Vì sao giảm giới hạn cấm quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng công thức từ 24 tháng xuống 12 tháng?
Vừa qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có đề xuất giảm giới hạn cấm quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng công thứ từ 24 tháng xuống 12 tháng. Dân trí đã phỏng vấn Bs. Nguyễn Trọng An, nguyên Phó cục trưởng, Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Chuyên gia dinh dưỡng Bà mẹ-Trẻ em về vấn đề này:
Để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, VCCI đề xuất Nhà nước ban hành Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh, trong đó, đề nghị bỏ quy định cấm quảng cáo sữa cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi tại khoản 4, Điều 7 của Luật Quảng cáo. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng “Để phù hợp với thực tiễn, không bãi bỏ nội dung cấm quảng cáo sữa quy định tại khoản 4 Điều 7 Luật Quảng cáo, thay vào đó, chỉ sửa đổi khoản 4, Điều 7 Luật Quảng cáo quy định cấm quảng cáo đối với: ‘sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, bình bú và vú ngậm nhân tạo’ như ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII.”
Một số ý kiến ủng hộ việc giữ quy định cấm quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng công thức dùng cho trẻ nhỏ dưới 24 tháng tuổi cho rằng việc giảm giới hạn cấm quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng công thức từ 24 tháng xuống 12 tháng sẽ làm ảnh hưởng đến các cam kết quốc tế mà Việt Nam đang tham gia.
Hiện tại, các Uỷ ban của Quốc hội đang gấp rút xem xét dự thảo Luật này để kịp trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 2 của QH khóa XIV dự kiến khai mạc vào 20-10 tới.
Nếu Việt Nam giảm giới hạn cấm quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng công thứ từ 24 tháng xuống 12 tháng thì có vi phạm Công ước về quyền trẻ em không?
-Không vi phạm. Khoản e, Điều 24 của Công ước về quyền trẻ em quy định “Bảo đảm rằng mọi tầng lớp xã hội, đặc biệt là những bậc cha mẹ và trẻ em, được thông tin, tiếp thu giáo dục và được hỗ trợ trong việc sử dụng các kiến thức cơ bản về sức khỏe và dinh dưỡng của trẻ em, về những ưu điểm của việc nuôi con bằng sữa mẹ, về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và phòng ngừa các tai biến”. Như vậy có thể thấy rằng nghĩa vụ của các quốc gia thành viên là phải đảm bảo việc cung cấp thông tin, giáo dục truyền thông về những ưu điểm của việc nuôi con bằng sữa mẹ.
Các văn bản pháp luật có liên quan của Việt Nam cũng đã cụ thể hóa quy định này của Công ước. Đặc biệt, trong Quyết định số: 226/QĐ-TTg, ngày 22/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đặc biệt là của các cơ sở y tế trong việc cung cấp thông tin, giáo dục, truyền thông về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ, thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và ăn bổ sung hợp lý cho trẻ dưới 2 tuổi. Việc cấm quảng cáo hoặc giảm giới hạn cấm quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng công thức từ 24 tháng xuống 12 tháng không phải là quy định của Công ước. Nhưng trên thực tế, việc đưa ra quy định cấm này cũng không phải là biện pháp tốt để thực hiện Công ước Quyền trẻ em. Để bảo đảm thực hiện tốt Công ước cũng như tăng cường tình trạng dinh dưỡng của trẻ em Việt nam thì Nhà nước cần phải tăng cường các hoạt động chủ động cung cấp thông tin, giáo dục, truyền thông về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ và thực hành ăn bổ sung hợp lý cho trẻ em sẽ hiệu quả hơn là sử dụng các biện pháp cấm đoán như hiện nay.
Thưa ông, Nghị quyết 69.9 về Dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ của Hội đồng Y tế Thế giới có nội dung chủ yếu là gì?
