Vài ngân hàng làm sẽ không đáp ứng được nhu cầu ngoại tệ…
(Dân trí) - “Vài ngân hàng làm thì không đáp ứng được nên có lẽ phải có quy chế bằng động lực kinh tế hoặc cách điều hành để mọi ngân hàng phải có trách nhiệm giải quyết đô la cho những nhu cầu chính đáng…” - TS Cao Sỹ Kiêm nói.
Xin ông cho biết, việc Chính phủ yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải bán ngoại tệ cho ngân hàng có phải là hình thức kết hối không?
Đây không phải là hình thức kết hối. Vì kết hối có nghĩa là doanh nghiệp có ngoại tệ buộc phải bán ngay một phần hoặc toàn bộ cho ngân hàng, đây là biện pháp mệnh lệnh hành chính được xem là giải pháp cuối cùng.
Nhưng yêu cầu của Ngân hàng nhà nước (NHNN) là những doanh nghiệp nhà nước có mặt hàng xuất khẩu và đem về nguồn ngoại tệ dư thừa phải bán lại ngoại tệ cho ngân hàng. Bởi có những doanh nghiệp xuất khẩu thì họ có ngoại tệ, còn có những doanh nghiệp như dược thì cần phải hỗ trợ ngoại tệ để thanh toán.
Hay nói một cách khác, ngoại tệ được tạo ra từ các tổng công ty, tập đoàn nhà nước là tiền của nhà nước nên khi cần số tiền đó để ổn định tình hình chung thì các doanh nghiệp này có nghĩa vụ phải thực hiện điều đó.\
Ông đánh giá thế nào về thị trường ngoại tệ sau khi thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. Có chuyện găm giữ ngoại tệ của ngân hàng không, thưa ông?
Nguồn cung ngoại tệ đã tốt hơn, ngân hàng đã bán ra được trên 300 triệu USD nhưng mới là bắt đầu thực hiện. Thống đốc NHNN cũng đã tuyên bố việc găm giữ ngoại tệ của ngân hàng là không nhiều, hầu như không có. Nhưng theo tôi, việc găm giữ của doanh nghiệp thì có nhưng không có số liệu và không có ai đứng ra điều tra.
Nhưng cũng không phải tự nhiên doanh nghiệp lại găm giữ bởi cơ hội đi mua ngoại tệ khi cần cũng không dễ…?
Tại chính sách của ta không rõ ràng. Từ trước đến giờ, chính sách ngoại hối đặt ra nhưng không kiểm soát chặt chẽ, không xử lý kịp thời các vấn đề làm không đúng trong một thời gian dài, cho đến khi tình hình nguy cấp mới phải kiểm tra. Đó một phần là do khuyết điểm của mình.
Không chỉ doanh nghiệp, nhiều người có nhu cầu mua ngoại tệ chính đáng đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo ông, vấn đề mấu chốt nằm đâu?
Một số ngân hàng bắt đầu có chủ trương phục vụ với chính sách được nới lỏng hơn và tạo điều kiện thuận lợi hơn như được thu phí… Theo tôi, NHNN phải có tổng kết và quy chế rõ ràng tuyên bố cho tất cả ngân hàng làm.
Bởi vài ngân hàng làm là không đáp ứng được vì nhu cầu ngoại tệ của dân rải khắp nước. Nên có quy chế bằng động lực kinh tế hoặc cách điều hành để mọi ngân hàng phải có trách nhiệm giải quyết đô la cho nhu cầu chính đáng của nhân dân như đi khám bệnh, du học, công tác, du lịch…
Thực tế, việc hạn chế ngoại tệ trên thị trường tự do vẫn đang được làm nhưng không hiệu quả. Bởi vậy, dư luận không khỏi nghi ngờ cho lần quyết tâm này…?
Trước chúng ta không làm nghiêm túc, “đánh trống bỏ dùi”, giờ phối hợp với công an và các cấp chính quyền, hy vọng sẽ đồng bộ hơn. Nhưng xin lưu ý là việc đồng bộ chỉ thực hiện được khi làm kiên quyết, thường xuyên và phải có điều kiện môi trường để nó tồn tại.
Cụ thể nhu cầu của dân là bình thường, có cung thì phải có cầu nếu không đáp ứng được sẽ thành giao dịch ngầm. Anh lựa nó vào đúng đường cho chạy thì tốt, còn nếu vít cắt ngang sẽ thành mạch ngầm.
Theo ông, làm thế nào để thu hút người dân bán ngoại tệ?
Ai cũng cố tìm chỗ “trú ngụ” tốt nhất để đảm bảo tài sản. Sau vàng là đến USD, muốn giải quyết gốc, lâu dài là phải giữ hoặc nâng giá trị đồng Việt Nam, cộng với tâm lý và dịch vụ để cải thiện dần chứ cũng không thể một chốc lát làm được.
Lan Hương (ghi)