Vì sao Bộ Tài chính - Giao thông “quyết” thu phí cao tốc vốn ngân sách?

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Việc “xóa sổ” trạm thu phí trên các tuyến đường đầu tư bằng vốn ngân sách thực hiện được ít năm thì đến nay Bộ Tài chính, Giao thông vận tải lại xây dựng Đề án trình Chính phủ, Quốc hội để tái thu.

Đề xuất tái thu phí sau 7 năm “xóa sổ”

Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thu phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do nhà nước đầu tư với mức thu dự kiến là 1.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn.

Theo Bộ Tài chính, tính toán của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) trên cơ sở lượng hóa chi phí vận hành và thời gian phương tiện lưu thông trên 5 tuyến đường cao tốc so với lưu thông tuyến trên quốc lộ song hành sẽ được lợi bình quân 2.518 đồng/km/xe tiêu chuẩn. Trường hợp phải nộp phí 1.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn thì chủ phương tiện vẫn hưởng lợi 1.500 đồng/km.

Cần phải nói thêm rằng, năm 2013, khi Quỹ Bảo trì đường bộ đi vào hoạt động, các trạm thu phí nộp ngân sách Nhà nước đã bị xóa bỏ. Bộ GTVT không thu phí các tuyến đường được đầu tư bằng tiền ngân sách để giảm gánh nặng cho người điều khiến phương phương tiện.

Vì sao Bộ Tài chính - Giao thông “quyết” thu phí cao tốc vốn ngân sách? - 1

Sẽ thu phí các tuyến đường cao tốc được đầu tư bằng vốn ngân sách (ảnh: Hữu Nghị)

Tuy nhiên, trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài chính, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính và Bộ GTVT xây dựng báo cáo của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung khoản phí sử dụng đường cao tốc thu qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo đúng quy định của Luật Phí và lệ phí.

Tại Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, Bộ GTVT cũng bổ sung quy định về thu phí các phương tiện lưu thông trên cao tốc do Nhà nước đầu tư, bên cạnh việc tiếp tục thu phí bảo trì đường bộ trên từng phương tiện ô tô qua mỗi kỳ đăng kiểm.

Theo đó, sẽ thu phí riêng với phương tiện sử dụng đường bộ cao tốc, đường cấp cao, đường vành đai đô thị được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc. Khoản phí này do Bộ Tài chính quy định với tuyến đường cao tốc do trung ương quản lý, hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức thu tại các tuyến đường cao tốc do địa phương quản lý.

Chủ phương tiện được lựa chọn

Câu hỏi đặt ra là: Với nhiều loại phí đang phải nộp, nay thu thêm phí các tuyến cao tốc đầu tư bằng vốn ngân sách có dẫn tới tình trạng phí chồng phí?

Trao đổi với PV Dân trí, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết: Với các đoạn cao tốc đầu tư bằng ngân sách, Bộ GTVT sẽ xây dựng phương án thu phí để hoàn vốn cho nhà nước, điều này cũng đảm bảo khả thi vì người dân có sự lựa chọn giữa đi cao tốc trả phí và đi đường bộ thông thường không trả phí. 

“Hiện tại, phí bảo trì đường bộ thu từ chủ phương tiện ô tô để bảo trì toàn bộ hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện, xã… Còn với cao tốc, nếu chủ phương tiện sử dụng thì phải trả phí riêng cho đoạn đường đó, để bảo trì và thu hồi vốn đầu tư để Nhà nước đầu tư cho các tuyến đường mới. Nếu chủ phương tiện không trả phí thì đi các tuyến quốc lộ khác, nên không xảy ra phí chồng phí” - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạn

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, việc thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau, trên thế giới cũng có nhiều mô hình, có nước thu nước không thu. Ở nước ta, quy định chưa đồng bộ, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định đã đầu tư bằng ngân sách thì không thu phí, chỉ thu phí bảo trì đường bộ qua đầu phương tiện ô tô khi đăng kiểm. Tuy nhiên, trên thực tế, ngân sách có hạn, là tiền thuế của người dân, sử dụng đầu tư các tuyến quốc lộ cơ bản, còn đường cao tốc chất lượng cao phải khác và Nhà nước cần thu hồi vốn để tái đầu tư.

Để so sánh cụ thể, lãnh đạo Bộ GTVT dẫn chứng với đầu tư bệnh viện, Nhà nước đầu tư để cung cấp dịch vụ y tế cơ bản, còn bệnh viện kết hợp huy động vốn tư nhân để đầu tư dịch vụ cao và thu phí cao hơn, người bệnh có quyền lựa chọn sử dụng dịch vụ cao hoặc không.

Theo lãnh đạo Bộ GTVT đường cao tốc có chất lượng cao, phương tiện lưu thông nhanh hơn, an toàn hơn, hao tốn nhiên liệu ít hơn… thì người sử dụng phải trả phí để đi. Nếu chủ phương tiện không đi cao tốc có thể chọn đi trên quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, còn các trạm thu phí hiện nay trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh là do lịch sử để lại. Pháp luật chưa đồng bộ, trong thời điểm ngân sách nhà nước khó khăn phải huy động vốn tư nhân, khi hết thời gian thu phí, đường và các trạm thu phí sẽ được bàn giao lại cho Nhà nước và sẽ không thu phí tiếp.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho hay: Trước đây, khi hoàn thành đưa vào sử dụng cao tốc Nhật Tân - Nội Bài (Hà Nội), nhà tài trợ vốn là JICA đã đề xuất cho thu phí để có tiền bảo trì, nhưng do vướng Luật nên không thể thu. Vậy nên, trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, Bộ GTVT đã đưa vào đề xuất thu phí với đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.

“Trước mắt, chỉ thu phí với các phương tiện lưu thông trên tuyến cao tốc mà ở khu vực đó đã có tuyến đường bộ khác chạy song song. Nếu chúng ta thu phí với cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ có nguồn lực để đầu tư các tuyến đường khác trong thời gian sớm hơn, nếu không thu sẽ phải đợi có nguồn lực mới đầu tư được, khi đó sẽ phải chờ đợi lâu hơn” - Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết thêm.