Vì sao sau 4 lần cải cách, chính sách tiền lương vẫn “bất cập”?
(Dân trí) - Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, những hạn chế, bất cập của chính sách tiền lương có nguyên nhân khách quan nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Bởi vậy, dù đã trải qua 4 lần cải cách nhưng chính sách lương vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, đời sống của người dân còn khó khăn.
Tiền lương bất cập do chủ quan
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công - cho biết, chính sách tiền lương ở nước ta đã trải qua 4 lần cải cách (năm 1960, 1985, 1993, 2003) nhưng vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, đời sống của đa số người hưởng lương còn khó khăn; tiền lương trong khu vực doanh nghiệp vẫn chưa theo kịp sự phát triển của thị trường lao động.
Tiền lương trong khu vực công vẫn còn thấp so với khu vực doanh nghiệp và yêu cầu phát triển của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; việc điều chỉnh tiền lương của người đang làm việc vẫn chưa độc lập với việc điều chỉnh lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công; việc thể hóa chủ trương của Đảng về tiền tệ hóa các chế độ ngoài lương (xe ô tô, nhà ở, khám chữa bệnh,...) còn chậm.
Phó Thủ tướng cho rằng, những hạn chế, bất cập của chính sách tiền lương có nguyên nhân khách quan nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.
“Tiền lương là vấn đề phức tạp, ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội; còn tư tưởng bình quân, cào bằng; chưa có nghiên cứu toàn diện về tiền lương trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc; đối tượng hưởng lương, phụ cấp từ NSNN quá lớn và ngày càng tăng, nhất là biên chế viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố dẫn đến tổng quỹ lương và phụ cấp từ NSNN ngày càng lớn (khoảng 20% chi NSNN)” - Phó Thủ tướng nói.
Trong khi đó, việc xác định vị trí việc làm còn chậm, chưa thực sự làm cơ sở để xác định biên chế và trả lương. Nguồn kinh phí được giao tự chủ trong tổng chi NSNN cấp cho cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa hợp lý, dẫn đến việc sử dụng các khoản chi hoạt động hành chính để bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức khá lớn và trở thành phổ biến. Việc gắn điều chỉnh tiền lương với điều chỉnh lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công, dẫn đến thay đổi lộ trình của từng chính sách.
“Chưa phân định rõ mối quan hệ giữa quản lý nhà nước và quản trị doanh nghiệp, giữa đại diện chủ sở hữu với ban điều hành doanh nghiệp. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và việc phát huy vai trò của tổ chức công đoàn còn nhiều hạn chế. Công tác hướng dẫn, tuyên truyền về chính sách tiền lương chưa tốt, chưa tạo được đồng thuận cao.” - Phó Thủ tướng cho hay.
Gỡ “nút thắt” chính sách tiền lương
Phó Thủ tướng Vương Định Huệ nhấn mạnh, trước yêu cầu phát triển trong điều kiện những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen đòi hỏi chúng ta phải có quan điểm đúng đắn, phù hợp với bối cảnh mới. Cụ thể:
Một là, xác định chính sách tiền lương là một bộ phận đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế - xã hội. Tiền lương phải là thu nhập chính bảo đảm đời sống cho người lao động và gia đình họ; trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội; thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Hai là, cải cách chính sách tiền lương phải bảo đảm tính tổng thể, hệ thống, đồng bộ, kế thừa và phát huy những ưu điểm, khắc phục hiệu quả những hạn chế, bất cập của chính sách tiền lương hiện hành; tuân thủ nguyên tắc phân phối theo lao động và quy luật khách quan của kinh tế thị trường, lấy tăng năng suất lao động là cơ sở để tăng lương; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; có lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và nguồn lực của đất nước.
Ba là, trong khu vực công, Nhà nước trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, phù hợp với nguồn lực của Nhà nước, bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động; thực hiện chế độ đãi ngộ, khen thưởng xứng đáng, tạo động lực nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, góp phần làm trong sạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Bốn là, đối với khu vực doanh nghiệp, tiền lương là giá cả sức lao động, hình thành trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động theo quy luật của thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Nhà nước quy định tiền lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất để bảo vệ người lao động yếu thế, đồng thời là một trong những căn cứ để thỏa thuận tiền lương và điều tiết thị trường lao động. Phân phối tiền lương dựa trên kết quả lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh, bảo đảm mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.
Năm là, cải cách chính sách tiền lương là yêu cầu khách quan, là nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi quyết tâm chính trị cao, gắn liền và thúc đẩy cải cách hành chính, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Lãnh đạo Chính phủ cho rằng, cải cách chính sách tiền lương là vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội hệ trọng, phức tạp, nhạy cảm, ảnh hưởng sâu rộng trong nhiều năm đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước. Để hoàn thành được các mục tiêu đã đề ra cần thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Châu Như Quỳnh