Về dự án nhiệt điện 1,2 tỷ USD: Cần một cách nhìn công tâm
(Dân trí) - Trong những ngày qua, báo chí có đề cập tới dự án nhiệt điện Long Phú 1 tại Sóc Trăng mới được Chính phủ cho phép Tập đoàn dầu khí Việt Nam được chỉ định nhà thầu Nga, mà cụ thể là Tập đoàn Power machines (PM) liên danh.
Theo tìm hiểu của đoàn công tác thuộc Tập đoàn dầu khí Viêt Nam (PVN) gọi là đi thị sát ngày 5/9 mới đây, sau khi có thông tin nói rằng máy phát điện do PM sản xuất đang vận hành ở Uông Bí có chuyện không ổn mà báo chí nêu. Thực tế đã cho thấy, do chất lượng than phục vụ sản xuất của 3 tổ máy ở Uông Bí (tổ máy 110 MW và 300MW là của PM chế tạo, tổ máy 330 MW là của Babcox &Wilcox Bejing (Trung Quốc) chế tạo) đều dùng than của mỏ Vàng Danh khai thác cho nên chất lượng rất kém, ảnh hưởng đến vận hành như: Với máy 300MW của PM thì chu kỳ chạy đạt 83 ngày lại phải dừng để cạo sỉ, còn với tổ máy 330 MW của Trung Quốc thì chỉ có 12 ngày là đã phải dừng cũng là để cạo sỉ do bị két lại dưới đáy nồi. Như vậy cho thấy một điều: tổ máy do PM chế tạo quá "nồi đồng cối đá" nếu ta đem so với chu kỳ phải dừng quá ngắn ngủi của B&W(Trung Quốc) .
Được thành lập từ 1857 với cái tên : Leningradsky, sản xuất tới 95% tất cả các sản phẩm cho nhiệt điện , thuỷ điện và điện hạt nhân tại CHLB Nga. Tập đoàn PM có tới 58 nghìn chuyên gia , kỹ sư và công nhân lành nghề. Đây cũng chính là tập đoàn tham gia một phần thiết kế và thi công công trình Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình năm xưa ở nước ta, một công trình hợp tác tầm cỡ thế kỷ với biết bao ý nghĩa sâu sắc, dạt dào tình hữu nghị Việt - Xô. |
Vậy tại sao khi dẫn chứng cho bài viết lại không hề nhắc tới tổ máy của Trung Quốc chế tạo mà chỉ soi vào máy của Nga chế tạo?
Tìm hiểu tiếp thì chúng tôi được biết, nhà thầu của Trung Quốc này cùng đã thắng thầu ở Vũng Áng và Thái Bình với PVN, nay họ đang muốn tham gia vào dự án Long Phú 1 mà phía Nga đã được PVN chỉ định cho một đơn vị thành viên của mình là PTSC sẽ là đối tác tham gia liên danh với mình.
Do có một vài tiểu tiết làm chưa chuẩn về mặt quy trình cho nên có sự "chê bai" thiếu công tâm nói trên khiến công việc phải đình trệ để chờ kết luận trước khi Chính phủ chỉ đạo tiếp cho PVN đầu tư.
Để khách quan, chúng ta cần nêu đầy đủ tình trang vận hành của cả hai loại máy của cả hai hãng ở Uông Bí , có như vậy mới chuẩn xác.
Việc phải dừng theo chu kỳ vừa nêu, thực ra là do chất lượng than xấu chứ không phải máy kém chất lượng. Song rõ ràng, với cùng chất lượng than như vậy, người ta đều có thể đánh giá máy phát của hãng nào tốt hơn.
Chúng ta cần nhớ một điều, dù là đầu tư với đối tác nào thì cũng phải tính tới chuyện vay vốn và rồi ai là người trả nợ? Tất nhiên, không ai khác, đó là tiền thuế do dân đóng góp !
GS-TSKH Nguyễn Quốc Sỹ, hiện là Viện sĩ Thông tấn, Giảng viên Đại học Năng lượng Matxcơva, CHLB Nga, khẳng định: "PM là Tập đoàn Máy động lực lớn của Nga và họ có năng lực thực sự . Việc lò hơi của họ ở Uông Bí "có vấn đề" cần có chuyên gia xem xét cẩn thận. Nó có chuyện như báo nêu có thể xuất phát từ chất lượng của than chứ không phải do máy".
GS Sỹ cũng bày tỏ: "Việc chủ đầu tư dùng loại than nào cho thích hợp và qui trình đốt như thế nào vừa là các thông số đầu vào để thiết kế chế tạo lò đốt cho nhà máy nhiệt điện, vừa có thể là các thông số cần phải tối ưu hoá trong quá trình đốt. Dựa trên các thông số này mà chủ đầu tư mới chọn công suất lò tối ưu cho loại than nguyên liệu mà nhà máy sẽ dùng ".
"Còn ở nước ta, các nhà đầu tư của mình thường xuyên chọn các nhà thầu Trung Quốc chỉ vì giá rẻ sẽ có rất nhiều hệ lụy kể cả về kỹ thuật, về sử dụng và bảo hành thiết bị, cũng như các giá trị kinh tế cuối cùng. Mặc dù vậy, nhiều nhà đầu tư của ta vẫn chọn các nhà thầu giá rẻ . Như vậy sẽ đem lại gánh nặng cho nền sản xuất trong nước cũng như nền kinh tế VN... Và đó là một điều rất đáng quan ngại !" Và GS nói tiếp: “Vấn đề này cần phải có thống kê, nghiên cứu đầy đủ và phải được công luận và xã hội biết đến về sự thờ ơ của một số người có trách nhiệm mà họ coi như không có, mặc dù họ biết”. |
Quốc Phong