1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vàng bị bán tháo, liệu giá có còn tăng?

Mỹ Tâm

(Dân trí) - Những bình luận diều hâu của Fed về việc tăng lãi suất là lý do khiến giá vàng thế giới rớt mạnh phiên cuối tuần, cầm cự ở mốc 2.000 USD/ounce.

Vàng rớt mạnh phiên chốt tuần

Kết thúc tuần vừa rồi (10/4-15/4), giá vàng miếng SJC tại các cửa hàng lớn ở Hà Nội được niêm yết ở 66,3-67 triệu đồng/lượng (mua - bán). Chênh lệch 2 chiều mua và bán là 600.000 đồng/lượng.

Trong tuần, có thời điểm giá lên đến 66,7-67,3 triệu đồng/lượng (mua - bán), cùng thời điểm kim loại quý thế giới tăng giá lên cao nhất một năm. Tuy nhiên, khi vàng thế giới giảm, giá trong nước cũng giảm theo.

Giá vàng giao ngay trên Kitco đạt 2.004 USD/ounce khi đóng cửa tuần. Dù vẫn giữ được mức kháng cự quan trọng 2.000 USD song so với phiên liền trước, mỗi ounce vàng đã "bốc hơi" 36 USD khi các nhà đầu tư chốt lời. Trước đó, vàng tăng sau khi số liệu kinh tế Mỹ công bố cho thấy lạm phát đang hạ nhiệt.

Mặt khác, ông Christopher Waller - Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - khẳng định ngân hàng trung ương Mỹ vẫn chưa đạt được nhiều tiến bộ trong việc đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2%. Ông nhấn mạnh cần phải tăng lãi suất điều hành.

Theo dữ liệu của CME Group - sàn giao dịch có trụ sở tại Chicago, các thị trường dự báo khả năng Fed tăng lãi suất 25 điểm cơ bản là 78%. Vàng thường nhạy cảm với lãi suất bởi lãi suất thấp làm giảm chi phí cơ hội việc nắm giữ vàng - vốn không mang lại lợi suất.

Vàng bị bán tháo, liệu giá có còn tăng? - 1

Vàng bị bán tháo (Ảnh: Tiến Tuấn).

Dù vàng bị bán tháo, các chuyên gia vẫn lạc quan về triển vọng. Peter Spina - Chủ tịch GoldSeek - đơn vị chuyên phân tích vàng - cho rằng hiện khó để dự báo giá vàng có thể lập kỷ lục mới những ngày tới. Tuy nhiên, với các yếu tố kinh tế đang hiện hữu, khả năng vàng tăng giá hoàn toàn có thể xảy ra.

Chuyên gia kinh tế Robert Minter nhận định không chỉ nhà đầu tư cá nhân, tổ chức đang tìm cách trú ẩn tài sản vào vàng để hạn chế rủi ro từ sự bất ổn của thị trường tài chính, ngay cả các ngân hàng trung ương cũng có nhu cầu lớn với vàng. Trong 2 tháng đầu năm, các ngân hàng trung ương đã mua 125 tấn vàng - mức khởi đầu một năm mạnh nhất trong hơn một thập kỷ. "Nhu cầu của ngân hàng trung ương đang tạo ra đà tăng vững chắc của vàng", vị này nói.

USD vẫn ở mức thấp

Kim loại quý thường biến động ngược chiều USD. USD-Index - chỉ số đo sức mạnh đồng bạc xanh với rổ tiền tệ lớn - kết thúc tuần đạt 101,29 điểm - tăng 0,59% so trước đó dù vẫn ở vùng giá thấp do đã giảm mạnh từ đầu năm.

Kết thúc tuần này, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.588 đồng/USD, giảm 8 đồng so với giá đóng cửa phiên liền trước đó. Với biên độ 5%, các ngân hàng thương mại được phép niêm yết giá trần USD ở mức 25.016 đồng/USD và giá sàn là 22.418 đồng/USD.

USD trong các ngân hàng thương mại giảm 10-20 đồng/chiều phiên cuối tuần. Các ngân hàng lớn niêm yết phổ biến ở 23.245-23.615 đồng/USD (mua - bán). Ngân hàng cổ phần mua bán USD ở 23.220-23.600 đồng/USD (mua - bán). Chênh lệch giữa giá mua và bán là khoảng 300-400 đồng.

Trên thị trường tự do, đồng bạc xanh được niêm yết ở vùng 23.410-23.460 đồng/USD (mua - bán), tăng 10 đồng mỗi chiều so với hôm qua. Chênh lệch giữa 2 chiều là 50 đồng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm