Về vựa cá chép đỏ lớn nhất miền Bắc
Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa là đến ông Công, ông Táo về chầu trời (23 tháng Chạp), thời điểm này tại các địa phương như Phú Thọ, Nam Định, người dân đã chuẩn bị một lượng lớn cá chép đỏ để tung ra thị trường.
Sản lượng dồi dào
Thu hoạch cá chép đỏ tại ao để bán cho thương lái. Ảnh: Trần Quang
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
* 5.680 bịch bột nêm Knorr giả trong quà tết tặng công nhân * Gần 8.700 lao động "xuất ngoại" trong tháng đầu năm |
Là đầu mối lớn có tiếng, chuyên thu gom cá chép đỏ ở xã Tuy Lộc xuất bán đi các tỉnh, anh Nguyễn Công Thiện cho biết: “Ngay từ đầu tháng 12.2014, chúng tôi đã đi mua lại của 5 hộ nuôi cá đỏ trong xã với khoảng hơn 1 tấn, phần lớn là các cá loại to từ 3 - 4 đầu ngón tay trở lên với giá 85.000 đồng/kg để nuôi gột rồi đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh khác”.
Theo anh Thiện, đã có thời nghề nuôi gột cá chép đỏ gặp khó khăn về đầu ra nên bà con chán nản làm ít, cốt để giữ nghề. Tuy vậy, 5-6 năm trở lại đây, cá của làng có thương hiệu được khách đến mua nhiều, bà con mới đầu tư làm lớn nên thu nhập tăng dần. Đến nay, có hộ bán ra thị trường hàng hàng tấn cá mỗi năm, thu về cả trăm triệu đồng như hộ ông Hà Công Kỷ nuôi hơn 1 mẫu ao cá chép đỏ thu về khoảng 150 triệu đồng/năm, hộ ông Nguyễn Công Trạch nuôi gần 1 mẫu ao có doanh thu gần 100 triệu đồng/năm...
Tại làng cá thôn Kim, xã Mỹ Thắng, huyện Mỹ Lộc (Nam Định) dù nghề nuôi chép đỏ mới xuất hiện gần 10 năm song đến nay cũng đã có hơn 40 hộ làm nghề và có thu nhập cao. Hộ ông Trần Quốc Việt là một trong những hộ điển hình trong số đó, gia đình ông nuôi hơn 0,5ha, trung bình mỗi năm ông bán ra thị trường 5 - 6 tạ cá chép đỏ. Hiện, gia đình ông đang bắt đầu thu hoạch cá và dự kiến đến hết ngày 22 tháng Chạp sẽ thu được khoảng hơn 1 tấn cá, bán với giá khoảng 60.000- 80.000 đồng/kg, thu về cũng khoảng gần 100 triệu đồng.
Không lo chép đỏ “cháy hàng”
Gia đình anh Hà Công Thắng đang kéo chài thu hoạch cá chép đỏ trong ao của gia đình. Ảnh: Trần Quang
Ông Vụ cho biết thêm, toàn thôn có 3 khu, song trong đó chỉ có khu 3 là nuôi nhiều nhất với gần 200 hộ nuôi, chiếm trên 80% sản lượng cũng như diện tích. “Hiện, bà con trong làng đang bắt đầu thu hoạch, nguồn cá chép ở làng năm nay không lo “cháy hàng” như năm 2014 nữa, giá cả cũng khá nên bà con rất mừng”- ông Vụ chia sẻ.
Theo ông Vụ, vì chất lượng cá của thôn Thủy Trầm có mẫu mã đẹp và đỏ hơn các nơi khác như Nam Định, Vĩnh Phúc…, nên không chỉ tiêu thụ nhanh và giá bán bao giờ cũng cao hơn từ 20.000 - 40.000/kg. “Theo ước tính của tôi, lượng cá của Khu 3 xuất ra thị trường năm nay ước khoảng 25 - 40 tấn cá, số tiền thu về khoảng trên 3 tỷ đồng”- ông Vụ khẳng định.
Trao đổi với NTNN, ông Trần Văn Thư – Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thắng cho biết: “Cá chép đỏ mới xuất hiện ở xã chưa lâu, nhưng bà con đã có khá nhiều kinh nghiệm nuôi, gột cá chép đỏ nên chất lượng cũng như sản lượng luôn được đảm bảo năm sau cao hơn năm trước”. Năm nay, số lượng cá thương lái đặt hàng đã đảm bảo tiêu thụ gần hết số cá mà người dân nuôi gột. Sản lượng cá của xã dự kiến cung cấp ra thị trường tết khoảng gần 10 tấn, tăng 50% so với năm 2014, giá cả cũng vẫn giữ ở mức từ 60.000 -80.000 đồng/kg.
Còn theo ông Hoàng Minh Quân – Chủ tịch UBND xã Tuy Lộc: “Toàn xã hiện có 3 thôn ương nuôi, gột cá chép đỏ gồm Thủy Trầm, Quyết Tiến, Tăng Xá, với khoảng gần 600 hộ nuôi tương đương với diện tích nuôi trên 20ha. Trong đó, thôn Thủy Trầm có số hộ nuôi, ương nhiều nhất với gần 400 hộ. Theo thống kê của xã, sản lượng cá chép đỏ cung cấp cho thị trường sắp tới rất dồi dào khoảng từ 25 - 40 tấn, với giá khoảng từ 70.000- 100.000 đồng/kg”.
Theo Trần Quang