VCCI chuẩn bị công bố "Doanh nghiệp bền vững Việt Nam 2022"
(Dân trí) - Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh cho biết Chương trình đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững Việt Nam 2022 đã tìm ra 100 cái tên tiêu biểu và sẽ công bố vào ngày 1/12.
Ông đánh giá thế nào về xu hướng kinh doanh bền vững hiện nay trên thế giới và tình hình thực hiện phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay?
- Khảo sát của Viện nghiên cứu giá trị doanh nghiệp thuộc Tập đoàn IBM năm 2021 đối với 14.000 người đến từ 9 quốc gia cho biết 62% người tiêu dùng được khảo sát sẵn sàng thay đổi hành vi mua hàng để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Ngoài ra, theo Báo cáo Nhà đầu tư toàn cầu PwC 2021, 49% nhà đầu tư trên toàn cầu sẽ thoái vốn khỏi các doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ hành động đối với các vấn đề ESG. Những số liệu này đã cho thấy sự chuyển dịch mạnh mẽ trong xu hướng tiêu dùng và đầu tư sang hướng bền vững, từ đó thúc đẩy doanh nghiệp cũng phải chuyển đổi sang những mô hình kinh doanh bền vững hơn, quan tâm hơn đến các yếu tố ESG, quản trị doanh nghiệp bền vững.
Trở lại bức tranh của Việt Nam, xu hướng kinh doanh bền vững cũng đang trở nên rõ nét hơn trong thời gian qua. Nhiều doanh nghiệp tiêu biểu như Vinamilk, PNJ, Traphaco, PAN Group, Greenfeed, SASCO đang triển khai rất tốt các mô hình sản xuất xanh sạch, đưa yếu tố tuần hoàn vào sâu trong chuỗi sản xuất, cung ứng; tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng yếu thế qua mô hình kinh doanh bao trùm; hay thực hành văn hóa đa dạng, hòa nhập trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, có lẽ câu chuyện kinh doanh bền vững vẫn chủ yếu diễn ra ở những doanh nghiệp lớn, chưa diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ trong khối doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Như ông nói, yếu tố ESG và quản trị doanh nghiệp bền vững ngày càng được quan tâm và chú trọng. Vậy VCCI, VBCSD đã, đang triển khai những hoạt động gì để thúc đẩy thực hành các nội dung này trong cộng đồng doanh nghiệp?
- Từ năm 2016, VCCI đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam để tổ chức Chương trình đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững Việt Nam (CSI), qua đó tìm ra 100 gương mặt doanh nghiệp điển hình trong kinh doanh bền vững để biểu dương với danh hiệu Doanh nghiệp bền vững Việt Nam hàng năm. Chương trình CSI được đánh giá cao, như một "cú hích" khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp cam kết mạnh mẽ hơn với phát triển bền vững.
Căn cứ đánh giá mức độ phát triển bền vững của các doanh nghiệp tham gia chương trình là Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI). Bộ chỉ số CSI cũng đồng thời là công cụ hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện quản trị doanh nghiệp bền vững rất khoa học và hiệu quả. Hàng năm, Bộ chỉ số đều được chúng tôi cập nhật phù hợp với những thay đổi trong chính sách pháp luật hiện hành trong nước và các quy định quốc tế. Do đó, khi soi chiếu vào Bộ chỉ số CSI, doanh nghiệp sẽ có thể đánh giá tổng thể "sức khỏe" của mình về quản trị, kinh tế, xã hội, môi trường; phát hiện ra những lỗ hổng cần khắc phục hay những tiềm năng phát triển cần được khai thác sớm. Bộ chỉ số CSI 2022 có 130 chỉ tiêu, trong đó đã tích hợp nội dung ESG. Ngày 1/12, VCCI sẽ tổ chức lễ công bố "Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2022".
Bên cạnh Chương trình CSI, VBCSD và VCCI cũng triển khai hàng loạt các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức, tập huấn đào tạo cho doanh nghiệp về quản trị doanh nghiệp bền vững, thực hành khung đánh giá ESG, và áp dụng Bộ chỉ số CSI trong các hoạt động này. Trong thời gian tới đây, chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc đào tạo, tập huấn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ không nằm ngoài xu thế phát triển của cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Nói về Chương trình CSI 2022, ông có thể cho biết đâu là điểm mới của chương trình? Xin ông bật mí đôi chút về lễ công bố "Doanh nghiệp bền vững 2022" sắp tới?
- Bên cạnh sự đổi mới của Bộ chỉ số CSI, Chương trình CSI 2022 cũng ghi nhận tỷ lệ gần 25% doanh nghiệp mới tham gia lần đầu tiên, cho thấy ngày càng có nhiều doanh nghiệp quan tâm đến chương trình nói riêng và phát triển bền vững nói chung. Một điểm mới nữa là năm nay ban tổ chức quy định chỉ tiếp nhận hồ sơ theo hình thức nộp trực tuyến trên phần mềm, giúp doanh nghiệp quản lý hồ sơ dễ dàng hơn, cũng như hỗ trợ công tác chấm điểm của hội đồng xét duyệt thuận lợi hơn trước rất nhiều.
Từ hơn 600 hồ sơ doanh nghiệp tham gia, ban tổ chức đã lựa chọn 148 hồ sơ để chấm chung khảo, từ đó xác định 100 gương mặt doanh nghiệp tiêu biểu nhất để biểu dương trong lễ công bố "Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam" ngày 1/12. Ngoài biểu dương hạng mục chính Doanh nghiệp bền vững, chương trình cũng tìm ra các doanh nghiệp tiên phong, thực hiện tốt trong ba hạng mục chuyên đề gồm thúc đẩy quyền năng phụ nữ và bình đẳng giới tại nơi làm việc làm, tôn trọng quyền con người và quyền trẻ em trong kinh doanh và thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn, góp phần ứng phó biến đổi khí hậu.