VAMC sẽ được mua nợ xấu theo giá thị trường

(Dân trí) - VAMC được quyền sử dụng các nguồn vốn hợp pháp của mình (ngoại trừ trái phiếu đặc biệt) để mua các khoản nợ xấu theo giá trị thị trường. Ngoài mua nợ xấu, VAMC còn được sử dụng vốn để đầu tư ra ngoài.

Ngoài mua nợ xấu, VAMC còn được sử dụng vốn để đầu tư ra ngoài (ảnh minh họa).

Ngoài mua nợ xấu, VAMC còn được sử dụng vốn để đầu tư ra ngoài (ảnh minh họa).

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư hướng dẫn chế độ tài chính đối với Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Theo dự thảo, VAMC được sử dụng các nguồn vốn hợp pháp của VAMC (ngoại trừ trái phiếu đặc biệt) để mua các khoản nợ xấu theo giá trị thị trường theo quy định. Tuy nhiên, trước khi mua nợ xấu theo giá trị thị trường, Hội đồng thành viên của VAMC phải xây dựng phương án mua các khoản nợ xấu theo giá trị thị trường trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

Cũng theo dự thảo Thông tư trên, ngoài mua nợ xấu, VAMC còn được sử dụng vốn để đầu tư ra ngoài (không thông qua việc mua bán nợ và tài sản) và được sử dụng vốn để đầu tư, cung cấp tài chính cho khách hàng vay để xử lý khó khăn tài chính tạm thời và phục hồi sản xuất kinh doanh.

Trong đó, hoạt động đầu tư ra ngoài được thực hiện dưới các hình thức: Gửi tiền tại các tổ chức tín dụng trong nước; Sửa chữa, nâng cấp tài sản đảm bảo đã được VAMC thu nợ; hoặc tham gia góp vốn, mua cổ phần để cơ cấu lại tài chính và hoạt động của khách hàng vay (khoản nợ VAMC mua theo giá trị thị trường khi chuyển thành vốn góp, vốn cổ phần được xác định là một khoản đầu tư).

Ngoài ra, VAMC được sử dụng vốn để đầu tư, mua sắm tài sản cố định phục vụ hoạt động của VAMC theo nguyên tắc trang bị phù hợp với nhu cầu hoạt động của VAMC, hiệu quả, tiết kiệm và tuân thủ các quy định của Nhà nước đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu về đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm tài sản cố định.

Với nguyên tắc đảm bảo an toàn và phát triển vốn, VAMC thực hiện trích lập các khoản dự phòng trong chi phí theo quy định. Cụ thể, đối với các khoản nợ xấu được mua theo giá trị thị trường, VAMC thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đối với các khoản bảo lãnh, VAMC thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng.

Còn đối với dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính, dự phòng phải thu khó đòi (trừ các khoản phải thu từ tổ chức tín dụng), VAMC thực hiện trích lập dự phòng theo quy định chung áp dụng đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Đối với khoản cung cấp tài chính, VAMC thực hiện trích lập dự phòng như đối với khoản đầu tư tài chính.

Qua đó, VAMC có trách nhiệm quản lý, sử dụng, theo dõi toàn bộ tài sản và vốn hiện có, thực hiện hạch toán theo đúng chế độ kế toán hiện hành; phản ánh đầy đủ, chính xác, kịp thời tình hình sử dụng, biến động của vốn và tài sản trong quá trình kinh doanh; quy rõ trách nhiệm và hình thức xử lý đối với từng bộ phận, cá nhân trong trường hợp làm hư hỏng, mất mát tài sản, tiền vốn của VAMC.

An Hạ