TS. Vũ Viết Ngoạn: “Có VAMC, ngân hàng xử lý nợ xấu nhanh hơn”

(Dân trí) - “VAMC ra đời, ngân hàng sẽ có điều kiện để xử lý nợ xấu nhanh hơn. Nhưng việc liệu VAMC có giải quyết triệt để được nợ xấu như kỳ vọng hay không cũng cần phải xác định là chúng ta không thể yêu cầu quá lớn đối với giải pháp thành lập VAMC”.

TS. Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia chia sẻ về vai trò của Công ty Quản lý tài sản (VAMC) bên hành lang Quốc hội.

TS. Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.
TS. Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định thành lập Công ty Quản lý tài sản (VAMC) của các tổ chức tín dụng Việt Nam. Theo Nghị định 53/2013/NĐ-CP, VAMC mua nợ xấu của TCTD theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt do công ty phát hành. Ngoài ra, VAMC còn mua nợ xấu của tổ chức tín dụng (TCTD) theo giá trị thị trường bằng nguồn vốn không phải trái phiếu đặc biệt.

Theo đánh giá của TS.Vũ Viết Ngoạn, trong bối cảnh hiện nay, khi việc giải quyết nợ xấu không thể lấy tiền từ ngân sách Nhà nước ra, cũng như chúng ta đang hạn chế phát hành tiền vì lo ảnh hưởng tới lạm phát thì việc “VAMC ra đời là giải pháp phù hợp và cần thiết”.

Tuy nhiên, liệu VAMC có giải quyết triệt để được nợ xấu như kỳ vọng hay không, TS. Vũ Viết Ngoạn cho rằng, chúng ta không thể yêu cầu quá lớn đối với giải pháp thành lập VAMC. Bởi một mình VAMC không thể làm được tất cả mà cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ đi kèm, trước hết là phải ổn định kinh tế vĩ mô.

Trước ý kiến dư luận cho rằng, việc thành lập VAMC chỉ giải quyết nợ cho các ngân hàng thương mại chứ không phải giải quyết nợ cho doanh nghiệp, TS. Vũ Viết Ngoạn cho biết: Khi VAMC ra đời, các TCTD sẽ chuyển, bán nợ xấu sang VAMC, điều này đồng nghĩa với việc tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp tiếp cận được vốn ngân hàng một cách thuận lợi hơn.

Với các TCTD việc chuyển được nợ sang VAMC sẽ góp phần làm sạch bảng tổng kết tài sản của TCTD.

Ngược lại, khi VAMC mua nợ xấu của các TCTD, các TCTD sẽ nhận được trái phiếu. Trái phiếu này, các TCTD được phép đưa ra cầm cố để vay tái chiết khấu tại Ngân hàng Nhà nước, giúp cho các TCTD có thêm nguồn vốn.

“Nói cách khác, lẽ ra TCTD phải chờ trích lập dự phòng của mình để xử lý nợ xấu, nhưng có VAMC thì TCTD xử lý nợ xấu nhanh hơn. Khi TCTD vay được tiền của Ngân hàng Nhà nước thì thanh khoản của TCTD sẽ được xử lý một cách nhanh hơn, sớm hơn, so với việc TCTD tự mình lo xử lý nợ xấu bằng nguồn dự phòng”, TS.Vũ Viết Ngoạn nhấn mạnh.

Ngoài ra, TS. Vũ Viết Ngoạn cũng cho biết thêm, VAMC chỉ mua nợ của TCTD trong khung thời gian 5 năm. Trong thời gian 5 năm này, TCTD phải tự trích lập dự phòng dưới 20% để có nguồn mua lại nợ xấu. Nếu như sau 5 năm, VAMC không bán được khoản nợ xấu đó, thì TCTD phải mua lại hoặc có nguồn đó để xử lý.

Cùng với những nhiệm vụ mà VAMC đang gánh vác, TS. Vũ Viết Ngoạn cho rằng: “Trong thời gian này, bản thân các TCTD đang rất khó khăn và nếu để các TCTD phải có trách nhiệm chủ yếu trong việc bán tài sản thì rất khó, nhất là trong trường hợp chủ sở hữu tài sản (người đi vay) họ chần chừ không muốn bán. Do đó, theo tôi VAMC nên có quyền mạnh hơn nữa để xử lý tài sản”.

“Quyền mạnh hơn” ở đây, theo ông Ngoạn chính là việc làm thế nào để VAMC có điều kiện, công cụ để xử lý nợ, bán tài sản càng sớm càng tốt. Và ngoài việc cho phép VAMC không phải chịu thuế với việc bán tài sản (kể cả thuế thu nhập doanh nghiệp) thì phương thức, cách thức xử lý tài sản, bán tài sản, đấu giá tài sản cũng nên tạo điều kiện thuận lợi cho VAMC.

Sáng nay 27/5, trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức hội thảo công bố báo cáo thường niên Việt Nam 2013: "Trên đường gập ghềnh tới tương lai".

Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu của VEPR, tính đến thời điểm 31/3/2012, tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của các tổ chức tín dụng là 3,57%. Còn nếu theo số liệu do Ngân hàng Nhà nước công bố trước đó thì nợ xấu thực tế ở mức 8,6%. Với giả định sự chênh lệch trên duy trì đến tháng 9/2012, tỷ lệ nợ xấu thực của hệ thống ngân hàng là 9,53%, với giá trị 241.000 tỷ đồng.

Mặt khác, cuối tháng 2/2013, tỷ lệ nợ xấu được công bố ở mức 6%. Với những con số nợ xấu khác nhau, nhóm nghiên cứu cho rằng, nợ xấu của hệ thống ngân hàng nằm trong khoảng 180.000 tỷ - 300.000 tỷ đồng với điều kiện việc phân loại nợ và đánh giá tài sản đảm bảo được thực hiện khá tốt.

Nguyễn Hiền