Vẫn còn hi vọng tăng lương vào 1/5 năm sau?

(Dân trí) - Người phát ngôn Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, do tình hình ngân sách đang bị thâm hụt khó khăn đến đầu năm sau, để có nguồn tăng lương, Chính phủ sẽ cố gắng tăng thu và tiết kiệm chi tối đa.

Tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ diễn ra chiều 28/10/2012, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, vấn đề xin lùi lộ trình tăng lương đã được nhiều đại biểu Quốc hội cũng như các thành viên Thường vụ Quốc hội đề cập và bàn bạc, đặt trong bối ngân sách khó khăn thâm hụt.

Mặc dù thừa nhận, lương là mối quan tâm của rất nhiều người làm công ăn lương, đa phần thu nhập còn rất thấp, đời sống khó khăn và Chính phủ cũng rất chia sẻ, tuy nhiên, người phát ngôn Chính phủ tỏ ra quan ngại, nhiều khả năng đến 1/5 năm tới, chưa đủ nguồn để làm lương đúng như dự kiến ban đầu.

"Do đó, Chính phủ sẽ cố gắng tăng thu và tiết kiệm chi, để ngay sau khi cân đối đủ nguồn sẽ có thể tăng lương" - Bộ trưởng Đam cho hay.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam (ảnh: B.D).

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam (ảnh: B.D).

Trước báo giới, Bộ trưởng cũng lưu ý về hai khái niệm: lương công chức và lương lao động tại doanh nghiệp. Riêng phần lương của người lao động làm việc tại các doanh nghiệp tư nhân, trong khi người lao động muốn lương tối thiểu tăng cao thì nhà đầu tư lại luôn muốn lương duy trì ở thấp. Yếu tố lao động giá rẻ từng là một trong những lợi thế thu hút đầu tư nước ngoài vàoViệt Nam, tuy nhiên, mức lương tối thiểu ở bộ phận này vừa qua đã được nâng lên dần. Đây là phần không liên quan đến thu ngân sách.

Còn một bộ phận khác là những công, nhân viên chức làm công ăn lương nhà nước, những người hưu trí, những người có công. Theo đó, lộ trình lẽ ra 1/5/2013 sẽ điều chỉnh tăng lương nhưng xét thu ngân sách năm nay và đầu năm tới rất khó khăn do thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (trong đó có giãn, giảm, miễn một số loại thuế, một số khoản thu...) nên có khả năng sẽ phải lùi lại. Tuy nhiên, đây mới chỉ dừng ở "khả năng", tức nếu huy động được nguồn tiền cho quỹ lương thì mốc này vẫn có thể được đảm bảo.

Mới đây, khi Ủy ban thường vụ Quốc hội truy vấn về đề xuất hoãn kế hoạch tăng lương 2013, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ từng khẳng định, "Không có dư địa để tăng thêm nữa, trừ phi Thường vụ Quốc hội đồng ý cho in thêm tiền".

Phân tích thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Đam lý giải, trong bối cảnh bội chi, thâm hụt ngân sách ngày càng lớn, "cắt đầu tư để làm lương là rất khó, nhân dân cũng sẽ không chịu vì phần lớn đều chi cho những công trình rất cần thiết và người dân rất trông đợi." Ở điều kiện của Việt Nam, chưa kể điện đường trường trạm, việc kêu vốn doanh nghiệp vào lĩnh vực này đã rất khó nên không thể cắt tiếp đầu tư hơn nữa.

Với mức bội chi ngân sách 4,8% GDP thì nguồn chi cho đầu tư phát triển năm 2013 khoảng 160 nghìn tỷ trong khi chi đầu tư phát triển năm nay vào khoảng 180 nghìn tỷ đồng. Như vậy, chi đầu tư phát triển cho năm sau xấp xỉ như năm nay trong khi GDP lại tăng. Hơn nữa, chi cho đầu tư phát triển lẽ ra phải trên 200 nghìn tỷ đồng nhưng năm nay và cả dự kiến năm sau đều đã thấp hơn con số này.

Một trong những nguồn tiền chi cho lương, theo Bộ trưởng, chỉ còn cách tăng thu và giảm chi. Đồng thời lưu ý, tăng thu nhưng vẫn nuôi được nguồn để doanh nghiệp còn đường phát triển (nên vẫn phải miễn phải giãn một số khoản). Còn giảm chi, trong khi khó cắt được nguồn chi đầu tư cho các chương trình an sinh xã hội, giáo dục, y tế... thì ngoài cách chi tiết kiệm 10% như đang thực hiện, phải siết lại chi thường xuyên. Lấy ví dụ, ngay kỳ họp Chính phủ này Thủ tướng này đã ra Nghị quyết quy định việc đi nước ngoài dứt khoát phải chặt chẽ hơn, từ trung ương đến địa phương. Cùng với đó, rất nhiều các khoản chi khác phải tiết kiệm. Theo đó, Chính phủ đã quán triệt "khoản nào không đừng được thì phải chi nhưng đã chi sẽ hết sức tiết kiệm".

Còn phương án thu gọn bộ máy công chức nhà nước rất cồng kềnh, Bộ trưởng nói, "về lâu dài có thể tiến tới nhưng không thể ngay lập tức chúng ta giảm biên chế để tăng lương được".

Được biết, việc tăng lương sẽ tác động đến 7 triệu người hưởng lương tại các cơ quan nhà nước và 15 triệu lao động ở khu vực doanh nghiệp.

Từng góp ý với Bộ trưởng Huệ tại nghị trường Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển gợi ý, nếu Chính phủ không đủ tiền để tăng lương theo lộ trình (khoảng 150.000 đồng) thì chỉ cần tăng ở mức 100.000 đồng do việc lương góp phần kích cầu tiêu dùng. Với mức tăng giảm xuống chỉ còn 100.000 đồng, số tiền phải dành cho việc này sẽ chỉ tốn 20.000 tỷ đồng, giảm 13.000 tỷ đồng so với mức dự kiến ban đầu.

Vừa rồi, mức lương tối thiểu chung được áp dụng từ 1/5/2012 là 1,05 triệu đồng/tháng. Mức này đã tăng so với 830.000 đồng/tháng áp dụng trước đó. Tuy nhiên, nếu tính theo phương pháp nhu cầu tối thiểu, thì mức lương tối thiểu năm 2011 phải là 1,4 triệu đồng/tháng.

Bích Diệp