Tiêu điểm kinh tế trong tuần:

Vàng “sốt sình sịch” đạt đỉnh 6 năm, nhà đầu tư quay cuồng với giá

(Dân trí) - Được coi là “tài sản trú ẩn an toàn”, giá vàng trở thành tâm điểm chú ý trong tuần qua. Sự biến động không ngừng của giá vàng thế giới khiến giới đầu tư không khỏi phấp phỏng, còn ở trong nước, vàng SJC đang được giao dịch quanh mốc 42 triệu đồng/lượng.

Giá vàng lại tăng mạnh lên mức đỉnh của 6 năm

Vàng “sốt sình sịch” đạt đỉnh 6 năm, nhà đầu tư quay cuồng với giá - 1

Đóng cửa phiên 14/8, giá vàng giao kỳ hạn tháng 12/2019 tăng 13,7 USD/ounce (tương đương 0,9%) lên 1.527,8 USD/ounce sau khi giảm 0,2% trong phiên ngày thứ Ba. Đây là mức đóng cửa cao nhất của mặt hàng kim loại quý từ ngày 11/4/2013.

Sau khi mất ngưỡng cản quan trọng 1.500 USD/ounce, giá vàng đã tăng mạnh trở lại và đạt mức đỉnh giá của 6 năm qua .

Tính đến 10h ngày 15/8, mỗi lượng vàng SJC đã tăng tới  450.000 đồng/lượng so với chốt phiên hôm trước đó. Cụ thể, giá vàng SJC tại Hà Nội hiện giao dịch ở mức 41,67 triệu đồng/lượng - 42,3 triệu đồng/lượng, tăng mỗi chiều 370.000 đồng/lượng và 450.000 đồng/lượng so với chốt phiên hôm trước.

Giá vàng SJC tại Hà Nội qua niêm yết của Công ty SJC tăng mỗi chiều  400.000 đồng/lượng và 450.000 đồng/lượng, lên mức 41,7 triệu đồng/lượng - 42,1 triệu đồng/lượng.

Trên thế giới, giá vàng giao ngay qua Kitco.com có biên độ tăng gần 3 USD, giao dịch ở mức 1.518,8 USD/ounce. Nguyên nhân giá vàng thế giới tăng do nhà đầu tư đổ xô mua tài sản trú ẩn, khi đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đảo ngược và số liệu từ khu vực đồng Euro châm ngòi cho lo ngại suy thoái kinh tế.

Cẩn trọng đầu tư vàng khi dễ rơi vào thế… “bánh mì kẹp thịt”

Giá vàng ngày 14/8 có mức giảm sâu so với phiên ngày liền trước, nguyên nhân là bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có thông báo chính thức sẽ lùi thời hạn đánh thuế 300 tỷ USD lên hàng hoá của Trung Quốc đến tháng 12 năm nay.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, vàng vẫn có thể lấy lại đà tăng vì những bất ổn địa chính trị. Thị trường tài chính trở nên bất ổn do cuộc chiến Mỹ-Trung ngày càng khó lường sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc giảm tỉ giá Nhân dân tệ (CNY) phiên thứ 9 liên tiếp và phiên thứ 4 liên tiếp xuống sâu dưới ngưỡng 7 CNY đổi 1 USD.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, một cuộc đua giảm lãi suất trên thế giới cũng góp phần kéo giá vàng lên cao . Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng cần hết sức thận trọng khi đầu tư vàng tại thời điểm này. Bởi lẽ, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.

Theo Tiến sĩ, Luật sư Bùi Quang Tín (Đại học Ngân hàng TPHCM), nhiều người vẫn quan ngại cuộc chiến thương mại, tiền tệ Mỹ - Trung trở nên căng thẳng hơn. Đặc biệt, nếu Trung Quốc mạnh tay phá giá CNY so với USD, Việt Nam sẽ rơi vào tình thế "bánh mì kẹp thịt". Bởi hàng hóa Việt Nam xuất sang Trung Quốc sẽ trở nên đắt đỏ, ảnh hưởng không tốt đến kim ngạch xuất khẩu.

Tuy nhiên, TS. Tín cho rằng, Trung Quốc sẽ khó phá giá đồng CNY quá nhiều. Mặt khác, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hiện đã quá phức tạp, dần vượt quá khả năng đánh giá, phân tích cũng như dự báo chuẩn xác.

Cuộc chiến thương mại này đang đặt ra thách thức rất lớn cho các quốc gia có quan hệ thương mại với hai nước trên, trong đó có Việt Nam. Do đó, các nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ trước khi “rót tiền” mua vàng trong lúc giá vàng đang “sốt sình sịch” như hiện nay.

Dự án cao tốc Bắc-Nam trước nguy cơ bỏ thầu giá rẻ, đội vốn, Bộ trưởng Giao thông nói gì?

