Vật liệu xây dựng không nung “ung dung” chiếm lĩnh thị trường
(Dân trí) - Việt Nam từ chỗ thiếu các sản phẩm vật liệu xây dựng (VLXD) không nung, công nghệ máy móc lạc hậu, đến nay ngành sản xuất VLXD không nung đã đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và tiến tới xuất khẩu với công nghệ tiên tiến, hiện đại không thua gì các nước trên thế giới.
Trong cuộc trò chuyện mới đây, ông Trần Anh Tài – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đầu tư P.H cho biết, sau nhiều năm nghiên cứu và thí nghiệm, mới đây công ty của ông đã sản xuất thành công tấm tường rỗng bê tông đúc sẵn. Sản phẩm sau khi đưa vào thử nghiệm đã được Viện Khoa học công nghệ xây dựng - Bộ xây dựng cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn đưa vào thi công ứng dụng tại các công trình xây dựng.
Sản phẩm vượt trội
Ông Tài cho biết, tấm tường rỗng bê tông đúc sẵn được doanh nghiệp ông sử dụng các nguồn nguyên liệu vật liệu chính trong tự nhiên như: Đá, cát, xi măng… trong quá trình sản xuất không sinh ra chất gây ô nhiễm, mang lại nhiều lợi ích cho xã hội. Còn đối với doanh nghiệp xây dựng, việc sử dụng tấm tường rỗng bê tông đúc sẵn giá thành rẻ hơn các loại gạch xây truyền thống, giảm các chi phí cho các kết cấu chịu lực của công trình: cột, móng, vách, dầm, sàn; tốc độ thi công nhanh hơn 4-5 lần tường gạch xây truyền thống.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài các doanh nghiệp lớn như P.H Group, Xuân Mai, Khang Minh nhiều doanh nghiệp tư nhân đã tích cực chủ động hưởng ứng chủ trương của Chính phủ, chủ động tìm hiểu công nghệ, đầu tư sản xuất, cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm đạt chất lượng, từng bước đa dạng hóa các sản phẩm.
Cụ thể, tính đến đầu năm 2017, tổng công suất thiết kế các dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng không nung đã đạt khoảng 7 tỷ viên quy tiêu chuẩn/năm, sản xuất đạt 6,5 tỷ viên, chiếm khoảng 28% so với tổng sản lượng vật liệu xây năm 2016 ước khoảng 24 tỷ viên.
Theo nhận định của giới chuyên gia, tiếp đà này, mục tiêu đóng góp 30 - 40% tổng lượng vật liệu xây đến năm 2020 là trong tầm tay và nó sẽ thành xu thế lựa chọn trong xây dựng của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội là những thách thức không hề nhỏ với các doanh nghiệp tham gia đầu tư vật liệu xây dựng không nung.
Ông Tài cũng thừa nhận, sở dĩ vật liệu không nung còn chưa hấp dẫn các doanh nghiệp do chưa nhận được những ưu đãi thiết thực về thuế, phí. Mặt khác đội ngũ nhân lực trình độ cao phục vụ cho nghiên cứu phát triển, sản xuất thiết bị chế tạo vật liệu này còn thiếu và yếu. Chưa kể một số sản phẩm không nung thời kỳ đầu cũng có những nhược điểm nhất định nên chưa đi sâu vào tiềm thức của người tiêu dùng Việt.
Sau nhiều năm thử nghiệm, rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu từ các doanh nghiệp đi trước, P.H Group quyết định tung sản phẩm ra thị trường. Hiện sản phẩm đang được sử dụng tại các dự án của tập đoàn như Tòa M3.2 – M3.3 thuộc dự án P.H Center Hưng Yên; dự án Nhà ở xã hội Nha Trang, dự án P.H Complex Nha Trang và nhiều dự án trọng điểm khác khác trên cả nước.
“So với các sản phẩm cùng thương hiệu, chúng tôi có thể khẳng định tấm tường rỗng bê tông đúc sẵn do P.H sản xuất có chất lượng tốt và giá rẻ nhất trên thị trường hiện nay”. Không chỉ dừng ở sản xuất trong nước, ông Tài còn khẳng định sẽ xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài với giá cả cạnh tranh.
“Tiếp sức” cho doanh nghiệp
Ngoài giá cả, một trong những trở ngại của doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng xanh được ông Nguyễn Quang Chung - Giám đốc Công ty CP Bê tông khí Viglacera chỉ ra là do hiện tại chưa có doanh nghiệp nào tại Việt Nam được hưởng các ưu đãi cho sản xuất gạch không nung.
“Trong thời gian tới, Nhà nước cần phải chung tay với doanh nghiệp giải quyết bài toán về vốn, lãi vay, thực hiện nghiêm túc việc sử dụng vật liệu gạch không nung trong các công trình vốn nhà nước theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Nếu không có những nỗ lực mạnh mẽ và quyết tâm từ phía Bộ, ban, ngành và các doanh nghiệp thì mục tiêu vật liệu không nung tại Việt Nam là rất khó khăn” – ông Chung nhấn mạnh.
Để tăng tính hấp dẫn cho sản phẩm, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xanh đề xuất cần phải giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 5% đối với gạch không nung, tăng từ 10% lên 20% với gạch đỏ, tăng thuế đất làm gạch nung từ 13% lên 25% để phù hợp với mức thuế suất các nước trong khu vực.
Ông Phạm Văn Bắc - Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) thừa nhận, định hướng trong tương lai vật liệu xây dựng không nung sẽ thay thế gạch đất sét nung, giúp tiết kiệm đất nông nghiệp, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường; giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu than, đem lại hiệu quả chung cho xã hội, việc nâng chuẩn sử dụng được coi là yêu cầu cần thiết.
“Về phía cơ quan quản lý sẽ tập hợp các khó khăn của doanh nghiệp và đề xuất Chính phủ bổ sung cơ chế hỗ trợ về khoa học công nghệ cho các cơ sở đầu tư sản xuất vật liệu xây không nung có công suất lớn để tạo ra các sản phẩm đa dạng và giá thành hợp lý” – ông Bắc khẳng định.
Để tăng khả năng cạnh tranh, ông Nguyễn Trần Nam – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực VLXD cần phải có kế hoạch sản xuất phù hợp, đổi mới công nghệ. “Ngoài chuyện tổ chức sản xuất tốt, tăng cường năng lực cạnh tranh, hàng hóa chất lượng cao, giá thành hạ thì các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm và thị trường một cách bài bản, trong đó đẩy mạnh khuyếch trương thương hiệu để người dân biết đến sản phẩm là ưu tiên hàng đầu”, ông Nam khẳng định.
C.Minh