cung xe ô tô sản xuất lắp ráp và nhập khẩu, nâng cao chất lượng ô tô và đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng…

Vì sao số xe ô tô nhập về Việt Nam đầu năm 2018 thấp kỷ lục? - 1

Tuy nhiên, theo thống kê vừa công bố của Tổng cục Hải quan, trong 15 ngày đầu tháng 1/2018, cả nước chỉ nhập khẩu 60 ô tô nguyên chiếc các loại. Trong đó, xe 9 chỗ ngồi trở xuống chỉ có 6 chiếc, còn lại 10 chiếc trên 9 chỗ ngồi và 27 chiếc xe tải. Tổng trị giá xe nhập chỉ đạt 5,6 triệu USD, trái ngược hẳn với thực tế 15 ngày đầu tháng 1-2017, khi cả nước nhập tới 5.000 ô tô nguyên chiếc các loại với trị giá gần 116 triệu USD. Cũng trong tuần qua, các hãng xe của Nhật Bản như Toyota, Honda đã thông báo tạm dừng nhập khẩu xe về Việt Nam bởi vướng các quy định trong Nghị định 116.

Những động thái này diễn ra ngày sau khi, Suzuki, Ford và Mitsubishi cũng dừng nhận đặt hàng nhiều mẫu xe, đẩy mạnh bán xe lắp ráp trong nước. Thậm chí, một số hãng còn phải chấp nhận hủy đơn đặt hàng hoặc yêu cầu các đại lý không nhận đặt hàng xe mới trừ khi có thông báo về việc nguồn cung được đảm bảo.

Nguyên nhân của thực trạng nói trên đến từ một số lý do. Thứ nhất, việc triển khai Nghị định 116 với nhiều hàng rào kỹ thuật mới sẽ khiến chi phí nhập khẩu và kiểm định tăng lên, khiến các lô xe ô tô nhập khẩu mới (chưa qua sử dụng) bị đội chi phí, dẫn tới giá xe bán ra cho khách hàng sau khi cộng các khoản phí, thuế khác cũng sẽ tăng thêm.

Một ví dụ là với mẫu Honda CR-V thế hệ thứ 5, vốn mới ra mắt thị trường Việt Nam ngày 13/11/2017 đã có tới hơn 2.000 đơn hàng, nhưng Honda Việt Nam vẫn chưa thể nhập khẩu xe này về với mức thuế nhập khẩu 0%. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu khách hàng trong nước, Honda Việt Nam mới chỉ dám nhập một số lượng hạn chế với 750 xe trước thời điểm tháng 1-2018 và lô xe này vẫn phải chịu mức thuế suất nhập khẩu dành cho xe nguyên chiếc là 30%.

Thứ hai, Nghị định 116 được ban hành và có hiệu lực khá nhanh, khiến các doanh nghiệp chưa kịp chuẩn bị cho giai đoạn chuyển tiếp. Bởi lẽ, ngành ô tô có đặc thù về thời gian đặt hàng dài (thậm chí lên đến 6-9 tháng đối với các dòng xe có tính tùy biến cao). Thực tế này dẫn tới việc có trường hợp xe đã được đặt hàng, sản xuất trước ngày ban hành Nghị định nhưng không nhập khẩu được về Việt Nam. Như thế, dù cả 17 nhà sản xuất trực thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) hoạt động trong lĩnh vực xe ô tô từ 20 năm qua trên cả hai lĩnh vực: sản xuất lắp ráp và nhập khẩu, nhưng sự thay đổi bất ngờ khiến họ chưa kịp điều chỉnh kế hoạch cân đối giữa hai mảng.

Vì sao số xe ô tô nhập về Việt Nam đầu năm 2018 thấp kỷ lục? - 2

Thứ ba, giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu hiện được quy định là kết quả kiểm tra, thử nghiệm, chứng nhận của cơ quan tổ chức có thẩm quyền nước ngoài về chất lượng an toàn, kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với kiểu loại ô tô nhập khẩu vào Việt Nam. Tuy nhiên, theo thông lệ quốc tế, nước nhập khẩu mới là quốc gia sẽ tiến hành thử nghiệm và cấp giấy này cho các xe đưa về (tương tự áp dụng ở Việt Nam trước đây), và không cấp giấy chứng nhận kiểu loại cho xe xuất khẩu đi nước ngoài.

Do đó, yêu cầu về giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại phát hành bởi cơ quan tổ chức có thẩm quyền nước ngoài cho xe nhập khẩu về Việt Nam khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó. Mặt khác, một số quốc gia hiện không có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại vì chính phủ của họ chỉ kiểm tra khí thải; hoặc giao nhà sản xuất tự chứng nhận (như tại Mỹ); hoặc có những khác biệt nhất định về quy cách phương tiện (tay lái nghịch, tiêu chuẩn khí thải...).

Thứ tư, các nước nhập khẩu hiện đều thực hiện việc thử nghiệm theo hình thức phê duyệt kiểu (nghĩa là thử nghiệm mẫu đầu tiên của lô nhập khẩu, sau đó chỉ kiểm tra sự đồng nhất hệ thống an toàn / khí thải của các lô tiếp theo). Để quản lý chất lượng chặt chẽ hơn, cơ quan có thẩm quyền có thể tiến hành đánh giá điều kiện và năng lực sản xuất xe ở nước xuất khẩu.

Đây cũng là quy trình đã được áp dụng ở Việt Nam. Trên thực tế, doanh nghiệp thường nhập khẩu từng đợt xe nhỏ tùy theo theo nhu cầu thị trường tiêu dùng. Khi mọi đợt hàng đều phải thử nghiệm, nguy cơ chậm trễ và phát sinh chi phí là khó tránh khỏi. Điều này hiển nhiên khiến các hãng xe đắn đo trong việc đưa xe về thị trường trong nước.

Như vậy, có thể thấy dù Nghị định 116 thực tế đã mang tới những hiệu quả bước đầu khá tích cực đối với ngành công nghiệp ô tô trong nước, nhưng thực tế triển khai cho thấy vẫn còn một số vấn đề nên xem xét để tránh tạo ra những bất cập không cần thiết.

Nguyễn Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm