Vạch trần chiêu trò biến hàng hiệu thành hàng Trung Quốc
(Dân trí) - Những mặt hàng hiệu chính hãng có nguồn gốc từ châu Âu được một nhóm người vận chuyển quá cảnh tại Hồng Kông, sau đó nhập khẩu vào Việt Nam dưới dạng hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc. Với chiêu thức như vậy, đường dây này đã trốn thuế hàng tỷ đồng.
“Hô biến” hàng hiệu thành hàng chợ
Đường dây “hô biến” hàng hiệu thành hàng chợ để nhập lậu chỉ được vạch trần khi Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) công an TP.HCM bắt quả tang bốn xe tải chở hàng chục thùng áo quần, túi xách, giày dép... mang các nhãn hiệu Gucci, Dolce & Gabbana trị giá hàng chục tỷ đồng đang vận chuyển vào kho của cửa hàng Milano dưới tầng hầm khách sạn Sheraton Sài Gòn (số 80 Đông Du, phường Bến Nghé, quận 1).
Liên quan đến vụ án này, cơ quan điều tra vừa quyết định khởi tố đối với 2 bị can Nguyễn Bửu Quí và Nguyễn Văn Sáng (hai nhân viên hải quan của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn KV.4, ICD Phước Long - Cục Hải quan TP.HCM) nhưng cho tại ngoại để điều tra làm rõ về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Theo điều tra của cơ quan công an, Quí và Sáng được phân công kiểm tra lô hàng trên với tỷ lệ được phê duyệt kiểm tra thủ công là 10% tương đương 11 kiện ở vị trí đầu container. Kết quả kiểm tra của 2 nhân viên này cho thấy container còn nguyên seal, có ghi xuất xứ China trên bao bì sản phẩm, hàng mới 100%. Tuy nhiên, khi bị công an phát hiện, xác minh thì phát hiện toàn bộ số hàng mà hai nhân viên hải quan trên cho rằng của Trung Quốc lại toàn là hàng hiệu của Ý. Bước đầu, Quí và Sáng thừa nhận có thiếu sót trong công việc kiểm hóa. Họ chỉ kiểm tra bao bì thấy có chữ Hồng Kông (China), đối chiếu với các chứng từ như hợp đồng, bill, invoice thấy cũng ghi xuất xứ là China nên đã cho thông quan chứ không kiểm tra chi tiết hàng hóa cũng như nhãn hiệu theo quy định. Sau đó không lâu, Cục Hải quan TP.HCM cũng có công văn xác định hành vi của nhân viên kiểm hóa Quí, Sáng đã thiếu sót trong quá trình kiểm hóa là không ghi nhận cụ thể mặt hàng đã kiểm tra tỷ lệ và không xác định nhãn hiệu hàng hóa là chưa phù hợp với quy định.
Ngày 27/11/2012, Lê Hồng Đức (35 tuổi, nhân viên cửa hàng Milano ở Q1) xuất trình chứng từ ghi rõ toàn bộ hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc được Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Nam Đế (ở đường Lê Văn Sỹ, P13.Q3) do Nguyễn Thanh Bình (quê Nghệ An) làm giám đốc, nhập khẩu. Đường đi của lô hàng bắt đầu từ Hồng Kông. Công ty xuất hàng nằm tại Quảng Đông, Trung Quốc. Sau đó PC46 đã bắt tạm giam Đức để điều tra về hành vi “Buôn lậu”.
Trên thực tế, nhãn mác của các mặt hàng đều đề “Made in Italy”, Cảnh sát kinh tế đã lập biên bản vi phạm, niêm phong toàn bộ hàng hóa, sau đó mời chuyên gia từ Italy sang Việt Nam giám định. Kết quả giám định cho thấy toàn bộ lô hàng đều là hàng hiệu, xuất xứ Italy trị giá lên trên 16 tỷ đồng.
