1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Vì sao phương Tây đuối sức trong cuộc chiến dầu mỏ?

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Doanh thu từ xuất khẩu dầu thô của Nga đang trên đà phục hồi, bất chấp các biện pháp áp giá trần từ G7 hay lệnh cấm nhập khẩu từ EU.

Báo cáo được công bố bởi Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (CREA), một tổ chức tư vấn độc lập của Phần Lan, cho thấy doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ của Nga đã phục hồi mạnh mẽ, bất chấp các lệnh trừng phạt của EU và G7.

Báo cáo này cũng được công bố sau khi các nhà lãnh đạo G7 họp tại Hiroshima (Nhật Bản). Tại cuộc họp, G7 đã khẳng định rằng việc áp giá trần với dầu mỏ và sản phẩm từ dầu mỏ của Nga đang phát huy tác dụng. Doanh thu của Nga giảm và giá dầu, khí đốt giảm mang lại lợi ích cho các nước trên thế giới. Tuy nhiên, những con số thực tế lại cho thấy sự kém hiệu quả của những biện pháp trừng phạt từ phương Tây. Các nhà phân tích năng lượng tại CREA cũng cho rằng chính sách áp giá trần của EU và đồng minh đã thất bại.

"EU đã thất bại khi cam kết xem xét mức giá trần 2 tháng 1 lần để đảm bảo nó luôn thấp hơn giá trung bình thị trường", ông Lauri Myllyvirta, chuyên gia phân tích chính của CREA, chia sẻ.

Vì sao phương Tây đuối sức trong cuộc chiến dầu mỏ? - 1

Doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ của Nga đã phục hồi mạnh mẽ (Ảnh: FILE).

CREA cho biết trong báo cáo: "Doanh thu của Nga đối với xuất khẩu dầu thô đã tăng 6% trong tháng 4, điều này được hỗ trợ bởi đà tăng trong tháng 3".

Cuối năm ngoái, các nước G7, Australia và EU đã áp đặt mức trần đối với dầu thô xuất khẩu của Nga là 60 USD/thùng. Cùng với đó, EU và Anh cũng ban hành lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển.

Đến tháng 2 vừa qua, liên minh này tiếp tục áp đặt giá trần ở mức 100 USD/thùng đối với sản phẩm từ dầu thô của Nga nhằm hạn chế doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ của nước này.

Theo CNBC