1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Cổ phần hoá Tập đoàn Điện lực (EVN):

Vẫn chưa hy vọng được dùng điện giá rẻ

Đề án cổ phần hóa (CPH) Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa được Tập đoàn này trình Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu cổ phần hóa hầu hết các đơn vị thành viên về cơ bản hoàn thành trong năm 2008. Báo giới đã có cuộc phỏng vấn TGĐ EVN Phạm Lê Thanh về vấn đề này.

Thưa ông, theo đề án CPH TĐ Điện lực Việt Nam vừa được EVN trình Thủ tướng phê duyệt, lộ trình CPH EVN được thực hiện như thế nào?

EVN hoạt động theo phương thức đa dạng hoá sở hữu và đa dạng hoá kinh doanh. Vì vậy, trong đề án CPH TĐ trình lên Thủ tướng, tiến độ CPH sẽ được đẩy nhanh hơn dự kiến trước 2 năm, đến năm 2008 về cơ bản EVN sẽ hoàn thành việc CPH các đơn vị, chủ yếu thuộc khâu phát điện và khâu phân phối điện.

Riêng khối truyền tải điện sẽ thành lập TCty truyền tải điện quốc gia thuộc Cty mẹ - TĐ Điện lực, cùng với Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) và một số nhà máy điện đa mục tiêu tiếp tục do EVN nắm giữ để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Đến nay, EVN đã CPH xong 3 nhà máy là thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh, Thác Bà và nhiệt điện Phả Lại; đang CPH (và dự kiến xong trong năm 2007) 5 nhà máy gồm nhiệt điện Bà Riạ, Uông Bí, Ninh Bình, thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi và Thác Mơ.

Trong năm 2008, EVN sẽ CPH hầu hết các nhà máy còn lại, trong đó có nhiệt điện Phú Mỹ, Cần Thơ, Thủ Đức... chỉ giữ lại 3 nhà máy đa mục tiêu là thủy điện Hoà Bình, Trị An và Yaly, sau này là thủy điện Sơn La và nhà máy điện nguyên tử.

Đối với khâu phân phối, hiện EVN đã CP xong Điện lực Khánh Hoà, 3 Cty điện lực miền (Cty điện lực 1, 2, 3), trong quý II sẽ hoàn thành phương án CPH các Cty điện lực còn lại (gồm HN, HP, TPHCM,...) dự kiến trong năm 2008 phải xong. Khối cơ khí điện và khối tư vấn điện lực trong quý II năm nay cũng phải hoàn thành...

Việc CPH các nguồn điện đang trong quá trình xây dựng và dự kiến khoảng 30 NM do EVN làm chủ đầu tư sẽ được xây dựng trong thời gian tới sẽ thế nào, thưa ông?

Đối với các nhà máy điện đang xây dựng thì sẽ thành lập các Cty cổ phần (CP) trên cơ sở các ban quản lý (BQL) dự án để huy động vốn và quản lý đầu tư xây dựng, sau này sẽ bán điện lại cho EVN.

Các nhà máy sẽ xây dựng nằm trong quy hoạch, EVN chủ trương thành lập ngay Cty CP để xây dựng dự án. Đây là hình thức mới để thu hút mạnh mẽ hơn nguồn vốn đầu tư ngoài xã hội vào ngành điện.

Vốn đầu tư phát triển ngành điện giờ đã được khai thông nhờ "kênh" chứng khoán, người sử dụng điện có hy vọng gì về cải thiện sức ép tăng giá điện?

Theo lộ trình điều chỉnh giá điện được Chính phủ phê duyệt thì năm 2008, giá điện mới tăng khoảng 4-5%, năm nay tăng khoảng 7,6% cũng chưa đủ bù lỗ do EVN phải mua các nguồn điện bên ngoài với giá cao.

Như vậy, giá điện hiện tại chưa đủ hấp dẫn các nhà đầu tư đầu tư vào điện. Hơn nữa, xã hội hoá ngành điện không có nghĩa là người dân sẽ mua được điện giá rẻ, mà người dân sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn với giá điện cạnh tranh.

Theo Quỳnh Trang
Báo Lao động