Vì sao nhiều rừng mà Việt Nam vẫn nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất giấy?
(Dân trí) - Chuyên gia cho biết đầu tư nhà máy sản xuất bột giấy khá rủi ro, thời gian thu hồi vốn lâu. Ngoài ra vấn đề khó khăn nhất là nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định.
Vài năm gần đây, dăm gỗ là mặt hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng tốt. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, năm 2022 sản lượng xuất khẩu mặt hàng này đạt 15,8 triệu tấn, tăng 16,2% so với năm 2021. Giá trị xuất khẩu đạt gần 2,8 tỷ USD, tăng hơn 60% so với cùng kỳ.
Việc mở rộng xuất khẩu dăm gỗ trong thời gian qua chủ yếu do mức giá xuất khẩu tăng mạnh. Giá FOB (giá đã bao gồm chi phí vận chuyển lô hàng ra cảng, thuế xuất khẩu và thuế làm thủ tục xuất khẩu) xuất khẩu dao động 130-200 USD/tấn trong năm 2022. Hiện Việt Nam cũng là nước cung cấp dăm gỗ lớn thứ nhất thế giới.
Dăm gỗ là một trong những nguyên liệu để sản xuất bột giấy. Có một nghịch lý là mặc dù Việt Nam là nước xuất khẩu dăm gỗ lớn nhưng lại phải nhập khẩu phần lớn bột giấy từ các nước.
Nguyên nhân thực trạng này được ông Đặng Văn Sơn, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam chia sẻ tại tọa đàm về cơ hội và thách thức đối với ngành sơn, giấy, cao su, nhựa diễn ra ngày 6/4.
Ông Sơn cho biết cứ 2 tấn dăm gỗ sẽ sản xuất được 1 tấn bột giấy. Với mức xuất khẩu hơn 15 triệu tấn dăm như hiện nay, sản xuất được 7 triệu tấn bột giấy.
Hiện nay, giá bột giấy khoảng 700 USD/tấn. Như vậy việc sản xuất bột giấy đem lại hiệu quả kinh tế và lợi nhuận rất lớn.
Tại Việt Nam hiện có 2 đơn vị sản xuất mặt hàng này gồm Tổng Công ty Giấy Việt Nam và Công ty cổ phần Giấy An Hòa. Hai doanh nghiệp này sản xuất từ 70.000-130.000 tấn bột giấy mỗi năm tuy nhiên chủ yếu để đáp ứng nhu cầu sản xuất là chính.
Theo tính toán của chuyên gia, mỗi năm, Việt Nam tối thiểu phải dùng từ 500.000-600.000 tấn bột giấy, chủ yếu đến từ nhập khẩu. Câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta không tận dụng nguyên liệu thô sẵn có trong nước, nhiều tiềm năng mà phải nhập khẩu từ các nước khác?
Phó chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam chỉ ra 3 nguyên nhân chính.
Khó khăn lớn nhất là việc tiếp cận nguồn nguyên liệu. Mặc dù Việt Nam xuất khẩu hơn 15 triệu tấn dăm gỗ mỗi năm nhưng nguồn cung hiện nay phân bố rải rác, mang tính tự phát, không có vùng nguyên liệu đủ lớn để xây dựng một nhà máy sản xuất bột giấy. Nhà máy này cần có vùng nguyên liệu đủ lớn, ổn định và chắc chắn. Để có được vùng nguyên liệu lớn và ổn định, doanh nghiệp cần được sở hữu rừng cho việc sản xuất giấy. Nguồn cung hệ thống nhỏ lẻ hiện nay cũng khó khăn trong việc tiếp cận..
Thứ hai là vấn đề vốn. Việc xây dựng một nhà máy sản xuất bột giấy đòi hỏi số vốn lớn, thời gian thu hồi vốn lâu. Ông Sơn cho biết một nhà máy sản xuất bột giấy hiệu quả cần đầu tư tối thiểu khoảng 300-500 triệu USD. "Ai dám bỏ ra 300-500 triệu USD đầu tư nhà máy khi phải ăn đong từng đồng nguyên liệu sản xuất?", vị này trăn trở.
Vấn đề thứ ba liên quan đến cơ chế chính sách. Thổ nhưỡng Việt Nam rất phù hợp để trồng các loại cây nguyên liệu như bạch đàn, keo. Phát triển được vùng trồng nguyên liệu thì sẽ tạo công ăn việc làm, nguồn thu nhập lớn cho người dân.
Tuy nhiên, hiện chưa có cơ chế chính sách để phát triển những vùng nguyên liệu lớn. Hiện nay các lâm trường quốc doanh thực hiện giao đất cho từng hộ dân. Tuy nhiên, để thỏa thuận được nguồn nguyên liệu với cá nhân hiện rất khó, dù đã có doanh nghiệp thử triển khai.