Thu nhập người Việt tăng nhanh, bùng nổ về nhu cầu mua ô tô trong tương lai

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - SSI Research ước tính ngành ô tô sẽ tăng trưởng 16,3% về sản lượng tiêu thụ trong năm 2021, do nhu cầu mua ô tô tiếp tục duy trì ở mức cao.

Nhu cầu tăng nhờ tác động khi giá giảm

Theo nhóm nghiên cứu SSI Research, dù chịu tác động của Covid-19 song nhu cầu mua xe hồi phục nhanh nhờ những chính sách hỗ trợ xe trong nước.

Tổng doanh số bán ô tô trong năm 2020 đạt 375.850 chiếc, giảm 5,8%. Doanh số bán ô tô giảm mạnh nhất vào đợt bùng phát Covid-19 đầu tiên ở Việt Nam.

Tuy nhiên trong nửa cuối năm, việc Chính phủ kiểm soát tốt dịch Covid-19 và ban hành những chính sách hỗ trợ như Nghị định 70, Nghị định 57 có hiệu lực từ tháng 7/2020 đã đóng góp quan trọng vào sự hồi phục mạnh của thị trường ô tô.

"Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu mua bị dồn nén tương đối lớn cùng với tâm lý tận dụng giai đoạn thị trường ô tô suy giảm để mua xe giá rẻ giúp lĩnh vực này phục hồi nhanh chóng, và đà hồi phục có thể tiếp tục trong năm 2021", chuyên gia SSI Research nhận định.

Ngoài ra theo đơn vị nghiên cứu này, hầu hết người mua ô tô đều có thu nhập trung bình đến cao nên sức mua sẽ chịu ít ảnh hưởng hơn bởi đại dịch.

SSI Research ước tính ngành ô tô sẽ tăng trưởng 16,3% về sản lượng tiêu thụ trong năm 2021, do nhu cầu mua ô tô tiếp tục duy trì ở mức cao. Kết quả này cao hơn 3% nếu so với kịch bản nếu không xảy ra Covid.

Thu nhập người Việt tăng nhanh, bùng nổ về nhu cầu mua ô tô trong tương lai - 1

Bên cạnh đó, nhu cầu mua ô tô có thể tiếp tục tăng nhanh nhờ tăng nguồn cung ô tô trong nước, giảm thuế/phí và giảm giá ở nhiều mẫu ô tô.

Thu nhập người Việt gần tới điểm bùng nổ về nhu cầu ô tô

Đưa ra những dự báo về tăng trưởng ngành ô tô, SSI Research dẫn ra một số cơ sở là động lực quan trọng để thúc đẩy nguồn cầu ngành này.

Cụ thể, thu nhập bình quân trên đầu người Việt Nam đang trên đà tăng trưởng nhanh, dự kiến ở mức 8-10%/năm trong vòng 10 năm tới. So sánh với các quốc gia trong khu vực, mức thu nhập bình quân hiện nay của Việt Nam đang tiến rất gần tới điểm bùng nổ về nhu cầu mua ô tô.

"Ô tô sẽ sớm chuyển từ mặt hàng xa xỉ với chỉ 34 xe/1.000 người vào năm 2020 (nguồn: Cục đăng kiểm Việt Nam) trở thành mặt hàng tiêu dùng phổ biến với tỷ lệ sở hữu xe cao như các nước trong khu vực", báo cáo của SSI Research nêu rõ.

Thứ hai theo SSI Research, sản lượng sản xuất xe trong nước tăng nhanh đang dần đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng và có thể giúp giá xe ngày càng rẻ hơn.

Với việc có thêm nhiều nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô mới ước tính hoàn thành vào giai đoạn 2022 - 2023, SSI Research cho rằng thị trường ô tô sẽ cực kỳ sôi động và các nhà sản xuất có thể cho ra nhiều chính sách chiết khấu và giảm giá mạnh mẽ để thúc đẩy nhu cầu thị trường bắt kịp nguồn cung mới.

Thứ ba, sẽ giảm dần thuế/ phí đối với ô tô. Sau nghị định 57/2020/ND-CP và Hiệp định EVFTA, ATIGA có hiệu lực, rất nhiều loại thuế phí đã được cắt bỏ và giá ô tô cũng giảm theo tương ứng.

Hiện tại, Quốc hội đang thảo luận về khả năng giảm thuế tiêu thu đặc biệt (tỷ lệ giảm thuế tương ứng với tỷ lệ nội địa hóa của mỗi dòng xe), giúp thúc đẩy hơn nữa tiêu thụ xe giá rẻ. Tuy nhiên theo SSI Research, khả năng giảm thuế TTĐB cho ô tô còn tương đối thấp vì khoản này đóng góp tới 4,4% thu ngân sách nhà nước và khó có thể cắt giảm trong thời điểm thu ngân sách bị ảnh hưởng tiêu cực sau dịch Covid-19.

Quy mô thị trường đã đủ lớn để các nhà sản xuất chuyển dịch từ nhập khẩu sang lắp ráp trong nước. Trước đó, các nhà sản xuất ô tô chủ yếu nhập khẩu các mẫu xe vì quy mô thị trường chưa đủ lớn để lắp ráp xe trong nước. Tuy nhiên, khi thị trường ô tô Việt Nam đang phát triển nhanh chóng về sản lượng tiêu thụ và thị phần ngày càng trở nên tập trung, lĩnh vực sản xuất ô tô đang thu hút nhiều vốn đầu tư hơn.

Thu nhập người Việt tăng nhanh, bùng nổ về nhu cầu mua ô tô trong tương lai - 2

Bên cạnh cơ hội, nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra một loạt rủi ro ngành này phải đối mặt, như ô nhiễm không khí gia tăng, biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân đang được xem là một trong những giải pháp tiềm năng ở các thành phố lớn.

"Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy đây là một nghịch lý do phương tiện giao thông công cộng kém hiệu quả và các dự án metro chậm trễ trong khi nhu cầu đi lại ở Việt Nam lại rất lớn", SSI Research nhận định.

Thứ hai là vấn đề rủi ro chính sách. SSI Research cho biết, môi trường pháp lý trong ngành công nghiệp ô tô luôn biến động, do luật và quy định liên tục thay đổi.

Điều này chủ yếu là do hầu hết các quy định ưu tiên bảo hộ ngành trong nước trái ngược với các hiệp định thương mại tự do hiện có (WTO, ATIGA, EVFTA, CPTPP) và cản trở thương mại với các nước. Do đó, các doanh nghiệp ô tô vẫn ngần ngại khi đầu tư mạnh vào ngành này.

Hơn nữa, Việt Nam thiếu vắng ngành công nghiệp phụ trợ như phụ tùng ô
tô, chất bán dẫn, động cơ ô tô... Do đó, ngành công nghiệp sản xuất ô tô vẫn đang phát triển với tốc độ chậm.

Thu nhập người Việt tăng nhanh, bùng nổ về nhu cầu mua ô tô trong tương lai - 3

So với các nước trong khu vực, Thái Lan và Indonesia có thị trường phụ tùng ô tô phát triển, ngành ô tô Việt Nam vẫn kém hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư.