Vải thiều Bắc Giang và giấc mơ 16 USD/5 quả
Nhộn nhịp vào mùa, vải thiều Bắc Giang lại đối mặt với bài toán về đầu ra và công nghệ bảo quản để hướng tới giấc mơ 16 USD/5 quả như thị trường Nhật Bản.
Nông dân vẫn lo mất giá
Nhiều nhà vườn tại Tân Yên, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang và Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) đều có chung nhận xét thời tiết giai đoạn đầu năm 2014, lúc cây vải ra hoa, đậu quả không thuận lợi do âm u và mưa nhiều kéo dài. Do có kinh nghiệm và được sự hỗ trợ kỹ thuật nên năng suất vải năm nay vẫn cao.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Ông Dương Văn Thái - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - cho biết: “Diện tích vải thiều toàn tỉnh khoảng 33.400ha, sản lượng ước đạt hơn 140.000 tấn quả tươi. Trong đó, sản lượng vải sớm toàn tỉnh khoảng 12%, còn lại là vải chính vụ khoảng 88%. Diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP 8.500ha”.
Đánh giá về chất lượng vải năm nay, hầu hết các nhà vườn đều thừa nhận màu sắc vải đẹp, quả to, chất lượng nước và vị thơm đảm bảo. Hiện nay, vụ vải sớm bắt đầu cho thu hoạch, thời điểm này giá vải loại 1 từ 25.000 - 26.000đ/kg, loại 2: 20.000 - 22.000đ/kg.
Thương lái từ các nơi đổ về lấy hàng bắt đầu nhộn nhịp. Ông Đỗ Văn Thắng - thôn Trại 3, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn - cho hay: “Năm nay năng suất vải của gia đình tôi có thể cho thu hoạch 6,5 - 7 tấn, khu vực trồng vải sớm của gia đình bắt đầu cho thu hoạch. Vải thiều chính vụ sẽ cho thu hoạch từ 15 - 20.6.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn hy vọng chính quyền sẽ hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm. Khi chính vụ thương lái thường ép giá, nếu đầu buổi sáng giá 20.000đ/kg thì buổi trưa còn 12.000 - 15.000/kg, mỗi tạ thương lái trừ khấu hao 15kg/tạ... Do đó người nông dân được mùa cũng rất lo rớt giá”.
Để hỗ trợ cho việc thu mua vải trên địa bàn huyện Lục Ngạn - thủ phủ của vải thiều tỉnh Bắc Giang - UBND huyện đã đặt hơn 1.000 điểm cân thu mua lớn nhỏ, đảm bảo an ninh trật tự cho thương lái thu mua vải. UBND huyện đã có văn bản yêu cầu các chủ cân không được trừ lùi cân, nhưng việc này vẫn diễn ra và chính quyền địa phương chưa có biện pháp xử lý, gây thiệt hại cho người bán.
16 USD/5 quả vải…, tại sao không?
Vải vào mùa chỉ kéo dài khoảng 1 tháng, mong ước của người trồng vải và chính quyền địa phương có đặc sản này là kéo dài vụ vải thêm 15 ngày, nhưng nông dân vẫn chưa tìm ra được công nghệ bảo quản hợp lý. Dự báo với sản lượng vải 140.000 tấn, trong đó, tiêu thụ nội địa khoảng 60%, xuất khẩu 40% (Trung Quốc chiếm khoảng 95% sản lượng xuất khẩu).
Vì vậy, để hạn chế việc phụ thuộc quá sâu vào thị trường này, theo ông Đoàn Xuân Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông - lâm - thủy sản và nghề muối: “Ngoài thị trường xuất khẩu, chúng ta phải đẩy mạnh thị trường nội địa. Nhật Bản đã rất thành công nhờ sử dụng công nghệ tế bào để bảo quản. Giá vải ở Nhật Bản là 16USD/5 quả. Đây là giấc mơ của người trồng vải Việt Nam. Nếu công nghệ này tốt, Việt Nam có thể trao đổi công nghệ, kéo dài thời gian bảo quản thì giá trị quả vải sẽ được nâng cao”.
Nhằm hỗ trợ cho vải của Bắc Giang trong công tác tiêu thụ, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - chia sẻ: Hiện nay, tỉnh Hải Dương đã liên hệ với Cty Hương Hà áp dụng công nghệ bảo quản có thể đạt được 2 năm. Bắc Giang cũng nên áp dụng khoa học công nghệ.
Đồng thời, Vụ Thị trường trong nước sẽ phối hợp với tỉnh Bắc Giang tổ chức gặp gỡ các thương nhân, Cty, chợ đầu mối để đẩy mạnh tiêu thụ ở thị trường chợ truyền thống và siêu thị. Theo thông tin từ TCty Rau quả thì hiện 16 nhà máy chế biến đã sẵn sàng và bắt đầu cho thu mua, vì giá và chất lượng vải hiện nay có thể đáp ứng yêu cầu của nhiều bạn hàng như Hàn Quốc, Nhật Bản.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh cho rằng: Tỉnh Bắc Giang phải bám sát tình hình thị trường tiêu thụ trong thời gian chính vụ. Ngoài tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu, tỉnh phải đặc biệt chú ý thị trường nội địa. Về lâu dài, tỉnh cũng phải tiến tới phát triển các loại cây ăn quả có múi, vì thời gian cây vải ngắn, để tăng thu nhập cho người nông dân.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đồng tình với ý kiến đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để đảm bảo lợi ích người nông dân. Về lâu dài, hai bộ và địa phương cần phải cân đối thị trường tiêu thụ vải, tránh tình trạng lệ thuộc vào thị trường xuất khẩu truyền thống. Vải Bắc Giang phải tiếp cận các thị trường mới như Singapore, Nhật Bản...
Theo Thu Hà