Vì đâu giá xăng trong nước không giảm “sốc” như thế giới?

(Dân trí) - Nhiều ý kiến băn khoăn về mức giảm của giá xăng dầu tại kỳ điều hành hôm qua (15/3) chưa “sốc” được như giá thế giới.

Vì đâu giá xăng trong nước không giảm “sốc” như thế giới? - 1

Việc trích lập quỹ bình ổn để có dư địa cho kỳ điều hành tiếp theo nếu giá dầu bật tăng trở lại.

Đối chiếu theo quy định hiện hành, ngày điều hành giá xăng dầu của kỳ điều hành này sẽ diễn ra chiều nay (ngày 16/3).

Tuy nhiên, Liên Bộ Công Thương – Tài chính vẫn quyết định điều chỉnh giảm giá ngay chiều qua, ngày 15/3 (Chủ nhật) nhằm “hỗ trợ đời sống của người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19”.

Theo đó, giá xăng RON 95 được điều chỉnh giảm 2.315 đồng/lít; E5 RON 92 giảm 2.290 đồng/lít; dầu diesel giảm 1.750 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S giảm 1.353 đồng/kg; dầu hỏa giảm 1.830 đồng/lít.

Sau điều chỉnh, giá xăng RON 95 có giá bán tối đa là 16.812 đồng/lít; xăng E5 RON92 là 16.056 đồng/lít; dầu diesel 13.035 đồng/lít…

Đây là mức giá giảm sâu nhất trong hơn một năm qua. Nguyên nhân là Covid-19 lan rộng khắp thế giới khiến nhu cầu đi lại và sản xuất giảm, trong khi đó nguồn cung tăng khiến giá giảm mạnh.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn băn khoăn về mức giá giảm của Việt Nam vẫn chưa “sốc” được như giá thế giới. Thực tế, giá xăng dầu trong nước vẫn có dư địa giảm thêm vì khoản trích quỹ bình ổn giá.

Tại lần giảm này, Liên Bộ Công Thương - Tài Chính đã quyết định trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5 RON 92 ở mức 200 đồng/lít; dầu mazut trích lập ở mức 100 đồng/kg; xăng RON95, dầu hỏa và dầu diesel ở mức 800 đồng/lít.

Quỹ BOG được kỳ vọng sẽ góp phần bình ổn mặt bằng giá xăng dầu. Quỹ này thời gian qua gây nhiều ý kiến trái chiều.

Trao đổi với Dân trí, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cho biết việc trích lập quỹ bình ổn trong kỳ điều hành xăng dầu ngày hôm qua khiến dư luận đặt băn khoăn về mức giảm chưa mạnh như giá thế giới.

Theo ông Minh, bản chất của quỹ này chỉ là trích bớt phần giảm của kỳ điều hành này để thực hiện điều chỉnh, tránh bị tăng “sốc" nếu thị trường thế giới lên.

Như vậy, quỹ này về bản chất có hai mặt: Trong khi giá thế giới giảm nhanh, trong nước sẽ trích quỹ để giảm chậm hơn, quỹ này sẽ can thiệp khi giá xăng thế giới tăng, thị trường trong nước bớt tăng sốc.

Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, theo quy định tại Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, Việt Nam điều hành theo chu kỳ 15 ngày. Ngoài độ trễ điều hành giá theo bình quân 15 ngày, nhà điều hành cũng phải tính tới kịch bản để có dư địa cho kỳ điều hành tiếp theo nếu giá dầu bật tăng trở lại.

Mức giảm tại kỳ điều hành hôm qua được ông Đông cho rằng, tương đối mạnh. Ngày giảm mạnh trong đợt vừa qua, theo ông Đông, là mức giảm 30% sau khi Nga và OPEC không đạt thoả thuận về cắt giảm sản lượng dầu mỏ. Tuy nhiên, theo ông Đông mức giảm này chỉ là biểu hiện của ngày hôm đó, sau đó giá lại tăng lên.

Cũng theo vị này, tình hình địa chính trị rất phức tạp, giả sử Nga và OPEC có thể đạt được thoả thuận, giá dầu nhiều khả năng sẽ bật tăng 30-40%, nên phải để dư địa cho kịch bản giá dầu tăng sốc trở lại trong kỳ điều chỉnh sau.

Về tác dụng “tránh tăng sốc” của quỹ bình ổn này, một số chuyên gia trước đó lên tiếng cho rằng: Ý nghĩa của vấn đề này không nhiều, song khi đó phải cân đối thiệt - lợi thì thấy bỏ đi vẫn có lợi hơn. Bởi bản thân cơ chế xăng dầu điều chỉnh theo chu kỳ 15 ngày đã giúp làm “mềm” giá, giảm tăng sốc đi nhiều.

“Việc duy trì Quỹ bình ổn là không cần thiết, khiến cả người dân doanh nghiệp đều thấy phiền phức. Hãy để doanh nghiệp tự xây dựng phương án, sát nhất với diễn biến thực tế”, TS. Đinh Tuấn Minh - Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội nêu quan điểm.

Nguyễn Mạnh