Vì sao giới nhà giàu Mỹ ngày càng giàu thêm?

(Dân trí) - Những dữ liệu vừa được Fed công bố cho thấy, trong khi tài sản của giới trung lưu giảm hơn một phần ba trong giai đoạn 2007-2010 thì nhóm những người giàu nhất vẫn ngày càng giàu thêm. Vậy đâu là yếu tố tạo nên sự khác biệt này?

Thống kê định kỳ của Cục dự trữ liên bang Mỹ cho thấy, trong năm 2010, giá trị tài sản ròng bình quân của các hộ gia đình nước này chỉ ở mức 77.300 USD, giảm gần 50.000 USD so với năm 2007. Thu nhập của họ cũng giảm khá nhiều, từ trung bình 49.600 USD/năm xuống còn 45.800 USD/năm trong cùng giai đoạn trên. Đây là những con số biết nói về tác động của khủng hoảng kinh tế tới từng hộ gia đình Mỹ.

Thị trường BĐS lao dốc khiến tài sản nhiều gia đình Mỹ giảm chóng mặt
Thị trường BĐS lao dốc khiến tài sản nhiều gia đình Mỹ giảm chóng mặt

Vậy nhưng có vẻ điều này chỉ đúng với các lớp người trung lưu bởi với nhóm 10% dân số giàu nhất, giá trị tài sản của họ vẫn tăng 2% trong cùng thời kỳ. Sự chênh lệch này chắc chắn sẽ làm nổ ra những tranh cãi rằng người giàu đang giàu thêm nhờ “bóc lột” người nghèo, nhờ vào những đặc quyền đặc lợi.

Tuy nhiên, có một nguyên nhân thuần túy về mặt kinh tế mà không phải ai cũng nhận thấy đó là: những người giàu thường có tỷ lệ lớn tài sản của mình là các cổ phiếu. Trong khi đó người trung lưu luôn thích đầu tư vào nhà đất. Những năm qua thị trường tài chính thế giới có lúc thăng, lúc trầm nhưng hiện tại giá cổ phiếu đã phục hồi mạnh, còn thị trường BĐS thì vẫn chưa khởi sắc.

Theo CNBC, thời điểm 2009, nhóm 1% dân số giàu nhất nước Mỹ chỉ cất giữ 10% của mình dưới dạng BĐS trong khi có tới 38% là các khoản đầu tư tài chính, trong đó 9% là cổ phiếu. Trái lại, tầng lớp trung lưu và cận thượng lưu, những người thuộc nhóm 50% - 90% dân số, lại có tới hơn một nửa tài sản là chính ngôi nhà của mình. Lượng tài sản dưới dạng các khoản đầu tư tài chính của nhóm này chiếm chưa tới một phần ba và chỉ khoảng 1,6% là cổ phiếu.

Hiện tại giá cổ phiếu và nhiều khoản đầu tư tài chính đang trở lại gần mức đỉnh trước suy thoái. Trong khi đó giá nhà vẫn còn cách rất xa mức trước khủng hoảng, ở một số khu vực mức giảm giá lên tới 30% hoặc lớn hơn. Điều này không có nghĩa là những người giàu khôn ngoan hơn những người còn lại.

Thực tế là vào giai đoạn đỉnh điểm của suy thoái, giới siêu giàu chiếm 1% dân số chịu tổn thất nhiều hơn 99% còn lại. Nhưng những người giàu có nhiều tài sản khác ngoài căn nhà của họ. Nhờ vậy họ có thêm tiền đầu tư vào các công cụ tài chính.

Cụ thể, nhóm tỷ phú 1% dân số hiện nắm giữ hơn 60% cổ phiếu thuộc sở hữu tư nhân tại Mỹ. Khi thị trường tăng điểm, đương nhiên họ sẽ là những người hưởng lợi nhiều nhất. Còn khi giá nhà đất lao dốc, họ bị ảnh hưởng ít nhất.

Chắc chắn sẽ còn nhiều ý kiến tranh cãi về mặt chính trị sau những sự khác biệt rằng. Nhưng thực tế là không nhiều người biết nắm giữ các tài sản khác ngoài việc đầu tư vào ngôi nhà của mình. Rõ ràng đây là điều đáng suy nghĩ trước khi đổ lỗi cho bất công xã hội.

Thanh Tùng
Theo CNBC