Vì sao giá xăng lại giảm?

Ghi Du

(Dân trí) - IEA dự báo nhu cầu dầu trong năm nay sẽ giảm xuống thấp hơn so với dự báo trước; Fed chậm cắt giảm lãi suất; Mỹ nâng giá đồng USD… là những nguyên nhân khiến giá xăng dầu giảm trong tuần qua.

Chiều 22/2, liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương quyết định giảm 356 đồng/lít đối với xăng E5 RON 92, xuống còn 22.475 đồng/lít; giảm 320 đồng/lít đối với xăng RON 95, xuống còn 23.599 đồng/lít. Như vậy, đây là lần thứ hai giá xăng giảm kể từ đầu năm 2024.

Lý giải về nguyên nhân giảm giá xăng, cơ quan quản lý cho biết thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 8/2 đến ngày 14/2) chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố.

Cụ thể, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu dầu trong năm nay sẽ giảm xuống thấp hơn so với dự báo trước; Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chậm cắt giảm lãi suất ảnh hưởng đến triển vọng nhu cầu dầu mỏ.

Bên cạnh đó, Mỹ nâng giá đồng USD tác động tiêu cực lên giá dầu thế giới; căng thẳng tại khu vực Trung Đông chưa có dấu hiệu hạ nhiệt; xung đột tại khu vực Biển Đỏ vẫn tiếp diễn ảnh hưởng đến hoạt động vận tải…

Vì sao giá xăng lại giảm? - 1

"Các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu thế giới trong những ngày vừa qua diễn biến có tăng, có giảm nhưng xu thế chung là giảm", liên Bộ Tài chính, Công Thương đánh giá.

Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa hai kỳ điều hành giá là 95,2 USD/thùng xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 (giảm 2,4 USD/thùng, tương đương giảm 2,5% so với cùng kỳ); 99,7 USD/thùng xăng RON 95 (giảm 2,1 USD/thùng, tương đương giảm 2,06% so với cùng kỳ).

Tại kỳ điều hành này, liên bộ không trích lập, đồng thời không chi quỹ bình ổn đối với tất cả mặt hàng xăng.

Liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cho rằng phương án điều hành giá xăng dầu trên nhằm góp phần bảo đảm biến động giá xăng dầu trong nước cơ bản phù hợp với biến động giá xăng dầu thế giới; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá hợp lý giữa xăng sinh học E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95.

Ngoài ra, phương án trên bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.