Vận chuyển động thực vật hoang dã: Vô tình hay cố ý đều phạm pháp

(Dân trí) - Các doanh nghiệp vận tải sẽ gặp phải những nguy cơ rủi ro về danh tiếng và phạm pháp nếu bị phát hiện có liên quan, dù vô tình hay cố ý, tới buôn bán và vận chuyển trái phép động thực vật hoang dã.

Nhằm trang bị kiến thức và kêu gọi hành động trong việc ngăn chặn nạn buôn bán trái phép động thực vật hoang dã (ĐTVHD), mạng lưới giám sát buôn bán động thực vật hoang dã (TRAFFIC) đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam (VATA) tổ chức Hội thảo “Quản trị rủi ro và thực hiện trách nhiệm xã hội bảo vệ động thực vật hoang dã trong doanh nghiệp ngành vận tải và dịch vụ hậu cần” cho hơn 30 công ty vận tải và dịch vụ hậu cần Việt Nam.


Hội thảo thu hút được sự quan tâm của rất nhiều doanh nghiệp vận tải

Hội thảo thu hút được sự quan tâm của rất nhiều doanh nghiệp vận tải

Hội thảo được tổ chức để giúp các doanh nghiệp vận tải và dịch vụ hậu cần nhận ra tầm quan trọng trong việc cập nhật các tình hình thực tế về buôn bán động vật hoang dã đang diễn ra. Bởi rất có thể các doanh nghiệp vận tải sẽ gặp phải những nguy cơ rủi ro về danh tiếng và phạm pháp nếu bị phát hiện có liên quan, dù vô tình hay cố ý, tới buôn bán và vận chuyển trái phép động thực vật hoang dã.

Theo thống kê của cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm Liên Hợp Quốc (UNODC) cho thấy, giá trị buôn bán động thực vật hoang dã bất hợp pháp lên đến 24 tỷ USD mỗi năm.

Tại Việt Nam, theo thống kê của TRAFFIC, trong năm 2015, số lượng ngà voi bị thu giữ lại tăng lên 1115 kg và sừng tê giác là 114 kg, cao hơn nhiều so với năm trước đó.

Liên quan tới vấn đề này, bà Nguyễn Thị Tuyết Trinh, đại diện văn phòng TRAFFIC tại Việt Nam cho rằng, lợi nhuận khủng khiếp này chỉ xếp sau việc buôn bán ma túy và gỗ quý. Đây là mối đe dọa lớn nhất tới sự sinh tồn của các loài ĐTVHD quý, hiếm trên toàn thế giới.

Theo bà Trinh, hình thức vận tải chủ yếu của các tổ chức buôn bán ĐTVHD trái phép là đường hàng không sau đó là đường bộ.

Rất nhiều trường hợp các đối tượng buôn bán thuê các đơn vị kinh doanh vận tải vận chuyển động thực vật hoang dã với số lượng lớn và đã bị cơ quan chức năng kiểm tra và bắt giữ.

Mặc dù biết vận chuyển mặt hàng này không chỉ dẫn tới rủi ro cho doanh nghiệp vận tải mà còn đặc biệt là rủi ro trực tiếp với người lái xe, nhưng do lợi nhuận khổng lồ đem lại từ việc vận chuyển, buôn bán và các chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe nên rất nhiều đối tượng đã bất chấp để vận chuyển.


Ngà voi nhập lậu do Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất phát hiện (Báo Hải quan)

Ngà voi nhập lậu do Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất phát hiện (Báo Hải quan)

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô thừa nhận: “Thực tế, hoạt động kinh doanh vận tải vẫn tồn tại những vi phạm nêu trên. Việc vận chuyển này đã tạo nên rủi ro đối với đơn vị vận tải đặc biệt là rủi ro trực tiếp đến người lái xe”.

Vì vậy, Hiệp hội sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền giáo dục để đội ngũ lái xe chấp hành pháp luật.

Ông Hoàng Tòng, Giám đốc một cơ sở kinh doanh vận tải tại Hòa Bình cũng chia sẻ: “Doanh nghiệp tôi không cho phép chở các mặt hàng không rõ nguồn gốc vì sẽ ảnh hưởng tới lịch trình vận chuyển và ảnh hưởng tới hình ảnh của công ty. Không chỉ chở hàng mà ngay khi vận chuyển khách thông thường chúng tôi đã có quy chế riêng biệt phạt nặng vào kinh tế nếu lái xe có hành vi vận chuyển các mặt hàng cấm, tối đa lên đến 7 triệu đồng”.

Thế Hưng