VCCI tìm kiếm doanh nghiệp tiên phong phát triển bền vững năm 2020
(Dân trí) - “Chỉ khi phát triển bền vững, doanh nghiệp mới có thể nâng cao năng lực cạnh tranh để vượt qua khủng hoảng và tăng trưởng lớn mạnh thời kỳ hậu Covid-19”.
Đây là khẳng định của Chủ tịch VCCI - TS.Vũ Tiến Lộc tại Lễ phát động Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2020. Chương trình được thực hiện bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) theo sự chỉ đạo của Chính phủ tại Thông báo số 398/TB-VPCP ngày 15/12/2015 về việc xếp hạng doanh nghiệp (DN) bền vững từ năm 2016 và Chỉ thị về Phát triển bền vững số 13/CT-TTg ngày 20/05/2019. Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững (CSI) tiếp tục được sử dụng làm căn cứ đánh giá mức độ phát triển bền vững (PTBV) của các doanh nghiệp tham gia Chương trình.
Năm 2020, Chương trình sẽ tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp ở mọi quy mô và lĩnh vực trên toàn quốc, thông qua hình thức nộp hồ sơ bản cứng hoặc khai trực tuyến và không thu bất kỳ khoản phí nào từ doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tham gia Chương trình sẽ khai thông tin theo Bộ chỉ số CSI 2020 với 127 chỉ số ở 4 lĩnh vực: Chỉ số Kết quả phát triển bền vững, Chỉ số Quản trị; Chỉ số Môi trường; và Chỉ số Lao động.
CSI 2020 đã được VBCSD-VCCI cùng các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội nghiên cứu, cập nhật nhiều điểm mới để phù hợp với những yêu cầu từ các Hiệp định thương mại tự do quan trọng (FTA) mà Việt Nam đã ký kết gần đây (như CPTPP – Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, EVFTA – Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU), cũng như các thay đổi quan trọng trong các chính sách quản lý về lao động và môi trường có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp. Đặc biệt, các vấn đề liên quan đến 17 Mục tiêu PTBV và Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự PTBV đã được đơn giản hóa và lồng ghép vào Bộ chỉ số CSI 2020.
Phát biểu tại Lễ phát động, TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD chia sẻ: “Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam không dừng lại ở một cuộc thi để chấm điểm và trao giải, mà hơn hết qua đó, VCCI-VBCSD mong muốn có thể thay đổi tư duy và cách thức kinh doanh “vì lợi nhuận trước mắt” bằng tư duy “kinh doanh nhân văn, lợi ích kinh tế hài hòa với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường trong dài hạn”. CSI không chỉ dừng lại ở 127 chỉ số, mà đó chính là công cụ quản trị doanh nghiệp rất khoa học, hiệu quả, được xây dựng dành riêng cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. CSI giúp doanh nghiệp cụ thể hóa lộ trình thực hiện PTBV, trả lời được câu hỏi của rất nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam – “Doanh nghiệp phát triển bền vững là gì? Muốn phát triển bền vững doanh nghiệp cần làm gì?”.
Cũng theo Ông Lộc, năm 2020, đại dịch Covid-19 đã hé lộ những lỗ hổng trong hoạt động quản trị và vận hành kinh tế, qua đó cho thấy tầm quan trọng và tính cấp thiết của phát triển bền vững. Trong bối cảnh đó, Chương trình và Bộ chỉ số CSI đã cho thấy vai trò và ý nghĩa phát triển kinh tế - xã hội hết sức quan trọng. Càng nhiều doanh nghiệp áp dụng Bộ chỉ số CSI thì hoạt động quản trị doanh nghiệp càng trở nên chuyên nghiệp, bài bản hơn, từ đó giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường khả năng chống chọi và phục hồi trong mọi kịch bản. Ông Lộc khuyến khích các doanh nghiệp đưa Bộ chỉ số CSI vào trọng tâm chiến lược quản trị của doanh nghiệp; áp dụng Bộ chỉ số CSI để lập báo cáo phát triển bền vững; thường xuyên tham chiếu Bộ chỉ số để có thể kịp thời phát hiện những điểm yếu, thiếu sót trong quá trình vận hành, sản xuất kinh doanh để cải thiện, đồng thời nắm bắt những cơ hội tiềm năng để đầu tư và “đi tắt đón đầu”.
Tại Lễ phát động, các doanh nghiệp tiên phong trong thực hiện phát triển bền vững tại Việt Nam cũng đưa ra nhiều đánh giá khách quan và tích cực về việc áp dụng Bộ chỉ số CSI trong hoạt động quản trị doanh nghiệp. TNG - một trong những doanh nghiệp bản địa hàng đầu trong lĩnh vực dệt may cho biết công ty đã tích hợp các nội dung tổng quan được trình bày trong bộ chỉ số CSI vào việc xây dựng và định hướng chiến lược sản xuất kinh doanh trong cả ngắn hạn và dài hạn. Hay Tetra Pak Việt Nam - doanh nghiệp FDI hàng đầu trong lĩnh vực đóng gói bao bì đã nghiên cứu rất kỹ Bộ chỉ số CSI, nhận thấy tính ưu việt, mức độ phù hợp và tính cập nhật cao của CSI nên Tetra Pak Việt Nam đã đưa CSI vào trong thực tiễn điều hành, quản trị doanh nghiệp.
Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam được VCCI-VBCSD phối hợp thực hiện cùng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng Liên đoàn Lao động. Hạn chót nhận hồ sơ của doanh nghiệp là ngày 15/08/2020. Lễ công bố Doanh nghiệp bền vững năm 2020 dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 11/2020 tại Hà Nội.
Trải qua 04 năm triển khai, Chương trình đã tạo được những dấu ấn mạnh mẽ, sắc nét. Cụ thể:
- Hơn 1500 doanh nghiệp tham gia, qua đó hơn 300 doanh nghiệp đã được biểu dương Doanh nghiệp bền vững
- Nâng cao nhận thức và thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp thực hiện PTBV nói chung và quản trị doanh nghiệp bền vững nói riêng một cách mạnh mẽ hơn.
- Chương trình và Bộ chỉ số CSI đã nhận được sự ghi nhận và đánh giá cao của Chính phủ về tính hiệu quả trong việc lan tỏa, hỗ trợ thực hiện PTBV doanh nghiệp. Tại Quyết định 1362/QĐ-TTg ngày 11/10/2019 về việc Phê duyệt kế hoạch PTBV doanh nghiệp khu vực tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn 2030, Thủ tướng đã yêu cầu VCCI-VBCSD trong năm 2020 xây dựng đề án nhận rộng áp dụng Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững trong cộng đồng doanh nghiệp giai đoạn 2020 - 2030 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Theo Báo cáo Đánh giá quá trình phát triển bền vững của doanh nghiệp tham dự Chương trình giai đoạn 2016-2018 do VBCSD-VCCI thực hiện năm 2019, các doanh nghiệp sau khi tham gia Chương trình có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh/ năng suất lao động được cải thiện đáng kể so với trước khi tham gia, cũng như vượt trội hơn những doanh nghiệp không tham gia Chương trình. Tiêu biểu như khi xét về mức trung bình năng suất lao động năm 2018, nhóm doanh nghiệp đã tham gia Chương trình đạt hơn 7,5 tỷ đồng/ người, trong khi nhóm doanh nghiệp chưa tham gia Chương trình chỉ đạt 0.83 tỷ đồng/ người.
Trường Thịnh