Vậy mà để trốn thuế, chủ sở hữu lô hàng đã khai giá trị hàng hóa rất rẻ mạt. Cụ thể, váy ngắn có chiếc giá chỉ 5,5 USD/cái, giầy nam 3,8 USD/đôi... nên toàn bộ lô hàng vào Việt Nam chỉ phải đóng thuế 27 triệu đồng trong khi đáng lẽ phải đóng trên 552 triệu đồng.
Làm việc với cơ quan chức năng, Lê Hồng Đức khai nhận, số hàng nhập lậu trên sẽ được đưa về trưng bày, bán tại 2 cửa hàng Milano (số 88 Đồng Khởi, Q.1) và Gucci (số 80 Đông Du, Q.1) do Trần Anh Tuấn (tức “Tuấn Trần”, Việt kiều Mỹ) quản lý điều hành. Hai cửa hàng này chuyên kinh doanh các mặt hàng quần áo, giày dép... chính hãng từ châu Âu nhưng được vận chuyển quá cảnh tại Hồng Kông, sau đó nhập khẩu vào Việt Nam dưới dạng hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc.
Lộ diện “ông trùm” buôn lậu hàng hiệu
Tháng 7/2011, Đức được Trần Anh Tuấn nhận vào làm việc với nhiệm vụ tìm các công ty trong nước để nhập khẩu hàng cho Tuấn. Trước đó, Tuấn đã nhận bà Võ Thị Ngọc Ph. (30 tuổi, ngụ Q.2) vào làm tạp vụ tại cửa hàng Milano với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng.
Đến tháng 9/2009, Tuấn đã nhờ Ph. đứng tên chủ hộ kinh doanh cửa hàng Milano để ký hóa đơn, hợp đồng... Còn cửa hàng Gucci, Tuấn đã nhờ ông Lâm Phước H. (38 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) đứng tên hộ kinh doanh cửa hàng này từ năm 2007 với mức lương 20 triệu đồng/tháng, sau này tăng lên 38 triệu đồng/tháng.
Quy trình nhập hàng hóa của hai cửa hàng Milano, Gucci được thực hiện rất chặt chẽ. Khi có hàng từ nước ngoài chuẩn bị nhập về thì Cao Thị Anh Thư (Trưởng bộ phận xuất nhập khẩu của hai cửa hàng) sẽ báo cho Đức biết và giao danh sách hàng hóa để Đức đưa cho Nguyễn Thụy Cương - Giám đốc Cty TNHH Tấn Long, đối tượng thường xuyên làm thủ tục nhập khẩu cho hai cửa hàng Milano và Gucci.
Sau đó, Cương cung cấp cho Đức tên đơn vị xuất khẩu từ nước ngoài, đơn vị nhập khẩu tại Việt Nam, tên hàng hóa để Đức giao cho Thư liên hệ với hãng tàu tại nước ngoài làm vận đơn.
Khi hàng hóa về đến cảng, Đức hoặc người của Cương sẽ đến đại lý hãng tàu lấy vận đơn để Cương lập các thủ tục khai báo hải quan, nhận hàng. Cương đã nhiều lần làm thủ tục nhập hàng cho chuỗi cửa hàng Milano, Gucci, được trả khoảng 5 tỷ đồng.
Để vận hành đường dây buôn lậu hàng hiệu quy mô cực lớn này, sau lưng Trần Anh Tuấn còn có sự giúp sức của Đặng Thị Tú A. được Tuấn thuê làm nhân viên huấn luyện bán hàng của hai cửa hàng Gucci và Milano; Phạm Viết Đ., kế toán trưởng với mức lương 25 triệu đồng/tháng.
Qua các lời khai và chứng cứ thu thập được của cơ quan điều tra, có thể xác định Trần Anh Tuấn là người trực tiếp chỉ đạo toàn bộ hoạt động của hai cửa hàng Milano và Gucci cũng như chỉ đạo việc thuê pháp nhân thực hiện khai báo gian dối hàng hóa nhập khẩu nhằm trốn thuế.
Phúc Yên