-Một trong các nội dung cơ bản của Nghị quyết 69.9 là khuyến nghị các quốc gia, tùy theo bối cảnh cụ thể, tiến hành tất cả các biện pháp cần thiết để chấm dứt việc tiếp thị không phù hợp các loai thực phẩm dùng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ; cần phải cải thiện môi trường pháp lý, thúc đẩy các chính sách, xã hội và kinh tế để cho phép cha mẹ và người nuôi trẻ có được thông tin đầy đủ giúp cho việc ra quyết định về nuôi dưỡng trẻ và hỗ trợ việc thực hành cho ăn thích hợp bằng việc cung cấp kiến thức dinh dưỡng và sức khỏe.
Bởi vậy, việc các quốc gia tiếp cận và thực hiện Nghị quyết này cần phải đảm bảo tính toàn diện và sự cân bằng các mục tiêu của Nghị quyết, không nên trích dẫn hoặc chỉ thực hiện một cách phiến diện một nội dung nào đó, mà quên mất rằng các nội dung của Nghị quyết được xây dựng nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin cho cha mẹ và người nuôi trẻ, để họ ra quyết định một cách đúng.
Ông có thể cho biết, chính sách của Việt Nam về dinh dưỡng cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi là như thế nào?
Chiến lược dinh dưỡng quốc gia nêu rõ việc cần “thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và ăn bổ sung hợp lý cho trẻ dưới 2 tuổi”. Thực hiện Chiến lược này, Bộ Y tế cũng có Quyết định số 189/QĐ-BYT ngày 17/01/2013 ban hành “10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý đến năm 2020”. Theo đó, lời khuyên thứ 9 có ghi “trẻ sau 6 tháng và người trưởng thành nên sử dụng sữa và các sản phẩm của sữa phù hợp với từng lứa tuổi”.
Chính sách quốc gia và lời khuyên dinh dưỡng này hoàn toàn phù hợp với thực tế Việt Nam là trong giai đoạn từ 6 - 24 tháng tuổi, trẻ dễ bị suy dinh dưỡng nhất, do đó, bên cạnh việc tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ, cần phải chú trọng đến việc cho trẻ ăn bổ sung phù hợp, đủ dinh dưỡng và an toàn.
The ông, ciệc cấm quảng cáo sữa đến 24 tháng có mang lại lợi ích cho sức khỏe của trẻ em không?
Xây dựng chính sách nhất thiết phải được dựa trên bằng chứng khoa học, theo Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới -WHO [1] về nghiên cứu Khối lượng và Chất lượng của Sữa mẹ năm 1985 cho biết, “chỉ có một tỷ lệ nhỏ các bà mẹ [có đủ khối lượng và chất lượng sữa] có thể đáp ứng nhu cầu [dinh dưỡng] của một trẻ cân nặng khoảng 7kg. Điều này có nghĩa khuyến cáo là nên bổ sung các thức ăn khác kể từ lúc trẻ được trung bình 4-6 tháng tuổi. Việc thiếu thức ăn bổ sung và mắc một số bệnh khi còn nhỏ, hơn là sự thiếu chất hay kém chất của sữa mẹ, là lý do của sự chậm phát triển thể lực của trẻ em ở các nước đang phát triển so với trẻ ở các nước phát triển.”
Như vậy, có thể thấy là đối với trẻ sau 6 tháng tuổi, việc ăn bổ sung là điều rất quan trọng, mà sữa là một loại thức ăn bổ sung giầu dinh dưỡng và phù hợp nhất. Do đó, việc cấm quảng cáo sữa cho trẻ từ 12-24 tháng tuổi sẽ có khả năng dẫn đến tình trạng thiếu thông tin về một trong những loại thức ăn bổ sung quan trọng.
Khi mà nguồn thông tin quảng cáo bị cấm đoán trên các phương tiện truyền thông chính thống, khi đó các bà mẹ sẽ nhận được thông tin thiếu độ tin cậy, thiếu khoa học từ các diễn đàn xã hội, các câu lạc bộ hoặc thông tin truyền miệng .v.v. có thể gây ảnh hưởng tới việc lựa chọn đúng loại thức ăn bổ sung phù hợp và an toàn cho con mình. Mặt khác, tình trạng thiếu thông tin chính thức về các sản phẩm có thể tạo điều kiện cho các sản phẩm không được đăng ký về chất lượng xâm nhập thị trường, ví dụ, hàng sữa giả, hàng xách tay, không rõ nguồn gốc.
Hà Anh (thực hiện)