Vì sao DN Việt được tham gia nghiên cứu thuốc phòng Covid-19 ở Anh?
(Dân trí) - Để được chính phủ chấp thuận và tài trợ cho một hướng nghiên cứu mới để phòng ngừa Covid-19 thì bản thân các doanh nghiệp tại Anh cũng phải tìm được đối tác sản xuất nguyên liệu phù hợp nhất để phục vụ hoạt động thử nghiệm và sản xuất sau này.
Hãng dược của Anh - Destiny Pharma và Công ty nghiên cứu ứng dụng bào tử vi sinh SporeGen của nước này vừa công bố dự án hợp tác nghiên cứu, phát triển sản phẩm từ vi khuẩn có thể kích thích hệ miễn dịch tự nhiên và chống lại virus SARS-CoV-2 mang tên SPOR-COV.
Dự án còn có sự tham gia của một doanh nghiệp Việt là Huro Probiotics - một thành viên của Tập đoàn PAN - với vai trò cung cấp nguyên liệu và phát triển công nghệ sản xuất chuẩn hóa ở quy mô công nghiệp. Đồng thời sau khi nghiên cứu hoàn tất, Huro Probiotics còn được quyền nhận chuyển giao công nghệ, nội địa hóa sản xuất phục vụ trong nước và xuất khẩu thành phẩm SPOR-COV.
Việc một doanh nghiệp Việt có thể tham gia một dự án nghiên cứu theo hướng mới để phòng ngừa Covid-19 là một thông tin đáng chú ý, bởi khác với vaccine, SPOR-COV này sẽ tập trung kích thích hệ miễn dịch tự nhiên (bẩm sinh) nhằm tăng cường khả năng bảo vệ trước virus; đồng thời có khả năng sản xuất và bảo quản đơn giản hơn, qua đó giúp giảm giá thành sản phẩm sau này.
Trao đổi với báo chí, Giáo sư Simon Cutting, Giám đốc điều hành SporeGen cho biết kinh nghiệm hợp tác và nhận chuyển giao công nghệ của Anh từ nhiều năm trước là một trong những lợi thế giúp Huro có thể tham gia vào dự án nghiên cứu và phát triển SPOR-COV. Ông cho biết để được Chính phủ Anh chấp thuận và tài trợ cho dự án thì bản thân SporeGen và Destiny Pharma phải tìm được đối tác sản xuất nguyên liệu phù hợp nhất để phục vụ hoạt động thử nghiệm.
“Sau khi làm việc với 8 công ty, chúng tôi thấy rằng Huro Probiotics phù hợp nhất. Vì lợi thế lớn nhất của họ là cơ sở vật chất và khả năng chuẩn hóa quy trình sản xuất ở quy mô công nghiệp sau khi chế phẩm SPOR-COV được thử nghiệm lâm sàng thành công, đáp ứng nhu cầu điều trị Covid-19 rất lớn hiện nay. Một lý do khác nữa, Huro Probiotics có đội ngũ cán bộ chủ chốt hiểu được những tiêu chuẩn của EU - tức là ở mức độ cao nhất thế giới, đồng thời có kinh nghiệm làm việc đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP)”, ông Simon nói.
GMP là tiêu chuẩn được dùng để đo lường trong nhiều lĩnh vực như dược phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm và thiết bị y tế. Tiêu chuẩn này không để đánh giá đơn lẻ cho từng bộ phận mà áp dụng cho toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp từ nhân sự, nhà xưởng, thiết bị, quá trình sản xuất, thử nghiệm mẫu đến xử lý sản phẩm không phù hợp và giải quyết khiếu nại của khách hàng.
Hoạt động sản xuất đảm bảo chất lượng thôi là chưa đủ, doanh nghiệp còn phải đảm bảo rằng thành phẩm không bị nhiễm bẩn bởi tác nhân vật lý, hóa học, vi sinh và không thay đổi chất lượng trong quá trình bảo quản và phân phối sản phẩm.
“Khi dự án thành công, chúng tôi kỳ vọng Huro có thể là nhà sản xuất thành phẩm SPOR-COV ngăn ngừa và điều trị không chỉ Covid-19 mà còn nhiều bệnh khác liên quan đến hô hấp. Thêm nữa, Huro Probiotics còn có thể xin cấp phép cho sản phẩm và tiếp cận thị trường Đông Nam Á”, Giám đốc điều hành Công ty SporeGen nói.
Huro Probiotics là 1 doanh nghiệp khoa học công nghệ có trụ sở tại Long An, tiền thân là trung tâm R&D của Tập đoàn PAN ra đời vào 2012, chuyên nghiên cứu, phát triển và sản xuất chế phẩm sinh học phục vụ cho ngành dược phẩm và thực phẩm. Một trong những ứng dụng vào sản phẩm nổi bật của tập đoàn là kẹo dẻo lợi khuẩn HURO chứa probiotics HU58.
Việt Nam hiện có hơn 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vi sinh công nghiệp thuộc các nhóm ứng dụng như công nghiệp dược, thực phẩm và đồ uống, thực phẩm chức năng, axit và dung môi hữu cơ, vật liệu sinh học. Trong đó, tỷ trọng doanh nghiệp sản xuất thực phẩm và đồ uống lớn nhất, chiếm gần 50% số lượng doanh nghiệp trong nước.
Theo đó, doanh nghiệp Việt chủ yếu tập trung vào sản xuất dựa trên công nghệ ngoại nhập và gia công, thương mại. Tiềm năng thị trường trong lĩnh vực vi sinh công nghiệp tương đối lớn và có sự khuyến khích từ Nhà nước, tuy nhiên số lượng doanh nghiệp như Huro Probiotics là không nhiều do phần lớn công nghệ nội địa chưa đáp ứng được kỳ vọng về nhu cầu sản phẩm có hàm lượng nghiên cứu và công nghệ cao hơn từ trong nước.