Vì sao Kinh Đô lại “tấn công” vào mì gói?

Mặc dù mức tăng trưởng của ngành mì ăn liền không còn thời hoàng kim như những năm trước. Song với quy mô tiêu thụ gần 25.000 tỷ đồng mỗi năm thì thị trường mì ăn liền vẫn là miếng bánh ngon mà nhiều “đại gia” nhắm đến, trong đó có Kinh Đô.

Người Việt ăn hơn 5,2 tỷ gói mì/năm 

Việt Nam là một trong những thị trường tiêu thụ mì gói lớn nhất thế giới. Theo số liệu của Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới (WINA) công bố hồi tháng 5/2014 cho biết, Việt Nam là thị trường tiêu thụ mì gói lớn thứ 4 thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông), Indonesia và Nhật Bản với tổng lượng tiêu thụ hơn 5,2 tỷ gói trong năm 2013.

Đa dạng các chủng loại, hương vị mì gói
Đa dạng các chủng loại, hương vị mì gói

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Đáng chú ý, trong giai đoạn (từ năm 2009 – 2012), mức tiêu thụ mì gói của người Việt liên tục tăng trưởng nóng với mức tăng trung bình hơn 20%/năm, từ mức 4,3 tỷ gói năm 2009 đến 5,06 tỷ gói năm 2012. Đến năm 2013, mức tăng này chỉ còn khoảng 5% và theo dự báo của BMI đến năm 2018, sản lượng tiêu thụ vẫn sẽ trên đà tăng chậm lại.

Tuy nhiên, với dung lượng thị trường gần 25.000 tỷ đồng/ năm thì mì gói vẫn là “miếng bánh” ngon được các doanh nghiệp để mắt đến. Bằng chứng là thị trường liên tục chứng kiến những đợt “đổ bộ” của các tên tuổi mới cũng như những khoản chi nặng tay đầu tư cho lĩnh vực sản xuất này. 

Nhìn vào “miếng bánh” thị phần của thị trường mì gói Việt Nam có thể thấy rõ thị phần chủ yếu đang không nằm trong tay các doanh nghiệp Việt mà là một liên doanh 100% vốn từ Nhật Bản - Vina Acecook, với 51,5% thị phần. Tiếp đến mới là Masan với 16% thị phần, Asia Food chiếm 12% thị phần và khoảng 20% thị phần còn lại chia sẻ cho các tên tuổi khác.

Khẩu vị mì ăn liền của người Việt cũng ngày càng đa dạng hơn khi thị trường ngày càng xuất hiện thêm nhiều sản phẩm với mức giá từ 3.000 đồng/gói cho đến 8.000 đồng/gói. Trong đó, Masan chú trọng hơn vào phân khúc cao cấp, còn Vina Acecook chủ yếu tập trung vào phân khúc trung bình.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của một công ty nghiên cứu thị trường thì tỷ lệ tiêu thụ tại các đô thị đang giảm dần, trong khi đó, nhu cầu và sản lượng tiêu thụ ở khu vực ven đô và nông thôn vẫn tăng nhanh và đang chiếm tỷ trọng ưu thế. Điều đó có thể thấy, phân khúc phổ thông mới thực sự là phân khúc chủ lực của thị trường mì gói Việt.

Theo đánh giá của các chuyên gia, ở phân khúc này, mức độ trung thành của người tiêu dùng đối với nhãn hiệu thường không cao. Chính vì thế, “cửa” cho các doanh nghiệp đi sau sẽ rộng mở hơn.

Sự nhập cuộc của Kinh Đô 

Kinh Đô là tên tuổi đã thành danh trong lĩnh vực bánh kẹo. Tuy nhiên, vài tháng trở lại đây, công ty này đã gây “sốc” cho người tiêu dùng khi đầu tư sang một số lĩnh vực mới mẻ hơn, cụ thể là ngành hàng thiết yếu, trong đó có mì gói.

Theo chia sẻ từ lãnh đạo Kinh Đô thì chiến lược này đã được lên kế hoạch từ 4 năm trước. Và hướng đi của công ty này là nhằm vào phân khúc phổ thông – phân khúc đang có mức tăng trưởng mạnh mẽ và chiếm ưu thế trên thị trường mì gói.

Kinh Đô cũng bắt đầu cuộc chinh phục thị trường mì gói với phân khúc thị trường phổ thông 
Kinh Đô cũng bắt đầu cuộc chinh phục thị trường mì gói với phân khúc thị trường phổ thông 

Để triển khai kế hoạch này, Kinh Đô đã hợp tác với Saigon Vewong – doanh nghiệp 100% vốn Đài Loan. Theo đó, Saigon Vewong sẽ sản xuất mì gói ăn liền cho Kinh Đô theo hình thức OEM (Original Equipment Manufacturer – sản xuất theo thiết bị gốc – thuê gia công). 

Theo đánh giá của Kinh Đô, Saigon Vewong có dây chuyền sản xuất công suất lớn, lại có kinh nghiệm về mì gói, gia vị, nước chấm và am hiểu khẩu vị Việt nên việc hợp tác này không chỉ tận dụng được lợi thế về công nghệ từ Saigon Vewong, giúp tiết kiệm chi phí đầu tư cho sản xuất, nhà xưởng mà còn bảo đảm về mặt chất lượng sản phẩm, mùi vị phù hợp với khẩu vị người tiêu dùng Việt.

Sản phẩm đầu tiên mà Kinh Đô ra mắt là mì Đại Gia Đình với 5 hương vị (tôm hải sản chua cay, bò sa tế hành, lẩu canh chua cá, lẩu riêu cua, thịt bằm hành phi), nhằm chủ yếu vào phân khúc bình dân, phù hợp với đại đa số người tiêu dùng.

Chia sẻ với báo giới, lãnh đạo Kinh Đô tự tin cho biết, với kinh nghiệm 20 năm trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), cộng với uy tín thương hiệu và hệ thống phân phối vững mạnh, nên chỉ sau một thời gian ngắn ra mắt, mì Đại Gia Đình đã có mặt ở 86.000 điểm bán trên khắp cả nước.

Theo kế hoạch, đến tháng 4/2015, Kinh Đô sẽ tung sản phẩm có giá 6.000 đồng và tháng 6/2015 sẽ cho ra đời dòng sản phẩm 10.000 đồng. Và đến tháng 10/2015 công ty này sẽ cho ra mắt các sản phẩm nước chấm và gia vị. 

“Kinh Đô là sẽ thâm nhập sâu hơn vào dung lượng thị trường 193.000 tỷ đồng của lĩnh vực thực phẩm đóng gói (gấp 12 lần nguồn thu của thị trường bánh kẹo) với các sản phẩm: mì gói, gia vị, nước chấm, dầu ăn và các sản phẩm thiết yếu khác. Riêng với thị trường mì gói, 3 phân khúc thị trường mà Kinh Đô hướng đến là phổ thông, cao cấp và siêu cao cấp – chiếm đến 75% thị phần mì,” lãnh đạo Kinh Đô chia sẻ.

Dù chưa thể khẳng định là Kinh Đô sẽ thành công đến đâu khi “dám” thử sức trong một lĩnh vực cạnh tranh đầy khốc liệt này. Nhưng bước đầu tung mì gói thành công có thể nói là bước đệm thích hợp để Kinh Đô tiến sâu hơn vào lĩnh vực thực phẩm thiết yếu. Đó có lẽ là lý do để Kinh Đô lựa chọn dòng sản phẩm này để “tự thử thách”, chinh phục người tiêu dùng sau khi đã thành công với lĩnh vực bánh kẹo.

N.Linh
 
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”