1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vào TPP, nhà đầu tư được khởi kiện Chính phủ ra trọng tài quốc tế

(Dân trí) - Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về giải quyết tranh chấp tại trọng tài quốc tế khi gia nhập TPP, với cam kết, nhà đầu tư được khởi kiện Chính phủ tại trọng tài quốc tế, tuy nhiên nhà đầu tư khởi kiện không căn cứ sẽ bị phạt.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Phát biểu tại Diễn đàn “Doanh nghiệp Việt: Kết nối và Hội nhập trong kỷ nguyên FTA Thế hệ mới” diễn ra sáng nay (23/6), ông Hoàng Mạnh Phương – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Với cam kết mở cửa thị trường, không phân biệt giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, không phân biệt giữa các nhà đầu tư nước ngoài thì có thể nói Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) có cam kết khá sâu rộng.

Cụ thể: Các nước cam kết xóa bỏ yêu cầu điều kiện đặt ra cho nhà đầu tư như không bắt nhà đầu tư chuyển giao công nghệ, không bắt nhà đầu tư phải sử dụng công nghệ nào đó hoặc phải thỏa thuận hợp đồng “Li-xăng” theo thời hạn và mức phí cụ thể… Các nước cũng xóa bỏ yêu cầu, điều kiện đầu tư như xóa bỏ về hạn chế thị trường…

Về bảo bảo hộ đầu tư, ông Phương cho biết đây là nội dung quan trọng và khá nhạy cảm. Ví dụ về Úc cho thấy, trong quá trình đàm phán với Hoa Kỳ trước đó không có nội dung về bảo hộ đầu tư, nên sau đó quá trình đàm phán về nội dung này diễn ra khá gay gắt, mặc dù đến phút cuối các bên tham gia cũng đưa ra được những nội dung cụ thể và thống nhất.

Theo ông Phương, trong hiệp định này, yêu cầu về bảo hộ đầu tư rất cụ thể và công bằng, thỏa đáng, đảm bảo bảo hộ an toàn và đầy đủ theo tập quán quốc tế. Hiệp định cũng nêu rõ nhà đầu tư cần chứng minh rõ ràng khi khởi kiện. Trong hiệp định cũng có nước đã có bước tiến xa hơn, cụ thể bảo hộ không chỉ là tài sản đầu tư không mà tính cả những lợi ích liên quan, nhưng cũng không có nghĩa là nhà đầu tư được đòi hỏi quá đáng. Như vậy, có thể nói hiệp định này có nhiều bước phát triển mới cân bằng và chặt chẽ.

Đáng lưu ý, về giải quyết tranh chấp tại trọng tài quốc tế, theo ông Hùng, với cam kết này, nhà đầu tư được khởi kiện Chính phủ tại trọng tài quốc tế, tuy nhiên nhà đầu tư khởi kiện không căn cứ sẽ bị phạt.

Về phạm vi và mức độ cam kết trong TPP, quy định này sẽ cho phép doanh nghiệp kiện từ giai đoạn đăng ký đầu tư và được áp dụng đối với các hợp đồng đầu tư. Với nội dung minh bạch hóa thủ tục giải quyết tranh chấp, xét xử công khai và cho phép sự tham gia của 3 bên. “Đây được coi là cam kết quan trọng và hoàn toàn mới, nhất là đối với các nước trong khối ASEAN. Nội dung này cũng chưa bao giờ Việt Nam cam kết ở đâu cả. Mặc dù việc minh bạch này sẽ tạo gánh nặng pháp lý nhưng có tác động tích cực đến sự hành xử của từng nước” – ông Phương khẳng định.

Đối với cam kết phi thương mại như trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tự nguyện đưa vào chính sách nội bộ những tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội. Với cam kết về đầu tư với môi trường, lao động, sẽ không hạ thấp tiêu chuẩn môi trường, lao động nhằm thu hút đầu tư.

Ông Phương cũng lưu ý một số vấn đề cụ thể khi liên hệ thực tiễn. Thứ nhất, cần xây dựng chính sách và quản lý đầu tư; Thứ hai, trong đăng ký và hoạt động đầu tư, các doanh nghiệp cần lưu ý, những nước có cơ chế thứ ba sẽ có chế độ ưu đãi nhất đối với doanh nghiệp nên doanh nghiệp có quyền lựa chọn nước để đầu tư; Thứ ba, với đàm phán hợp đồng với các nhà đầu tư, doanh nghiệp lưu ý khi đàm phán hợp đồng có một số nguyên tắc phải loại trừ, hoặc một số nguyên tắc cần phải lựa chọn xem có nên đưa ra hay không.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI cho biết, tính đến thời điểm này, Việt Nam đã tham gia và hoàn tất đàm phám 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Những hiệp định ký kết mở ra cho Việt Nam nói chung, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân nói riêng vận hội mới để hội nhập và phát triển nhưng cũng đầy khó khăn thách thức.

Ông Phòng cho biết thêm, trong giai đoạn hội nhập sâu rộng với thế giới như hiện nay, khi hàng loạt các FTA song phương và đa phương được kí kết, cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập và đặc biệt là việc hoàn tất đàm phán và kí kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), để không bị lùi lại phía sau, nhiều doanh nghiệp đã tiếp tục đầu tư phát triển, nỗ lực tái cấu trúc, nâng cao năng lực cạnh tranh, biến thách thức thành cơ hội.

Điển hình, đầu tư trực tiếp nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 15/12/2015 thu hút 2.013 dự án được cấp phép mới với tổng số vốn đăng ký đạt 15.58 tỷ USD cũng cho thấy sự quan tâm không hề suy giảm của các nhà đầu tư vào Việt Nam, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp trong thời kỳ khó khăn này. Một lần nữa, tinh thần doanh nhân, bản lĩnh vượt khó cũng như khả năng sáng tạo của các doanh nghiệp Việt lại bừng dậy và các doanh nghiệp, doanh nhân đã có những nỗ lực phi thường, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển của đất nước.

“Kinh nghiệm từ trong khó khăn cho thấy tinh thần đột phá sáng tạo, dám nghĩ dám làm, tính kiên trì và nghị lực phải được hỗ trợ và trụ vững trên nền tảng quản trị doanh nghiệp tốt và chất lượng của nguồn nhân lực. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh, các doanh nghiệp Việt Nam phải vươn tới các chuẩn mực quốc tế trong quản trị điều hành để những thành tựu kinh doanh và giá trị doanh nghiệp được duy trì bền vững. Đây cũng là một trong những định hướng ưu tiên trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp ở nước ta”, ông Phòng nhấn mạnh.

Phương Dung

Vào TPP, nhà đầu tư được khởi kiện Chính phủ ra trọng tài quốc tế - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm