1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Chính phủ ôm tỷ USD nợ bảo lãnh cho hàng loạt ông lớn

(Dân trí) - Tính đến hết năm 2018, tổng giá trị các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh lên tới 27,77 tỷ USD. Đáng chú ý, Quỹ tích luỹ trả nợ vẫn phải ứng vốn trả nợ cho Tổng công ty giấy Việt Nam với số tiền lên 82,6 triệu EUR (tương đương 97 triệu USD) để trả nợ gốc và lãi vay nước ngoài.

Nợ Chính phủ bão lãnh lên tới 27,77 tỷ USD

Báo cáo về tình hình nợ Chính phủ bảo lãnh của Bộ Tài chính cho thấy, tính đến hết năm 2018, tổng giá trị các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh lên tới 27,77 tỷ USD, trong đó, bảo lãnh nước ngoài chiếm tới 85%. Tổng dư nợ gốc ước hơn 11,9 tỷ USD, trong đó dư nợ gốc nước ngoài chiếm tới 95%.

Trong năm 2018, các dự án bảo lãnh vay trong và ngoài nước đều trả nợ đầy đủ và đúng hạn. Có 8 dự án đã kết thúc trả nợ nước ngoài, 3 khoản vay đã thực hiện trả nợ trước hạn với trị giá 90 triệu USD gồm 1 khoản vay của PVN, 2 khoản vay của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam.

Bộ Tài chính cũng cho biết, trong năm 2018, quỹ tích lũy trả nợ đã phải ứng ra chi trả cho một số khoản vay được Chính phủ bảo lãnh.

Đáng chú ý, trong năm 2018, Quỹ tích luỹ trả nợ vẫn phải ứng vốn trả nợ cho Tổng công ty giấy Việt Nam với số tiền 7,61 triệu EUR (tương đương 8,13 triệu USD), nâng tổng giá trị ứng trả lên 82,6 triệu EUR (tương đương 97 triệu USD) để trả nợ gốc và lãi vay nước ngoài. Nhưng đến nay, Bộ Công Thương và Tổng công ty Giấy Việt vẫn chưa thể xử lý xong tài sản dự án Nhà máy giấy Phương Nam để thu hồi vốn trả quỹ tích lũy trả nợ.

Chính phủ ôm tỷ USD nợ bảo lãnh cho hàng loạt ông lớn - 1

Dự án nhà máy giấy Phương Nam là một trong 12 dự án yếu kém, đắp chiếu ngành Công Thương.

Ngoài ra, trong năm 2018, dự án nhà máy giấy Phương Nam đã kết thúc việc trả nợ cho ngân hàng Societe Generale và Tổng công ty Giấy đang nhận nợ với Quỹ tích lũy trả nợ đối với các khoản mà Quỹ đã ứng trả cho ngân hàng.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, dự án Nhà máy giấy Phương Nam hoàn toàn mất khả năng trả nợ và đang phải thanh lý tài sản để thu hồi vốn. Dự án khó khăn về tài chính nên không thể trả nợ các kỳ từ năm 2008 đến nay và quỹ tích lũy trả nợ buộc phải ứng tiền trả nợ thay.

Bên cạnh đó, Quỹ tích luỹ trả nợ cũng phải ứng cho dự án đường cao tốc La Sơn – Tuý Loan của Bộ Giao thông Vận tải 44 triệu USD do vẫn chưa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình cấp có thẩm quyền bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

“Dư nợ vay Quỹ tích luỹ trả nợ để trả nợ được Chính phủ bảo lãnh là 232,71 triệu USD, tăng thêm 13,6% so với năm 2017 do việc phải ứng vốn đối với dự án BT đường cao tốc của Bộ Giao thông Vận tải và dự án Giấy Phương Nam của Tổng công ty Giấy Việt Nam”, Bộ Tài chính cho hay.

Bảo lãnh tỷ USD cho điện, hàng không, xi măng

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, một loạt dự án đầu tư dây chuyền sản xuất xi măng được Chính phủ bảo lãnh nợ vay trong những năm qua cũng đang gặp khó khăn, có nợ quá hạn cao, phải tái cơ cấu nợ vay như dự án xi măng Thái Nguyên, xi măng Hạ Long, xi măng Đồng Bành.

