Vay vàng mua nhà, vợ chồng trẻ méo mặt trả nợ khi giá tăng

Chẳng bao giờ chị Trần Như Hoa và anh Nguyễn Thanh Bình ở Phú Lương, Hà Đông (Hà Nội) lại thấy sốt ruột với giá vàng như hiện nay. Cứ nhìn giá vàng nhảy múa, anh lại thấy nóng ruột vì còn nợ người thân tận 8 lượng vàng.

Vợ chồng anh Bình, chị Hoa đều là những người làm công ăn lương. Cũng may có thu nhập đều và khá nên mỗi tháng ngoài chi tiêu, anh chị để ra được khoảng 10 triệu đồng.

Do cưới đã 6 năm nay nên tháng 10/2019, khi tích cóp được 1 tỷ đồng, vợ chồng anh quyết định mua nhà để ở. Sau nhiều ngày tìm kiếm, anh chị quyết định mua căn nhà cũ 2 tầng trên diện tích 32m2 ở Phú Lương có giá 1,5 tỷ đồng. 

“Do thời điểm ấy chỉ có 1 tỷ đồng nên bố mẹ hai bên cho vợ chồng tôi thêm 100 triệu đồng. Tổng nhà tôi có 1,1 tỷ đồng, vẫn thiếu 400 triệu đồng. Khi vợ chồng đang định vay ngân hàng thì bác ruột tôi bảo có 10 cây vàng, nếu cần thì bác cho vay. Bác cũng thỏa thuận, đây là vàng bác tích cóp để Tết 2020 này cưới con trai nên chỉ cho vay được đến hết năm 2020, sau đó phải trả lại. Ngại làm thủ tục ngân hàng lích kích, cần nhiều giấy tờ và thủ tục để giải ngân nên vợ chồng tôi vay của bác 10 cây vàng ấy”, anh Bình kể.

Vay vàng mua nhà, vợ chồng trẻ méo mặt trả nợ khi giá tăng - 1

Vay vàng mua nhà, vợ chồng trẻ méo mặt vì giá vàng tăng cao

Khi vay 10 cây vàng của bác ruột trong vòng 1 năm, vợ chồng anh rất tự tin. Ngày lấy 10 cây vàng đi bán là ngày 1/10/2019. Khi ấy, giá mua vào vàng miếng tại các công ty vàng bạc đá quý giá 40,95 triệu đồng/lượng, còn giá bán ra tiếp tục giảm sâu, chỉ 41 triệu đồng/lượng. Tính ra số vàng ấy anh chị bán được 410 triệu đồng, đủ để trả tiền mua đất và mua một số vật dụng gia đình.

Thời điểm ấy, vợ chồng anh Bình đều nghĩ giá vàng lên đến 41 triệu đồng/lượng đã khá cao, không thể tăng thêm được nữa. Hơn nữa, nhà vợ anh cũng rậm rịch bán mảnh đất dịch vụ, nếu bán được thì suất vợ anh cũng được khoảng 300 triệu đồng. Cộng với 100 triệu đồng tiền hai vợ chồng tiết kiệm đi làm được trong năm là trả đủ 10 lượng vàng. Do đó, anh Bình thấy rất yên tâm.

Dù vay vàng không phải chịu lãi nhưng trước khi vay, bác ruột anh Bình mặc cả: “Bác bảo vay vàng phải trả bằng vàng, dù giá lên xuống cũng phải chịu. Lúc ấy, tôi đồng ý ngay vì bác đã giúp tôi rất nhiều rồi”. 

Song, suốt cả năm 2020, chỉ sau một năm vay vàng mua nhà, anh Bình hoa mắt chóng mặt khi giá vàng nhảy múa, biến động liên tục. Điều đáng sợ nhất là lúc anh Bình vay vàng giá chỉ 41 triệu đồng/lượng thì giờ tăng lên 56 triệu đồng/lượng.

“Những thời điểm như tháng 8/2020, mỗi ngày nhìn thấy giá vàng lên đến 61 triệu đồng/lượng mà vợ chồng tôi giật mình thon thót. Cũng may, hiện giá vàng giảm xuống một chút nhưng vẫn vững ở mức 56 triệu đồng/lượng. Vợ chồng tôi đang tính đợi giá vàng giảm thêm sẽ gom tiền mua lại vàng trả bác. Nhưng đợi hoài mà vẫn chưa thấy giảm nhiều”, anh Bình nói. 

Anh Bình nhẩm tính, đến nay anh Bình chỉ mới vay vàng được 14 tháng, nhưng mức chênh lệch phải chịu quá lớn. “Kỳ hạn cuối năm phải trả vàng sắp tới. Nếu tính theo giá vàng ở mức hiện tại khoảng 56 triệu đồng lượng thì tôi phải chịu chênh lệch tới 150 triệu đồng, tính ra mỗi một lượng tôi phải chi thêm 1,5 triệu đồng”, anh Bình buồn rầu.

Chưa kể, từ giờ đến cuối năm, giá vàng trong nước còn diễn biến khôn lường. Cứ đà tăng như hiện tại, anh Bình lo trả vàng cho bác ngang ngửa vay tín dụng đen vì bị trượt giá quá cao.

“Vợ chồng tôi đang thúc mẹ vợ bán đất dịch vụ. Bà bảo người ta đã đặt tiền cọc rồi nhưng phải đợi ngày đẹp, đến tận đầu tháng 12 này mới làm thủ tục sang tên. Khi ấy mới lấy hết được tiền về chia cho các con. Lúc đó, vợ chồng tôi mới có tiền để mua vàng trả nợ bác được. Giờ chúng tôi có gần 100 triệu đồng nên đã vay mượn thêm để mua 2 cây vàng trả bác rồi. Còn 8 cây vàng nữa, chỉ mong gom được tiền mặt sớm mua vàng trả nhanh ngày nào hay ngày đó”, anh Bình kể.

Theo anh Bình, nếu thời điểm tháng 10 năm ngoái, vợ chồng anh mua nhà mà vay ngân hàng 400 triệu trong vòng 10 năm với mức lãi suất 12%/ năm thì số tiền anh phải thanh toán cho ngân hàng mỗi tháng cả gốc và lãi khoảng 7,3 triệu đồng (trong đó tiền gốc trả mỗi tháng = 400.000.000/(10×12) tháng = 3.333.000 (đồng). Tiền lãi một tháng = 400.000.000 x 1% = 4.000.000 (đồng). Tổng tiền phải trả mỗi tháng = 3.333.000 + 4.000.000 = 7.333.000 (đồng). Tính ra 14 tháng, riêng tiền lãi anh Bình chỉ phải trả ngân hàng 56 triệu đồng. Mức lãi ngân hàng thấp hơn nhiều so với khi vay vàng của người thân.

“Lần đầu tiên vay vàng mà sau một năm vợ chồng tôi đã lỗ nặng. Còn may là nhà vợ bán đất dịch vụ, tháng sau có tiền trả rồi. Hy vọng lúc ấy vàng giữ nguyên giá như hiện tại, đừng tăng thêm nữa”, anh Bình bần thần người.