Thống đốc: VAMC có thể giải quyết 70.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm nay
(Dân trí) - Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, dự kiến, trong năm nay, Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) sẽ có thể giải quyết từ 40.000 - 70.000 tỷ đồng nợ xấu.
Chiều nay 30/5, trong khuôn khổ thảo luận tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã có dịp “đăng đàn” để thông tin với đại biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan tới nợ xấu.
Nói về tiến trình xử lý nợ xấu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian qua toàn hệ thống ngân hàng đã tích cực tham gia vào việc xử lý nợ xấu, với nhiều giải pháp khác nhau, nhất là nhóm giải pháp liên quan trực tiếp đến nỗ lực của hệ thống ngân hàng. Hệ thống ngân hàng cũng đã tích cực tham gia vào việc cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp.
Sau gần 1 năm thực hiện, tính từ tháng 4/2012 đến hiện nay, tổng số nợ mà hệ thống ngân hàng đã cơ cấu lại cho nền kinh tế, cho các doanh nghiệp đã lên tới 284.000 tỷ đồng, chiếm 10% tổng dư nợ.
Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng cũng đã trích lập dự phòng rủi ro và xử lý nợ xấu bằng nguồn trích lập dự phòng rủi ro. Năm 2012, tổng số nợ xấu được xử lý bằng nguồn này xấp xỉ 70.000 tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm nay đã tiếp tục xử lý bằng nguồn này được 7,5 nghìn tỷ đồng. Hiện tại, hệ thống ngân hàng tiếp tục trích lập dự phòng được 68.000 tỷ đồng để đến cuối năm tiếp tục xử lý nợ xấu.
“Với những nỗ lực của chính hệ thống ngân hàng, chúng ta đã tháo gỡ được 1 phần rất lớn của nợ xấu, kiềm chế được tốc độ gia tăng của nợ xấu khi điều kiện kinh tế vĩ mô chưa được cải thiện”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.
Để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, giải quyết nợ xấu, đầu tháng 3 vừa qua, Đề án xử lý nợ xấu đã được Bộ Chính trị phê duyệt và được Chính phủ thông qua Nghị định thành lập Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC). Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang triển khai bước tiếp theo để đưa công ty này vào hoạt động.
“Theo dự kiến của chúng tôi, trong năm nay, công ty này sẽ có thể góp phần vào việc giải quyết nợ xấu từ 40 nghìn - 70 nghìn tỷ đồng. Chúng tôi cũng đã tích cực phối hợp với Bộ, ngành, cụ thể là Bộ Xây dựng, trong việc đưa gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đến với người thu nhập thấp, thu nhập trung bình để mua nhà ở xã hội. Theo dự toán, gói 30.000 tỷ đồng này, với sự vào cuộc của các cấp, ngành địa phương trong năm nay, chúng ta cố gắng phấn đấu giải ngân từ 15 nghìn -20 nghìn tỷ”, Thống đốc cho biết thêm.
Và cũng theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, Ngân hàng Nhà nước cũng đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra nhiều gói hỗ trợ khác, gần đây nhất là gói hỗ trợ cho trồng cây cà phê Tây Nguyên với giá trị khoảng 3.300 tỷ đồng. Thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục phối hợp các bộ ngành khác để đưa ra những gói hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.
Đề cập tới vấn đề lãi suất và khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, Thống đốc Bình cho hay: lãi suất của hệ thống ngân hàng đã giảm mạnh, tương đương mức lãi suất trước năm 2007, nhưng tín dụng vẫn chưa ra được nhiều. Điều đó thể hiện tổng cầu nền kinh tế còn rất yếu, sức mua của nền kinh tế còn rất thấp. Chúng ta cần có biện pháp hướng vào đây thì mới khai thông được nguồn vốn tín dụng quay trở lại.
“Vừa rồi, chúng tôi họp Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia và cũng đã có nhiều giải pháp kiến nghị Chính phủ. Chúng tôi tin rằng, trong chương tình làm việc sắp tới của Chính phủ sẽ có nhiều đề xuất mang tính đột phá để giải quyết những vấn đề cấp bách trong giai đoạn hiện nay.
Còn đối với hệ thống ngân hàng, những gì chúng tôi có thể làm được là tích cực tham gia giải quyết nợ xấu; tiếp tục căn cứ vào những diễn biến kinh tế vĩ mô để có điều kiện giảm và giảm mạnh hơn nữa lãi suất cho vay, tạo thêm thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn”, vị tổng tư lệnh ngành ngân hàng nhấn mạnh.
Nguyễn Hiền