Vì sao Bộ Tài chính ban hành văn bản giảm 50% phí trước bạ ô tô quá chậm?

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết: “Chúng tôi đã dự thảo Nghị định giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô nhưng trước khi ban hành phải xin ý kiến các Bộ, ngành và Chính phủ”.

Chiều tối nay (2/6), tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, PV Dân trí đặt câu hỏi đối với lãnh đạo Bộ Tài chính về việc giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô trong nước: Việc giảm phí được cho là để kích cầu tiêu dùng, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo, Chính phủ đã ra Nghị quyết và người dân đang rất mong đợi chính sách ưu đãi này, nhưng Bộ Tài chính tính 2 tháng nữa mới có văn bản hướng dẫn liệu có quá chậm so với yêu cầu?

Theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai: “Để giảm phí trước bạ 50% thì phải ban hành văn bản và Nghị định của Chính phủ. Trong Nghị quyết số 84 cũng đã cho phép các văn bản trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy trình rút gọn”.

Bà Mai cho biết, Nghị quyết ban hành ngày 29/5 và có rất nhiều nội dung liên quan tới các Bộ, ngành phải thực hiện, trong đó có Bộ Tài chính được phân công rất nhiều nhiệm vụ và có rất nhiều văn bản phải xây dựng rồi trình cấp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Vì sao Bộ Tài chính ban hành văn bản giảm 50% phí trước bạ ô tô quá chậm? - 1
Chính phủ đã ra Nghị quyết về việc giảm 50% thuế trước bạ ô tô, nhưng văn bản hướng dẫn thực hiện vẫn chưa được ban hành

“Cho đến nay, hồ sơ chuẩn bị cho dự thảo Nghị định về phí trước bạ cũng đã được chuẩn bị và đang xin ý kiến của các đơn vị trong Bộ. Theo quy định quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo Nghị định này sẽ được xin ý kiến các Bộ, ngành.

Sau khi tổng hợp ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, Bộ Tài chính sẽ hoàn chỉnh để xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và tiếp thu giải trình ý kiến của Bộ Tư pháp rồi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chúng tôi sẽ cố gắng tối đa để hoàn thiện trong thời gian sớm nhất để Chính phủ ban hành được Nghị định này” - Thứ trưởng Bộ Tài chính nêu quy trình ban hành văn bản hướng dân.

Câu hỏi đặt ra là: Nếu văn bản ban hành chậm thì có hồi tố không? Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho hay: Với quy trình thủ tục rút gọn, Chính phủ đã chỉ đạo hết sức sát sao, đề nghị các Bộ, ngành phải hoàn thành nhanh nhất có thể để có điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Bộ Tài chính đã quán triệt và thực hiện trên tinh thần đó.

“Mục tiêu của việc giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô là nhằm kích cầu tiêu dùng, vì vậy quan điểm của cơ quan soạn thảo chúng tôi là kích cầu tiêu dùng từ thời điểm này, từ khi ban hành văn bản chính sách làm sao để có thể kích cầu tiêu dùng”-  bà Mai nói và cho rằng văn bản về giảm phí trước bạ ô tô nếu chậm cũng không nên hồi tố: “Vì hồi tố tức là những trường hợp đã mua ô tô rồi phải trả lại phí trước bạ, điều này rất phức tạp, không hợp lí và không có tác dụng kích cầu”.

Lãnh đạo Bộ Tài chính một lần nữa nhấn mạnh quan điểm của các cơ quan soạn thảo là thực hiện mục tiêu kích cầu tiêu dùng đối với xe sản xuất trong nước. “Nghị định sẽ có hiệu lực kể từ ngày ký. Chúng tôi đã dự thảo nhưng còn xin ý kiến các Bộ, ngành và Chính phủ” – bà Mai nêu rõ.

Vì sao Bộ Tài chính ban hành văn bản giảm 50% phí trước bạ ô tô quá chậm? - 2
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai (ảnh: Tổ quốc)

Liên quan đến việc các doanh nghiệp đề nghị gia hạn thuế trong thời gian dài hơn nữa, có thể là 12 tháng thay vì 5 tháng như hiện nay theo Nghị định 41, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết hiện theo quy định của Luật Quản lý thuế việc gia hạn thuế, phí nếu ảnh hưởng tới dự toán ngân sách đã được Quốc hội thông qua thì phải trình Quốc hội, trường hợp gia hạn không làm ảnh hưởng tới dự toán ngân sách đã được thông qua thì thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Trước đó, ngày 29/5, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Tại Nghị quyết, Chính phủ đưa ra hàng loạt giải pháp thuộc thẩm quyền Chính phủ (giải pháp thực hiện, không phải trình lên Quốc hội), trong đó có việc: "Giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước".

Chính phủ cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đối với các khoản phải nộp phát sinh từ tháng 3 năm 2020.

Về việc này, Vụ Chính sách Thuế - Bộ Tài chính thông tin dự kiến Nghị định sẽ ban hành sau khoảng 2 tháng nữa, tức là khoảng tháng 7/2020.  

Châu Như Quỳnh