Đến cuối 2018, dư nợ bảo lãnh đối với lĩnh vực xi măng là hơn 94 triệu USD, giảm gần một nửa so với cuối năm 2017 do các dự án đang trong giai đoạn trả gốc. Tuy nhiên, lĩnh vực xi măng vẫn được đánh giá là lĩnh vực có rủi ro bán hàng do ảnh hưởng của thị trường xây dựng và vẫn cần được các bộ quản lý theo dõi sát sao.

Trong đó, dự án xi măng Thái Nguyên khó khăn tài chính, mất khả năng trả nợ từ năm 2011, đến nay Tổng công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam phải vay tạm ứng từ quỹ tích lũy trả nợ 30,79 triệu EUR để trả nợ nước ngoài.

Dự án xi măng Hạ Long do Tổng công ty Sông Đà đầu tư thua lỗ nên không trả được nợ từ 2012 – 2015 và đã phải vay tạm ứng luỹ tích lũy trả nợ số tiền 52,21 triệu EUR để trả nợ gốc vay nước ngoài. Còn dự án xi măng Đồng Bành dù đã đi vào sản xuất ổn định thời gian gần đây vẫn phải vay 16,55 triệu USD để có tiền trả nợ.

Đối với ngành điện, dư nợ bảo lãnh ngành điện hiện chiếm tỉ trọng lớn trong danh mục bảo lãnh vay vốn của Chính phủ cho các lĩnh vực quan trọng. Các dự án đầu tư nguồn điện đảm bảo lượng điện tiêu thụ và có hợp đồng bán điện dài hạn nên có nguồn thu ổn định và bảo đảm khả năng trả nợ tốt hơn lĩnh vực khác.

Bảo lãnh vay nợ của Chính phủ trong lĩnh vực điện tập trung chủ yếu tại một số tập đoàn lớn như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT).

Theo đó, Chính phủ đã cấp bảo lãnh vay nợ cho EVN khoảng 10,1 tỷ USD, PVN khoảng 3,3 tỷ USD, TKV khoảng 678 triệu USD, EVNNPT 615 triệu USD và các công ty khác 2,69 tỷ USD. Tổng giá trị bảo lãnh vay vốn của Chính phủ trong ngành điện khoảng 17,3 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Tài chính, các dự án ngành điện đều đang trả nợ bình thường, một số dự án của EVN và PVN đã trả nợ trước hạn. Dự án gặp khó khăn dài hạn trong quá trình vận hành và trả nợ là dự án Xekaman 3 của Công ty cổ phần Điện Việt Lào bị sự cố địa chất bất khả kháng và vẫn đang nỗ lực khắc phục, tái cơ cấu lịch trả nợ để có thể vượt qua thời kỳ khó khăn.

Trong lĩnh vực hàng không, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) và Công ty CP Cho thuê máy bay (VALC) cũng được Chính phủ bảo lãnh cho vay hàng tỉ USD. Trong đó, VNA được bảo lãnh vay nợ 1,03 tỷ USD, VALC được bảo lãnh cho vay nợ 297,4 triệu USD.

Tính đến hết năm 2018, Chính phủ đã bảo lãnh vay vốn cho các dự án đầu tư quan trọng khoảng 27,7 tỷ USD, trong đó 23,6 tỷ USD vốn vay nước ngoài, 4,1 tỷ USD vốn vay trong nước.

Ngoài ra, Chính phủ tiếp tục bảo lãnh cho 2 ngân hàng chính sách phát hành trái phiếu để huy động vốn. Năm 2018, Ngân hàng Chính sách xã hội đã phát hành thêm 9.670 tỷ đồng trái phiếu, nâng tổng dư nợ trái phiếu lên 39.331 tỷ đồng. Bảo lãnh cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam phát hành thêm 16.545 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ trái phiếu lên 118.406 tỷ đồng.

Phương Dung