1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vì sao doanh số xe tháng 1 tăng vọt bất chấp Covid-19 "càn quét"?

An Linh

(Dân trí) - Mặc dù không có quá nhiều chiến dịch giảm giá, song sức mua của thị trường xe hơi Việt tháng 1/2021 đã tăng vọt, hơn 60% so với cùng kỳ năm trước.

Theo thông báo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán xe du lịch tháng 1/2021 đã tăng hơn 60%, xe thương mại tăng hơn 11% và xe chuyên dụng tăng hơn 31% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, lượng xe con bán ra tháng 1/2021 đạt gần 20.400 chiếc, tăng hơn 7.600 chiếc so với cùng kỳ năm trước; xe thương mại bán ra được hơn 5.700 chiếc, tăng hơn 3.000 chiếc và xe chuyên dụng bán ra được hơn 293 chiếc, tăng hơn 70 chiếc so với cùng kỳ năm trước.

Vì sao doanh số xe tháng 1 tăng vọt bất chấp Covid-19 càn quét? - 1

Tháng đầu năm 2021, thị trường xe hơi Việt Nam vẫn có tăng trưởng tốt, mức tiêu thụ các dòng xe cao kỷ lục so với năm trước, bất chấp suy thoái cầu do đại dịch

Tính về xuất xứ, cả xe lắp ráp trong nước tăng hơn 56% và xe nhập khẩu tăng hơn 88% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, so với tháng liền kề trước đó là tháng 12/2020 thì doanh số bán xe tháng 1/2021 ghi nhận giảm khá mạnh hơn 45%. Trong đó, xe thương mại giảm hơn 46%, xe chuyên dụng giảm hơn 13%. Nếu tính đến xuất xứ thì lượng xe lắp ráp trong nước giảm hơn 51% và xe nhập khẩu giảm hơn 35%.

Thực tế, bao giờ doanh số bán xe tháng đầu năm cũng giảm mạnh so với các tháng cuối năm. Điều đó là bởi các tháng cuối năm, các hãng xe thường tăng các ưu đãi, giảm giá, khuyến mãi lớn để kích cầu mua xe. Còn đầu năm, các hãng, đại lý thường cắt giảm các ưu đãi, kích cầu để chuẩn bị cho cuộc đua doanh số các tháng giữa năm.

Bên cạnh đó, đầu năm, người dân thường có xu hướng hạn chế mua sắm các loại tài sản lớn để giữ tiền với tâm lý "sợ tán tài sản đầu năm". Vì thế, đầu năm luôn là tháng thấp điểm của thị trường xe Việt.

Ông Hoàng Văn Tươi - Chủ đại lý xe hơi tư nhân tại Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm - cho biết, đáng mừng cho thị trường xe hơi năm nay là doanh số tăng vọt so với cùng kỳ năm trước.

"Năm ngoái, tôi nhớ ăn Tết âm lịch xong mới bùng dịch Covid-19 và doanh số bán xe mới tụt dốc trong tháng 3- 4, còn tháng 1 (trước Tết) doanh số vẫn cơ bản ổn định. Năm nay, dịch vẫn diễn biến phức tạp, cuối tháng 1/2021 có ca nhiễm Covid-19 mới tại TP. Chí Linh, Hải Dương, rồi sau đó lan ra nhiều địa phương khác. Bối cảnh này mà doanh số bán xe hơi tăng 60% so với cùng kỳ năm trước quả là dấu hiệu rất sáng, rất mừng" - ông Tươi nói.

Tuy nhiên, theo ông Tươi, có khả năng doanh số bán xe trong tháng 2/2021 sẽ suy giảm rõ rệt do tác động cả hai hiệu ứng là: Covid-19 và Tết Nguyên đán.

"Thị trường xe vẫn rất cần có những lực đẩy giúp tiêu thụ nhanh hơn bởi chỉ có bán hàng mới duy trì được sản xuất. Năm nay, rất khó trông chờ vào chính sách giảm phí trước bạ. Các hãng phải xác định tái cơ cấu kênh thương mại, giảm giá để mở rộng room khách hàng và giành giật khách hàng của các đối thủ. Đây là kế lâu dài và cũng là biện pháp dài hạn để đảm bảo tăng trưởng bền vững" - ông Tươi nói thêm.

Thực tế, so với cùng kỳ năm trước, hầu hết các hãng xe đều tăng doanh số bán hàng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, cao nhất là Kia Trường Hải doanh số tăng hơn 18,5%, Toyota đứng thứ 2 với 18%, Honda đứng thứ 3 với doanh số tăng 12,5%, Mazda Trường Hải đứng thứ 4 với doanh số tăng 10%, Ford Việt Nam có doanh số tăng 6,6% và cuối cùng là Hyundai với doanh số thực tế cao nhất 6.000 chiếc, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm