1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Vì sao nhà đầu tư ngại “rót tiền” cho dự án PPP?

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Thay đổi về chính sách, không đảm bảo cơ chế chia sẻ rủi ro, trở ngại thu phí hoàn vốn, nguy cơ vỡ phương án tài chính dẫn tới nợ xấu... Đó là lí do khiến các nhà đầu tư “ngại” tham gia dự án PPP.

Với nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng đang ngày càng gia tăng trong bối cảnh nguồn ngân sách Nhà nước không đáp ứng đủ nhu cầu, thì đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) nói chung và đầu tư theo hình thức BOT nói riêng đã thể hiện được vai trò quan trọng trong việc phát triển kết cấu hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Luật PPP ra đời tháo gỡ được nhiều vướng mắc cũng như tạo được niềm tin nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP còn nhiều vấn đề tồn tại cần được giải quyết. Đơn cử như cam kết về bố trí vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) tại dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nút giao thông khác mức Ngã Ba Huế, hầm đường bộ qua Đèo Cả…

Tại Dự án hầm Đèo Cả, phần vốn NSNN tham gia là 5.048 tỷ đồng, tuy nhiên đến nay mới giải ngân 3.868 tỷ đồng, còn 1.180 tỷ đồng chưa được bố trí giải ngân như cam kết làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả sử dụng vốn, phát sinh lãi vay tín dụng trong quá trình thực hiện dự án, ảnh hưởng đến phương án tài chính tổng thể của dự án.

Vì sao nhà đầu tư ngại “rót tiền” cho dự án PPP? - 1
Nhiều bất cập của dự án PPP khiến nhà đầu tư e ngại khi tham gia

Những năm gần đây các chính sách, quy định pháp luật của Việt Nam thường xuyên thay đổi như quy định về thuế; về giá/phí hay quy định về quản lý, sử dụng tài sản công gây rủi ro cao trong quá trình đầu tư, ảnh hưởng xấu đến việc thúc đẩy đầu tư dài hạn.

Điển hình như tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương hiện đang dừng thu phí do điều chỉnh chính sách về quản lý tải sản công. Việc không thu phí làm cao tốc TP.HCM - Trung Lương mất kiểm soát lưu lượng, tải trọng phương tiện, tăng nguy cơ tai nạn giao thông, biến đường cao tốc thành quốc lộ, gây thất thu cho NSNN và rủi ro cho phương án tài chính của Dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận.

Các trạm thu phí BOT Bờ Đậu, Dự án Thái Nguyên - Chợ Mới; trạm thu phí đường tránh thành phố thanh hóa… các nhà đầu tư vẫn chờ đợi ngày được thu phí để hoàn vốn.

Luật đầu tư theo phương thức PPP quy định khi doanh thu có sự thay đổi (tăng hoặc giảm) được cơ quan Nhà nước xác định và nguyên nhân không xuất phát từ phía nhà đầu tư như thay đổi quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan... thì Nhà nước và nhà đầu tư cùng chia sẻ rủi ro này.

Đây là chính sách đổi mới, thể hiện sự công bằng trong quan hệ giữa Nhà nước và nhà đầu tư tại các dự án PPP, phù hợp xu thế hội nhập quốc tế nhằm đa dạng hoá các nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế xã hội thông qua việc phát triển của thị trường vốn, đặc biệt thu hút các nhà đầu tư quốc tế quan tâm đầu tư.

Tuy nhiên, Luật PPP chỉ quy định cơ chế chia sẻ rủi ro đối với các dự án mới (quy định ở bước duyệt chủ trương đầu tư) mà chưa có quy định cụ thể đối với các dự án đã và đang triển khai nhằm chia sẻ và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các dự án.

Các chuyên gia cho rằng, để tạo sự yên tâm, thu hút các nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng tham gia đầu tư vào các dự án mới thì Nhà nước cần sớm giải quyết các cam kết, tồn tại cũ của các dự án đã triển khai, đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp lý bình đẳng, thông thoáng và phù hợp với thực tiễn. Tập trung xử lý dứt điểm các vấn đề tồn tại của các dự án PPP, trong đó tập trung thực hiện đúng các cam kết của cơ quan Nhà nước, đảm bảo các quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư.

Xây dựng Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật PPP, trong đó làm rõ quy định về việc chia sẻ rủi ro cho dự án đã/đang thực hiện; Nhà nước cần tham gia đầu tư công một số hạng mục có suất đầu tư lớn như cầu vượt, nút giao... đối với các dự án quan trọng tại các vùng có điều kiện địa hình, địa chất, khó khăn, phức tạp để đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm