1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Vàng sẽ lấp lánh hơn?

(Dân trí) - TS Lê Xuân Nghĩa đánh giá, với xu hướng kinh tế vĩ mô như hiện nay, thị trường vàng sẽ dần đi vào ổn định và theo đó, vàng sẽ "lấp lánh" hơn. Ông cũng đề xuất, cần trả vàng về cho thị trường và thành lập sàn vàng quốc gia.

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, thành viên Ban cố vấn của Chính phủ (Ảnh: BD).

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, thành viên Ban cố vấn của Chính phủ (Ảnh: BD).

Thưa Tiến sĩ, có ý kiến cho rằng, trong thời gian tới, vàng sẽ lấp lánh hơn. Ông nhìn nhận như thế nào về điều này?

Không biết nên hiểu chữ lấp lánh đó như thế nào nhưng có một điều có thể dự đoán một cách chắc chắn, đó là khi kinh tế thế giới đang phục hồi ngày càng rõ ràng hơn, giai đoạn phục hồi quyết định nhất, 2014-2015 có thể tạo ra đà cho những giai đoạn cho kinh tế thế giới có thể phát triển ổn định sau đó. Trong giai đoạn như vậy, giá vàng ít biến động không lên xuống thất thường, các nhà đầu tư bình tĩnh hơn, tự tin hơn vào triển vọng phục hồi của nền kinh tế thế giới. Vì vậy, vàng lấp lánh hơn chăng!

Ở Việt Nam, điều nguy hiểm nhất hiện nay là chúng ta chưa biết được Ngân hàng Trung ương (NHTW) sắp tới sẽ giải quyết vấn đề vàng như thế nào. Sẽ duy trì chính sách vàng như hiện nay, tức là NHTW độc quyền hay trả lại chức năng này cho thị trường?

Nhưng trong mọi tường hợp, mục tiêu chính của NHNN là bình ổn giá vàng trong nước, hạn chế các yếu tố tâm lý mang tính bầy đàn sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định của tỷ giá hối đoái, khả năng nắm giữ tài sản của NHTM cũng như dân chúng. Nên tôi tin rằng, giá vàng Việt Nam từ nay sẽ có xu hướng ổn định. 

Tôi nhớ, năm 2009 có ngày giá vàng tăng tới 25 lần, mức tăng khủng khiếp! Từ đó đến nay đã bắt đầu đi vào ổn định. Nếu ổn định có nghĩa là lấp lánh thì tôi cũng đồng ý như vậy.

Quan điểm của ông như thế nào về việc trả vàng về cho thị trường?

Trả vàng về cho thị trường tức là để cho thị trường xuất, thị trường nhập, các công ty vàng được tự xuất - tự nhập tùy thuộc vào nhu cầu thị trường. Lúc này, Ngân hàng Trung ương (NHTW) làm nhiệm vụ giám sát về khối lượng và giá cả nếu cần thiết. 

Về nguyên tắc, NHTW không nên gánh lấy rủi ro là người nhập khẩu, xuất khẩu vàng. Là cơ quan tiền tệ quan trọng, NHTW không thể đi gánh những rủi ro kiểu như vậy của thị trường.  

Hơn nữa, nếu để doanh nghiệp tự xuất tự nhập thì luồng vàng vào - ra Việt Nam sẽ nhanh hơn và sẽ cân bằng được giá cả trong nước – quốc tế, thu hẹp được chênh lệch. Khi đó doanh nghiệp sẽ không còn đầu cơ nữa mà hoạt động nhập khẩu hoàn toàn theo nhu cầu kinh doanh, như vậy thị trường sẽ càng ổn định hơn. 

Thực ra, NHTW đợt vừa rồi đứng ra độc quyền xuất nhập khẩu vàng bất đắc dĩ nhằm khôi phục lại dự trữ ngoại tệ, tạo điều kiện "đuổi" vàng ra khỏi hệ thống ngân hàng. Sứ mệnh đó đã hoàn thành rồi, thế nhưng  vẫn chưa thay đổi chính sách kịp do việc thay đổi một Nghị định không đơn giản.

Như vậy, có phải sẽ cần một bước đệm, thưa ông?

Chắc là NHTW cũng chỉ làm một thời gian nữa thôi, sau đó sẽ có chính sách mới.

Sẽ thành lập sàn vàng quốc gia

Ông đánh giá như thế nào về ý tưởng thành lập sàn vàng quốc gia?

Đó cũng chính là điều mà NHTW đang quan tâm. Người ta cho rằng, để doanh nghiệp tự nhập - tự xuất thì vẫn có thể kiểm soát được. Nhưng vấn đề quan trọng nhất là làm sao kiểm soát được tất cả các giao dịch vàng mà không để xảy ra câu chuyện ngấm ngầm giao dịch trên thị trường quốc tế và để xảy ra những cú sốc lớn như 2007-2008, khiến rất nhiều người tham gia thị trường bị thua thiệt, trong khi các đầu mối đưa ra những lý do rất vớ vẩn như mạng hỏng, trục trặc kỹ thuật...

Do đó, NHTW đang dự kiến thành lập một sàn vàng quốc gia, ở đó tập trung các giao dịch lô lớn và có kiểm soát của các ngân hàng, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Phương thức giao dịch không thể qua vàng miếng, không qua vàng vật chất mà có thể sẽ thông qua vàng tài khoản hoặc vàng chứng chỉ. Hiện nay, cơ quan điều hành đang nghiên cứu một đề án như vậy và chúng ta hãy cùng đợi xem!

Với điều kiện thị trường như hiện nay, liệu ông có thể có dự báo về thời điểm thành lập sàn vàng?

Rất khó dự báo. 

Thật ra Việt Nam cũng có những ngân hàng đã có kinh nghiệm lập và thậm chí là quản lý sàn vàng. Chúng ta đã đi khảo sát kinh nghiệm của Trung Quốc và một số nước. 

Nếu thành lập sàn vàng thì NHNN không nên đứng ra mà giao cho một số ngân hàng thương mại làm trụ cột góp vốn thành lập. Lúc đó, NHNN đứng ra là một thành viên trong hội đồng quản lý và giám sát toàn bộ hoạt động, chứ NHNN mà đứng ra thành lập một sàn vàng trực thuộc mình thì không hiệu quả.

Hiện tại nhiều người dân nắm giữ vàng nhưng lại không có thói quen giao dịch qua ngân hàng. Ông có đánh giá như thế nào về tình trạng này?

Có lẽ người dân Việt Nam chúng ta hiện vẫn còn có nhiều người thích mua vàng miếng, bây giờ ép họ mua vàng chứng chỉ họ cũng không chịu. Nhưng đó chỉ là những giao dịch mua lẻ của dân chúng còn giao dịch mua lớn của các công ty thì phải nên mua vàng chứng chỉ hoặc vàng tài khoản, dần dần họ mới quen với cách thức như vậy.

Hơn nữa, mua vàng tài khoản cũng rất nhanh gọn.

Thưa ông, với những quy định hiện nay, làm thế nào để những người dân đang còn giữ 5, 7 lượng vàng có thể bán vàng cho Nhà nước?

Theo tôi nghĩ, thị trường mua - bán vàng lẻ vẫn sẽ còn tồn tại rất lâu dài ở Việt Nam. Ý tôi muốn nói là sàn vàng tập trung có nghĩa là các giao dịch lớn, có thể trong nước, hay quốc tế. Đây cũng chính là yếu tố ảnh hưởng rất mạnh đến thị trường vàng trong thời gian tới đây.

 Bích Diệp