1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Vì sao Hàn Quốc rót đầu tư "khủng" vào Hà Nội, TPHCM?

(Dân trí) - Chính phủ Hàn Quốc đánh giá Hà Nội là thành phố thân thiện với các nhà đầu tư nhất trong số 10 thành phố lớn trong khu vực châu Á. TPHCM cũng là thành phố thu hút đầu tư FDI từ Hàn Quốc bởi môi trường thân thiện.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Thị trưởng thành phố Busan Suh Byung-soo trong khuôn khổ chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt kỷ niệm 25 năm quan hệ đối thoại ASEAN - Hàn Quốc.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Thị trưởng thành phố Busan Suh Byung-soo trong khuôn khổ chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt kỷ niệm 25 năm quan hệ đối thoại ASEAN - Hàn Quốc.

Một khảo sát vừa công bố hôm qua tại Hàn Quốc do Viện Thương mại và kinh tế công nghiệp Hàn Quốc (KIET) thực hiện cho thấy, Hà Nội là thành phố lý tưởng nhất với các nhà đầu tư nước này, tiếp sau là TPHCM. Trong khi đó, khảo sát cũng nhận thấy: Thành Đô, Trung Quốc là thành phố tiềm năng nhất của Hàn Quốc với môi trường đầu tư được cho là sẽ cải thiện nhanh chóng trong tương lai.

Hàn Quốc đã tiến hành khảo sát môi trường đầu tư tại 10 thành phố, gồm có: Hà Nội, TPHCM (Việt Nam), Delhi, Mumbai, Chennai (Ấn Độ), Thượng Hải, Thanh Đảo, Thành Đô (Trung Quốc), Yangon (Myanmar) và Jakarta (Indonesia).

Theo kết quả khảo sát, Hà Nội dẫn đầu về môi trường đầu tư với 3,86/5 điểm, tiếp theo là TPHCM (3,81 điểm), Thành Đô xếp thứ 3 với 3,52 điểm, sau đó là Thượng Hải (3,36 điểm), Thanh Đảo (3,22 điểm).

Thành phố Delhi và Yangon lần lượt đạt số điểm 2,46 và 2,06. Điều này cho thấy môi trường đầu tư tại 2 thành phố lớn của Ấn Độ và Myanmar chưa đủ sức hấp dẫn bằng các thành phố khác trong khu vực.

Những doanh nghiệp tham gia khảo sát lựa chọn quy mô của thị trường nội địa, tiềm năng tăng trưởng là 2 yếu tố quan trọng để quyết định môi trường đầu tư tốt. 36% lựa chọn thành phố Thượng Hải có 2 yếu tố “sống còn” này, 34,4% lựa chọn thành phố Delhi, 31,4% chọn Thành Đô, và Chennai.

Trong khi đó, 19% doanh nghiệp Hàn Quốc được hỏi lựa chọn Delhi để đầu tư vì các chi phí hoạt động rẻ, trong khi đó, 22% cho rằng TPHCM có nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân công phong phú. Các doanh nghiệp xứ kim chi cũng cho rằng môi trường đầu tư tại Hà Nội và TPHCM sẽ tiếp tục được cải thiện.

Khảo sát được xem như là một lời “đáp án” với làn sóng đầu tư của Hàn Quốc rót vào Việt Nam trong những năm qua.

Cụ thể, theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ kế hoạch và Đầu tư, cho đến nay, sau 27 năm thực hiện các hoạt động đầu tư vào Việt Nam, tổng số vốn đầu tư đăng ký của Hàn Quốc đã đạt 43,64 tỷ USD, trong đó có 4,777 dự án đầu tư còn hiệu lực, chiếm gần 18% tổng vốn FDI vào Việt Nam.

Theo số liệu công bố tháng 12 của Cục Đầu tư nước ngoài, đã có 62 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Hàn Quốc dẫn đầu với 702 dự án cấp mới trong tháng 12 và 260 dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 6,72 tỷ USD, chiếm 29,6% tổng vốn đầu tư tại Việt Nam.

Malaysia đứng vị trí thứ hai với số vốn là 2,47 tỷ USD chiếm 10,9% tổng vốn đầu tư, Nhật Bản đứng vị trí thứ ba với số vốn đầu tư là 1,84 tỷ USD chiếm 8,1% tổng vốn đầu tư, Đài Loan vươn lên vị trí thứ tư với số vốn đầu tư là 1,39 tỷ USD chiếm 6,1% tổng vốn đầu tư.

Khôi Linh

Vì sao Hàn Quốc rót đầu tư "khủng" vào Hà Nội, TPHCM? - 2