1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vay tiêu dùng tín chấp: Ngọt vay, đắng nợ

Tín dụng tiêu dùng được xem là mảnh đất màu mỡ, lợi tức cao, nhưng rủi ro đi kèm không nhỏ, đặc biệt là với khoản vay tín chấp (không tài sản đảm bảo).

Vay tiêu dùng tín chấp: Ngọt vay, đắng nợ
 
Hiện được hầu hết ngân hàng (NH) đẩy mạnh cho vay tiêu dùng và công ty tài chính vẫn có lợi thế hơn, vì không phải tuân thủ các chuẩn mục về lãi suất như các NH. Phải nhìn nhận thực tế lãi suất cho vay tiêu dùng thường cao hơn so với mua nhà, sản xuất, kinh doanh... Nhưng nếu vay tiêu dùng tín chấp chắc chắn lãi suất sẽ cao hơn nhiều.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Nhân viên tư vấn tín dụng của một NH cổ phần lớn tại TP.HCM cho biết, hiện lãi suất cho vay tiêu dùng đang được áp dụng 14 - 15%/năm. Song đó là mức lãi suất áp dụng cho khách hàng vay vốn có thể chấp. Còn với tín dụng tiêu dùng tín chấp, lãi suất cho vay dao động 30 - 35%/năm, tính ra khoảng 2,5 - 3%/tháng.

 

Trường hợp các NH chào mời lãi suất tín dụng tiêu dùng tín chấp từ 12 - 14%/năm, khách hàng phải thận trọng, vì nếu áp dụng mức lãi suất này NH sẽ tính lãi suất cho vay trên tổng dư nợ ban đầu. Tuy nhiên, không phải NH nào cũng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng tín chấp, dù lãi suất thu về cao hơn. Một phần, do rủi ro từ tín dụng tiêu dùng cao, đồng thời các khoản vay thường nhỏ lẻ (cao nhất chỉ vài chục triệu đồng).

 

Do đó, để khuyến khích khách hàng tiêu dùng, các NH đã đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng, với hạn mức lên đến hàng trăm triệu đồng, tùy thuộc vào mức lương của khách hàng. Qua đó, NH phát triển được dịch vụ thẻ, nhưng cũng kích thích được tín dụng tiêu dùng qua thẻ lãi suất cao. Lãi suất tiêu dùng qua thẻ tín dụng (tính lãi sau 45 ngày miễn lãi) của các NHTM hiện nay lên đến 35 - 40%/năm (cả NH trong nước và nước ngoài), đó là chưa kể phí.

 

Nhưng đó chưa phải là mức cao nhất, vì so với các công ty tài chính đang đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng hiện nay thì lãi suất áp dụng còn gấp đôi, thậm chí gấp ba. Song, do nhu cầu vay tiêu dùng của thị trường Việt Nam còn lớn nên nhiều khách hàng vẫn quyết định chọn khoản vay lãi suất cao này. Điều đáng nói là không ít người đã không thận trọng xem xét các điều khoản trước khi vay, đến khi bắt đầu kỳ trả nợ cho các công ty tài chính mới té ngửa lãi suất quá cao.

 

Trong khi đó, với mức lãi suất cho vay 40 - 50%/năm đã được liệt vào danh sách tín dụng "đen" thì các công ty tài chính hiện nay lại được thỏa thuận mức lãi suất với khách hàng. Lãi suất cơ bản được mọi người đề cập và nhắc đến như một lãi suất chuẩn mực cho các khoản vay hiện cũng chỉ được áp dụng với một số lượng nhỏ đủ điều kiện vay mà không áp dụng cho đại đa số người tiêu dùng, những người thực sự có nhu cầu vay.

 

Đồng thời, mức lãi suất cơ bản này được áp dụng bởi các NHTM chứ không phải các công ty tài chính đang triển khai cho vay tiêu dùng. Vì thế, các công ty tài chính được thỏa sức thỏa thuận lãi suất và áp dụng mức lãi suất khá cao đối với những khách hàng có nhu cầu vốn tiêu dùng, nhưng không đủ điều kiện để tiếp cận các khoản vay của NH.

 

Bởi các công ty tài chính triển khai cho vay tiêu dùng dưới hình thức tín chấp (không tài sản đảm bảo) và khoản vay nhỏ lẻ, từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng, hồ sơ đơn giản và giải ngân chỉ trong vòng vài chục phút, khách hàng có nhu cầu vốn tiêu dùng chỉ cần xuất trình giấy CMND, hộ khẩu hoặc KT3.

 

Thậm chí, một số khoản vay được giải quyết ngay tại điểm bán (điện thoại, máy tính, tủ lạnh...), người vay chỉ cần có CMND là các công ty tài chính giải quyết hồ sơ và giải ngân sau 15 phút. Đó cũng là lý do để các công ty tài chính nói trên giải thích vì sao phải áp dụng lãi suất vài chục phần trăm trong một năm vì rủi ro mất vốn là khá lớn, do không có tài sản thế chấp.

 

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, vay tài chính tiêu dùng thì lãi suất không thể thấp, nhất là đối với các khoản vay tín chấp, nhưng không phải vì thế mà được phép tính lãi suất quá cao và với mức lãi suất trên là không thể chấp nhận được. Bởi chỉ một khoản vay nhỏ mà khách hàng phải trả lãi suất lên đến vài chục phần trăm trong một năm quả là gánh nặng lớn.

 

Cũng cần nhìn nhận rủi ro trong hoạt động cho vay đối với tín dụng tiêu dùng mà công ty tài chính triển khai cao hơn, vì không có tài sản thế chấp, hồ sơ cũng không cần chứng minh nhiều. Nhưng chính vì các công ty tài chính đã đem lợi thế này để đánh vào các đối tượng thu nhập thấp, có nhu cầu vay tiêu dùng cào là điều hết sức nguy hiểm và rủi ro. Khi cho vay tiêu dùng, nếu không tính toán kỹ, cả bên cho vay và bên vay đều có thể gặp rủi ro.

 

Với bên vay, lợi ích trước mắt là khách hàng dù không có hoặc không đủ tiền song vẫn có thể được sử dụng ngay một món hàng mình đang cần. Trong khi đó, thông thường mức lãi suất trả theo dư nợ gốc áp dụng với mua hàng trả góp ở mức từ trên 3 -5,5%/tháng, lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính dao động trên dưới 6 - 7%/tháng. Vì thế, trước những lời chào mời vay tiêu dùng, khách hàng cần hết sức cẩn trọng và tìm hiểu kỹ bởi khi đã lỡ ký hợp đồng vay phải chấp nhận trả lãi cao.

 

Theo Linh Chi

Doanh Nhân Sài Gòn
 
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm