1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vay vốn ngân hàng khó quá

Do nhu cầu tiền VNĐ đang tăng cao nên cuộc đua lãi suất tại các ngân hàng (NH) đang hết sức sôi động. Với ngành ngân hàng “nước nổi, bèo nổi” nhưng doanh nghiệp hiện đang gặp rất nhiều khó khăn trong vay vốn.

Tuy nhiên, song song với cuộc chạy đua tăng lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm, hầu hết các NH cũng đã bắt đầu điều chỉnh tăng lãi suất cho vay. Một số chưa điều chỉnh lãi suất thì hạn chế cho vay bằng những rào cản kỹ thuật, thậm chí có NH ngưng cho vay.

Tăng lãi suất đi kèm “siết” đầu ra

Tính từ đầu tháng 2 đến nay, hàng loạt NH như Sacombank, Techcombank, Gia Định, Á Châu... tăng lãi suất cho vay thêm khoảng 0,05% - 0,15%/tháng, tùy NH, tùy kỳ hạn. Một số NH khác cũng chuẩn bị áp dụng mức lãi suất mới.

Trước đó, từ tháng 1, một số NH đã điều chỉnh lãi suất cho vay tăng nhẹ ở nhiều loại hình cho vay. Hiện mức lãi suất cho vay ngắn hạn của các NH dao động khoảng 0,9% - 1,15%/tháng, lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 1,2% - 1,3%/tháng.

Đặc biệt, tuần lễ trước và sau Tết, một số NH tạm ngưng hoặc hạn chế cho vay VNĐ do gặp khó khăn về tiền mặt. Đến nay, tuy hầu hết các NH đều thông báo hoạt động cho vay đã trở lại bình thường nhưng thực tế, lượng cho vay rất hạn chế.

Đa số NH hạn chế cho khách mới vay tiền, chỉ giải quyết hồ sơ cho khách hàng chiến lược, khách hàng tiềm năng, khách hàng lâu năm. Thậm chí đến ngày 16-2, một NH TMCP vẫn tạm ngưng cho vay để chờ... áp dụng lãi suất mới.

Theo bà Trần Thị Việt Thu, Tổng Giám đốc NH Gia Định, nhiều NH phải tính toán tăng lãi suất cho vay vì lãi suất đầu vào hiện nay đã quá cao nhưng lãi suất đầu ra chưa tăng tương xứng. Các NH cũng đang trong giai đoạn hoạch định chiến lược nên hạn chế đầu ra, chờ... một số văn bản chính thức của NH Nhà nước.

Ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc NH Nhà nước - Chi nhánh TPHCM, thừa nhận đang có tình hình khan hiếm VNĐ do các NH phải tăng lượng dự trữ bắt buộc và phải để dành tiền mua tín phiếu bắt buộc của NH Nhà nước...

Ông cũng cho biết, mục tiêu trước mắt của ngành NH là chống lạm phát, bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế... nên các NH sẽ tiếp tục siết chặt cho vay. “Tình hình sẽ còn kéo dài đến khi các NH... thừa vốn” - ông Hạnh cho biết.

Chuyển sang vay USD

Theo trưởng phòng tín dụng một NH TMCP, tuy mức lãi suất cho vay tăng nhưng không phải khách hàng nào cũng dễ dàng vay vốn NH lúc này. Thêm vào đó, thông tin NH Nhà nước sẽ tập trung thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng có tỉ lệ dư nợ cao, “siết” cho vay kinh doanh chứng khoán, bất động sản, tiêu dùng... nên sắp tới, doanh nghiệp (DN) sẽ còn khó vay vốn NH hơn nữa.

Bên cạnh đó, nếu có vay được vốn thì khi lãi suất tiền vay tăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các DN vừa và nhỏ - đa số không được hưởng nhiều ưu đãi lãi suất.

Giám đốc một DN trong lĩnh vực lương thực - thực phẩm cho biết: Tại Việt Nam, đa số DN làm ăn đều phụ thuộc ít nhiều vào vốn NH. Việc NH siết chặt, hạn chế cho vay sẽ đặt DN vào thử thách lớn.

Trường hợp vay được vốn nhưng nếu lãi suất tăng sẽ tác động trực tiếp lên giá thành sản phẩm. Đầu tháng 1/2008, DN đã chịu một đợt tăng chi phí do điều chỉnh tăng lương, giảm lợi nhuận để tham gia kìm giữ giá. Nay lãi suất NH tăng, DN sẽ gặp khó khăn và phải tính toán lại kế hoạch hoạt động, tìm nguồn vốn...

Khó vay vốn VNĐ, một số DN bắt đầu chuyển hướng sang vay USD và vay vốn của các quỹ đầu tư nước ngoài. “Nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đã có mặt ở Việt Nam.

Họ có nguồn vốn dồi dào, thủ tục vay đơn giản... sẽ là sự lựa chọn mới của nhiều DN miễn là DN hoạt động hiệu quả, có báo cáo tài chính rõ ràng, minh bạch” - bà Nguyễn Thị Tranh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Saigon Co.op (SCID), nói.

Theo Thanh Nhân
Báo Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm