VAMC ra đời, không phải nợ xấu nào cũng mua

(Dân trí) - Thủ tướng đã ký ban hành Nghị định thành lập Công ty Quản lý tài sản (VAMC) để xử lý nợ xấu, tuy nhiên không phải loại nợ xấu nào cũng được mua. Nợ xấu có thể được mua 100% mệnh giá, có thể mua theo giá thị trường.

Nghĩa vụ của VAMC là phải bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước giao.
Nghĩa vụ của VAMC là phải bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước giao.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chính thức ký ban hành Nghị định 53 về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (gọi là Công ty Quản lý tài sản - VAMC) có hiệu lực từ ngày 9/7/2013.

Vốn điều lệ 500 tỷ đồng

VAMC là doanh nghiệp đặc thù, được tổ chức dưới hình thức công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và chịu sự quản lý nhà nước, thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước. Vốn điều lệ của Công ty là 500 tỷ đồng.

VAMC hoạt động dưới 3 nguyên tắc: Lấy thu bù chi, không vì mục đích lợi nhuận; công khai minh bạch trong hoạt động mua, xử lý nợ xấu; và hạn chế rủi ro và chi phí trong xử lý nợ xấu. Một trong các nghĩa vụ của công ty là phải bảo toàn và phát triển được vốn Nhà nước giao.

Theo các điều khoản tại Nghị định, VAMC sẽ mua nợ xấu của tổ chức tín dụng theo hai phương án, một là mua bằng giá trị ghi sổ dư nợ gốc đã được khấu trừ dự phòng. Hai là mua theo giá trị thị trường trên cơ sở thoả thuận và giá trị khoản nợ xấu được đánh giá lại. Nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành.

Ở đây, trái phiếu đặc biệt được phát hành dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử với mệnh giá có giá trị bằng giá mua của khoản nợ xấu. Trái phiếu đặc biệt được phát hành bằng VND có thời hạn tối đa 5 năm và lãi suất bằng 0%; được sử dụng để vay tái cấp vốn của NHNN.

Thu hồi được đầy đủ vốn bỏ ra mua nợ xấu

Nghị định cũng cho thấy, không phải loại nợ xấu nào cũng được mua mà phải đáp ứng những điều kiện nhất định.

Theo đó, các khoản nợ này phải được đánh giá có khả năng thu hồi đầy đủ số tiền bỏ ra mua. Tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có khả năng phát mại và khách hàng vay có triển vọng phục hồi khả năng trả nợ.

Ngoài ra, nợ xấu còn phải đáp ứng đủ một loạt các yêu cầu khác mới nằm trong tầm ngắm của VAMC.

Thứ nhất, khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, bao gồm nợ xấu trong các hoạt động cấp tín dụng, mua trái phiếu doanh nghiệp, ủy thác mua trái phiếu doanh nghiệp, ủy thác cấp tín dụng và hoạt động khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Thứ hai, nợ xấu phải có có tài sản bảo đảm và tài sản này phải hợp pháp và có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ. Kế đến, khách hàng vay còn tồn tại và quan trọng là số dư của khoản nợ xấu hoặc dư nợ xấu của khách hàng vay không thấp hơn mức quy định của NHNN.

Đối với các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng không đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên theo đề nghị của NHNN thì phải được Thủ tướng quyết định liệu VAMC có được mua lại hay không.

Trường hợp VAMC mua nợ xấu theo giá thị trường, Công ty sẽ đánh giá lại giá trị khoản nợ xấu trên cơ sở khả năng thu hồi vốn và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; khi cần thiết, có thể thuê tổ chức tư vấn định giá khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm.

Thanh tra, kiểm toán lại những TCTD có nợ xấu trên 3%

Những tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu từ 3% trở lên hoặc một tỷ lệ nợ xấu khác do NHNN quy định không bán nợ xấu cho VAMC thì sẽ bị thanh tra hoặc bị yêu cầu thuê công ty kiểm toán hoặc tổ chức định giá độc lập đánh giá lại chất lượng và giá trị tài sản, vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ của tổ chức tín dụng đó. Các chi phí kiểm toán, định giá phải do tổ chức tín dụng thanh toán.

Sau khi nhận kết quả thanh tra kiểm toán, tổ chức tín dụng sẽ phải bán nợ xấu cho VAMC để đảm bảo tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn. Bên cạnh đó, phải thực hiện trích lập dự phòng rủi ro và tuân thủ các tỷ lệ an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; cơ cấu lại theo phương án được NHNN phê duyệt.

Bích Diệp