Vì sao không ai chất vấn Thống đốc Bình?

(Dân trí) - Sau 2,5 ngày Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn, không có câu hỏi nào được các vị đại biểu đưa ra với Thống đốc Nguyễn Văn Bình. Theo đánh giá của đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), điều này cho thấy sự tín nhiệm mà các đại biểu Quốc hội dành cho người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước.

Trong đợt chất vấn cuối cùng của Quốc hội khóa XIII, 175 câu hỏi đã được các đại biểu chuyển tới các thành viên Chính phủ, Bộ trưởng, trưởng ngành, tuy nhiên không có câu hỏi nào dành cho người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Cá nhân ông đánh giá như thế nào về nhiệm kỳ hoạt động vừa qua của Thống đốc Nguyễn Văn Bình?

Tôi phải thú thực là đầu nhiệm kỳ, không ít đại biểu Quốc hội đã rất lo lắng về việc tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Chính vì vậy, trong lần bỏ phiếu tín nhiệm ở kỳ đầu tiên, người đứng đầu ngành ngân hàng nhận được số phiếu khá thấp.

Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng, qua một thời gian, cả ngành ngân hàng nói chung và đặc biệt là Thống đốc nói riêng đã có những giải pháp hết sức hữu hiệu.


Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) - Ảnh: Bích Diệp

Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) - Ảnh: Bích Diệp

Trước đây, ngành ngân hàng cho phát triển “nóng”, không quản lý được, đã có lúc đứng trên bờ vực thẳm, có khả năng đổ vỡ ở một số ngân hàng. Trước tình hình đó, Thống đốc cũng như tập thể cán bộ ngân hàng đã nỗ lực phấn đấu để trong thời gian ngắn khắc phục được, tổ chức lại hệ thống ngân hàng tốt hơn.

Chính nhờ vậy đã giải quyết được một số vấn đề trong tái cơ cấu hệ thống ngân hàng; Đã sáp nhập được một số ngân hàng yếu kém vào những ngân hàng mạnh. Uy tín ngành ngân hàng đã được cử tri đánh giá cao.

Rất dễ để thấy điều này, thể hiện bằng việc trước đây mua bán bất cứ cái gì người ta cũng không tính bằng đồng tiền Việt Nam mà đo bằng “cây vàng”. Kể cả mua một cái xe mới thì cũng hỏi “mua bao nhiêu cây vàng?”. Như vậy, đến nay đồng tiền Việt Nam đã được khẳng định và đã có giá. Tỷ giá được giữ vững, giá vàng trước đây nhảy múa, lên gần 40 triệu đồng/lượng thì nay đã rất ổn định trong nhiều năm.

Một số ngân hàng được tái cơ cấu đã bắt đầu hoạt động có hiệu quả, việc xử lý nợ xấu đạt kết quả ấn tượng. Qua thực tế đó, tôi cũng như các đại biểu Quốc hội khác khi tiếp xúc cử tri đều đánh giá cao sự nỗ lực của ngành ngân hàng nói chung và sự điều hành của Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói riêng trong nhiệm kỳ vừa qua.

Chính vì thế, trong kỳ họp Quốc hội này không có đại biểu nào chất vấn về những yếu kém của ngành ngân hàng. Phần lớn chất vấn là chỉ hỏi về những yếu kém để khắc phục. Trong những báo cáo đánh giá, đại biểu cũng chỉ chia sẻ, ca ngợi thành tích của các ngành như ngân hàng, giao thông, ngoại giao mà thôi.

Về phương án mua lại một số ngân hàng thương mại yếu kém với mức giá 0 đồng, ông có đánh giá như thế nào?

NHNN đã thực hiện mua lại một số ngân hàng với mức giá 0 đồng, thực sự là mua lại cái nợ. Trên cơ sở đó khoanh nợ lại, dần dần phấn đấu trả hết số nợ đó và có lãi. Như vậy, vẫn giữ được các tổ chức tín dụng và gây được niềm tin cho người gửi tiền.

Chúng tôi đánh giá cao phương án này và thấy NHNN cần phát huy tích cực hơn nữa trong thời gian tới để đưa ngành ngân hàng thực sự vững mạnh như lòng mong mỏi của cử tri.

Thống Đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình trao đổi thông tin với đại biểu bên hành lang Quốc hội - ảnh: Quochoi.vn
Thống Đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình trao đổi thông tin với đại biểu bên hành lang Quốc hội - ảnh: Quochoi.vn

Về hiệu quả hoạt động của Công ty VAMC, đã có nhiều ý kiến góp ý rằng, nợ xấu mới chỉ là đang “gửi” vào đây chứ chưa được xử lý triệt để. Ông nhận định thế nào về điều này?

Thực tế mô hình này đã được nhiều nước áp dụng. Cái hay của phương án này là không dùng công quỹ Nhà nước mà tự nó xử lý và điều hành.

Tất nhiên trong điều kiện của Việt Nam hiện nay cũng có mặt tốt, mặt tích cực nhưng đồng thời vẫn có lo ngại việc xử lý này liệu có kéo dài không? Bởi vì ở đây không được phép sử dụng ngân sách Nhà nước.

Chứ còn thực sự ở các ngân hàng nước ngoài, như Mỹ chẳng hạn, khi có nguy cơ đổ vỡ vẫn phải dùng tiền của Chính phủ để “đập” vào. Chúng ta lại có quan điểm khác. Nên chúng tôi đang chờ thời gian trả lời, nhưng bản thân tôi hy vọng nó sẽ tiến triển tốt.

Trong báo cáo Thống đốc gửi đại biểu Quốc hội có cho biết, việc xử lý nợ xấu, tái cơ cấu gặp khó khăn do quan điểm không dùng tiền ngân sách. Quan điểm của ông như thế nào về các đề xuất mà NHNN đưa ra, đó là cho phép giãn giảm thuế cũng như lãi suất vay với những tổ chức tín dụng tham gia quá trình tái cơ cấu ngân hàng?

Tôi cho rằng, để đảm bảo xử lý nợ xấu, ngoài các phương án không lấy tiền Nhà nước, không sử dụng ngân sách nhà nước thì cũng phải có một chính sách để giúp các cơ quan giải quyết nợ xấu có ưu đãi về một số mặt như lãi suất.

Sử dụng những chính sách ưu tiên vào thời điểm nay tôi cho là phù hợp!

Như vậy , ông tán thành với các đề xuất này?

Tôi đồng ý với các phương án mà Thống đốc đề ra.

Cảm ơn ông!

Bích Diệp (thực hiện)

 

Vì sao không ai chất vấn Thống đốc Bình? - 3