Vàng “sốt sình sịch” đạt đỉnh 6 năm, nhà đầu tư quay cuồng với giá - 2

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Tại phiên chất vấn các thành viên Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018 diễn ra sáng 15/8, một số đại biểu đặt câu hỏi về quan điểm của Chính phủ trong việc xây dựng dự án cao tốc Bắc Nam hiện nay. 

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định, dự án sẽ được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm quy định của pháp luật; đấu thầu công khai, minh bạch; xem xét đặc biệt vấn đề an ninh, quốc phòng;...

Người đứng đầu ngành giao thông vận tải cho biết, các dự án trọng điểm quốc gia như cao tốc Bắc Nam phải tuân thủ theo trình tự, thủ tục theo đúng quy định về dự án trọng điểm. Dự án phải đảm bảo chất lượng tiến độ, tổ chức đấu thầu một cách công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật. 

Chính phủ ôm tỷ USD nợ bảo lãnh cho hàng loạt ông lớn

Báo cáo về tình hình nợ Chính phủ bảo lãnh của Bộ Tài chính cho thấy, tính đến hết năm 2018, tổng giá trị các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh lên tới 27,77 tỷ USD, trong đó, bảo lãnh nước ngoài chiếm tới 85%. Tổng dư nợ gốc ước hơn 11,9 tỷ USD, trong đó dư nợ gốc nước ngoài chiếm tới 95%.

Trong năm 2018, các dự án bảo lãnh vay trong và ngoài nước đều trả nợ đầy đủ và đúng hạn. Có 8 dự án đã kết thúc trả nợ nước ngoài, 3 khoản vay đã thực hiện trả nợ trước hạn với trị giá 90 triệu USD gồm 1 khoản vay của PVN, 2 khoản vay của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam.

Bộ Tài chính cũng cho biết, trong năm 2018, quỹ tích lũy trả nợ đã phải ứng ra chi trả cho một số khoản vay được Chính phủ bảo lãnh.

Đáng chú ý, trong năm 2018, Quỹ tích luỹ trả nợ vẫn phải ứng vốn trả nợ cho Tổng công ty giấy Việt Nam với số tiền 7,61 triệu EUR (tương đương 8,13 triệu USD), nâng tổng giá trị ứng trả lên 82,6 triệu EUR (tương đương 97 triệu USD) để trả nợ gốc và lãi vay nước ngoài. Nhưng đến nay, Bộ Công Thương và Tổng công ty Giấy Việt vẫn chưa thể xử lý xong tài sản dự án Nhà máy giấy Phương Nam để thu hồi vốn trả quỹ tích lũy trả nợ.

Một loạt dự án đầu tư dây chuyền sản xuất xi măng được Chính phủ bảo lãnh nợ vay trong những năm qua cũng đang gặp khó khăn, có nợ quá hạn cao, phải tái cơ cấu nợ vay như dự án xi măng Thái Nguyên, xi măng Hạ Long, xi măng Đồng Bành.

Vinalines lại thua lỗ nặng, “gánh” lỗ luỹ kế “khủng” vượt 3.600 tỷ đồng

Vàng “sốt sình sịch” đạt đỉnh 6 năm, nhà đầu tư quay cuồng với giá - 3

Vinalines bán tàu nhưng thu về không được bao nhiêu

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines - mã MVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019 cho thấy tình hình kinh doanh tiếp tục diễn biến không mấy khả quan của “ông lớn” này.

Doanh thu hợp nhất của Vinalines ghi nhận đạt hơn 5.562 tỷ đồng, giảm hơn 9% so với cùng kỳ. Chi phí bán hàng tăng đáng kể nhưng số tuyệt đối chỉ hơn 49 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp vẫn ở mức gần 384 tỷ đồng dù đã giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi thu nhập từ thanh lý tài sản cố định chỉ ở mức hơn 66 tỷ đồng thì Vinalines phải chi phí tới 442 tỷ đồng cho công tác này, tăng gấp 10 lần so với số chi cùng kỳ. Chi phí khác của Vinalines trong quý 2 theo đó lên tới gần 456 tỷ đồng, gấp gần 7,5 lần cùng kỳ.

Trong báo cáo giải trình, Vinalines cho biết, chi phí khác tăng là do thực hiện thanh lý tài sản (bán tàu) và tiếp tục xử lý các tài sản hoạt động không hiệu quả theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến số lỗ sau thuế gần 424 tỷ đồng của tổng công ty này trong quý 2 vừa qua, lỗ ròng thuộc về công ty mẹ lên tới gần 496 tỷ đồng. Điều này kéo theo lỗ luỹ kế của Vinalines đến 30/6/2019 bị đẩy lên gần 3.641 tỷ đồng.

Mai Chi