VAMC sẽ xử lý được khoảng 100.000 tỷ đồng nợ xấu

(Dân trí) - Theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước, Công ty Quản lý tài sản (VAMC) sẽ xử lý được khoảng 80.000 - 100.000 tỷ đồng nợ xấu trong vòng 5 năm tới. Trong đó, mức thu hàng năm của VAMC khoảng 60 tỷ - 160 tỷ đồng.

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dự thảo Thông tư quy định về việc mua, bán, xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Dự thảo thông tư quy định điều kiện các khoản nợ được VAMC mua bằng trái phiếu đặc biệt theo hướng cụ thể hóa các điều kiện quy định tại Nghị định 53.

Theo đó, dự thảo quy định cụ thể điều kiện các khoản nợ được VAMC mua bằng trái phiếu đặc biệt bao gồm:

Thứ nhất, khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản, trong đó không dưới 65% tổng giá trị tài sản bảo đảm là bất động sản, bao gồm cả bất động sản hình thành trong tương lai.

Thứ hai, khoản nợ, tài sản bảo đảm phải hợp pháp; khoản nợ chưa được dùng để bảo đảm cho nghĩa vụ khác của tổ chức tín dụng; tài sản bảo đảm của khoản nợ không có tranh chấp.

Thứ ba, khoản nợ, tài sản bảo đảm của khoản nợ có hồ sơ; giấy tờ hợp lệ chứng minh tính hợp pháp của khoản nợ, tài sản bảo đảm.

Thứ tư, khách hàng vay còn tồn tại.

Thứ năm, khách hàng vay có số dư nợ gốc vào thời điểm bán nợ không thấp hơn 3 tỷ đồng đối với khách hàng vay là tổ chức và không thấp hơn 1 tỷ đồng đối với khách hàng vay là cá nhân.
 
VAMC sẽ xử lý được khoảng 80.000 tỷ - 100.000 tỷ đồng nợ xấu.
VAMC sẽ xử lý được khoảng 80.000 tỷ - 100.000 tỷ đồng nợ xấu.

Cũng theo yêu cầu của dự thảo, tổ chức tín dụng (TCTD) có tỷ lệ nợ xấu từ 3% so tổng dư nợ tín dụng trở lên phải bán nợ cho VAMC. Khi mua nợ theo giá trị thị trường, VAMC phải thực hiện đánh giá lại giá trị khoản nợ hoặc thuê tổ chức tư vấn đánh giá khoản nợ, tài sản bảo đảm.

Để mua nợ theo giá trị thị trường, Ngân hàng Nhà nước quy định phương án mua nợ theo giá trị thị trường là một tập hợp các phân tích, đánh giá, đề xuất về việc mua, bán và xử lý các khoản nợ theo nguyên tắc thị trường do Công ty Quản lý tài sản lập và gửi Ngân hàng Nhà nước xem xét, chấp thuận chủ trương trong từng thời kỳ.

Sau khi mua các khoản nợ của tổ chức tín dụng, VAMC có văn bản đề nghị 4 ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ cung cấp thông tin về mức lãi suất cho vay đối với từng kỳ hạn các ngân hàng đang áp dụng tại thời điểm mua nợ. 4 ngân hàng này (gồm Agribank, Vietinbank, Vietcombank, BIDV) phải phải cung cấp thông tin quy định tại khoản 1 Điều này và chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của số liệu cung cấp.

Công ty Quản lý tài sản có trách nhiệm điều chỉnh mức lãi suất đang áp dụng đối với khoản nợ đã mua về mức không cao hơn mức lãi suất cho vay bình quân tương ứng theo từng kỳ hạn của các ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ.

Quy định về bán nợ đã mua, VAMC thực hiện bán các khoản nợ đã mua từ TCTD cho các tổ chức, cá nhân khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về mua, bán nợ áp dụng đối với các TCTD. Trường hợp bán các khoản nợ được mua bằng trái phiếu đặc biệt theo phương thức thỏa thuận với người mua, Công ty Quản lý tài sản phải thống nhất với tổ chức tín dụng bán nợ về giá bán nợ trước khi thực hiện.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu VAMC khi áp dụng hình thức bán nợ theo thỏa thuận với người mua, chuyển nợ thành vốn góp, vốn cổ phần của khách hàng vay là doanh nghiệp phải thống nhất với TCTD bán nợ trước khi thực hiện nhằm tránh tình trạng thiếu minh bạch, lợi ích nhóm.

Sau khi chuyển nợ thành vốn góp, vốn cổ phần Công ty Quản lý tài sản bán lại khoản vốn góp, vốn cổ phần cho TCTD bán nợ theo giá trị ghi sổ và thanh toán trái phiếu đặc biệt.

Để đảm bảo tránh thất thoát, xử lý không đúng mục đích số tiền thu hồi nợ, thông tư quy định Công ty Quản lý tài sản phải gửi số tiền thu hồi nợ tại tổ chức tín dụng bán nợ dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn và không được rút trước thời điểm thanh toán trái phiếu.

Định kỳ hàng quý, Công ty Quản lý tài sản có trách nhiệm thống kê và thông báo số tiền mà tổ chức tín dụng bán nợ được hưởng trong quý từ số tiền thu hồi nợ để tổ chức tín dụng ghi nhận vào doanh thu hoạt động. Đây được xem là biện pháp nhằm giảm gánh nặng chi phí trích lập dự phòng cho tổ chức tín dụng.

Về tỷ lệ Công ty Quản lý tài sản được hưởng trên số tiền thu hồi nợ, thông tư quy định tỷ lệ này là 2%. Bởi theo dự kiến, VAMC sẽ xử lý được khoảng 80.000 tỷ - 100.000 tỷ đồng nợ xấu với tỷ lệ thu hồi là 20% - 40%.

Như vậy, theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, với quy định tỷ lệ VAMC được hưởng là 2% tương ứng với mức thu của công ty là 320 tỷ - 800 tỷ đồng. Với thời gian xử lý dự kiến là 5 năm, mức thu hàng năm của Công ty Quản lý tài sản là khoảng 60 tỷ - 160 tỷ đồng. Mức dự kiến này sẽ đủ bù đắp các chi phí liên quan hàng năm của Công ty Quản lý tài sản.

Nếu được thông qua, Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 9/7/2013, phù hợp với thời gian có hiệu lực thi hành của Nghị định số 53

An Hạ