Va tin đồn thất thiệt: Người dân đổ xô sắm đồ, gom máy tạo oxy

(Dân trí) - Trước những tin đồn thất thiệt và tâm lý lo ngại dịch bệnh, nhiều người dân ở TP HCM đã đổ xô đến các siêu thị để mua hàng hay đua nhau gom máy tạo oxy về sử dụng bất chấp những khuyến cáo.

Cháy hàng máy tạo oxy

Trước thông tin TP HCM thí điểm cách ly F0 tại nhà, nhiều người đã săn tìm các loại máy có chức năng tạo oxy, đo nồng độ oxy để tự theo dõi sức khỏe.

Gần đây, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện các quảng cáo sản phẩm máy đo nồng độ oxy với nội dung: "Máy đo nồng độ oxy trong máu sẽ giúp theo dõi chỉ số sinh tồn tại nhà nếu không có nhân viên y tế bên cạnh". Nhiều người liên hệ đặt mua các sản phẩm này để phòng trường hợp có người thân tại nhà mắc Covid-19.

Tiệm thuốc tây trên đường Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình, TPHCM) cho biết, có bán máy đo oxy thương hiệu Thụy Sỹ với giá 800.000 đồng/sản phẩm nhưng do lượng khách mua tăng đột biến nên hiện tại nhà thuốc đang tạm hết hàng.

Theo lời người bán, đây là máy được các bác sĩ dùng để đo nồng độ oxy với bệnh nhân mắc Covid-19 tại bệnh viện, còn khi tầm soát tiêm ngừa vắc xin Covid-19 thì cũng dùng máy này để đo, nếu nồng độ oxy trên 94% mới được tiêm.

Trên các trang thương mại điện tử, máy đo nồng độ oxy được rao bán nhiều với giá khá rẻ, chỉ từ 69.700 đồng/máy, cam kết các chỉ số đo sẽ chính xác 100% như máy tại bệnh viện (?!).

Va tin đồn thất thiệt: Người dân đổ xô sắm đồ, gom máy tạo oxy - 1

Nhiều loại máy tạo oxy đều thông báo hết hàng (Ảnh: Tiền Phong).

Tuy nhiên, giới chuyên gia, bác sĩ khuyến cáo việc đổ xô mua máy tạo oxy là không cần thiết vì người bị Covid-19 cần được điều trị chuyên biệt. Bên cạnh đó, không phải máy đo nồng độ oxy nào cũng đạt chuẩn. Sản phẩm nhập khẩu chính ngạch, có giấy tờ kiểm định thì chất lượng sẽ ổn định còn hàng không rõ nguồn gốc thì cũng chưa rõ chất lượng ra sao. Chưa kể, thao tác với máy đơn giản nhưng lại có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến kết quả oxy máu và vì thế có thể cho ra kết quả không chuẩn xác.

Đổ xô đi siêu thị trước tin đồn thất thiệt

Sáng 14/7, thông tin về việc TPHCM sẽ áp dụng biện pháp phong tỏa theo phương án đóng cửa toàn thành phố lan truyền trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, một luồng thông tin khác cho rằng lãnh đạo thành phố mắc Covid-19. Không ít người dân nghe tin đã tụ tập, mua sắm, tích trữ hàng hóa. 

Trước diễn biến trên, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM khẳng định tất cả nội dung được lan truyền đó đều là thông tin xuyên tạc, sai sự thật. Lãnh đạo TPHCM đang tập trung triển khai các biện pháp quyết liệt để kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.

Ông Nguyễn Nhơn Quý, đại diện Aeon Việt Nam cho biết, sáng 14/7, cả 2 siêu thị Aeon tại TPHCM có lượng khách hàng tăng đột biến 150 - 200% so với ngày hôm trước.

 "Sức mua thịt và trứng tăng mạnh nên trưa 14/7 đã xảy ra tình trạng hết hàng cục bộ tại siêu thị. Tuy nhiên, đến buổi chiều, siêu thị bổ sung thêm những mặt hàng này lên các quầy kệ để cung ứng cho người dân", ông Nguyễn Nhơn Quý thông tin.

Ông Quý chia sẻ, siêu thị này đang nỗ lực làm việc với nhà cung cấp để đảm bảo đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu hàng ngày cho người dân trong mọi cấp độ của dịch bệnh. Mặt hàng tươi sống được siêu thị bổ sung mỗi ngày nên khách hàng có thể an tâm và không cần phải mua tích trữ quá nhiều.

Va tin đồn thất thiệt: Người dân đổ xô sắm đồ, gom máy tạo oxy - 2

 Dòng người xếp thành nhiều hàng, chờ đợi lúc lâu bất chấp trời có mưa (Ảnh: Hữu Tuấn).

Theo đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), trong những đợt giãn cách thường xuất hiện những thông tin đồn thổi thiếu kiểm chứng khiến người dân hoang mang, từ đó tạo làn sóng tích trữ hàng hóa dồn dập và tập trung đông người. Việc này khiến cho các điểm cung ứng lương thực thực phẩm đều quá tải, tắc nghẽn cục bộ.  

Do đó, người dân cần yên tâm là lương thực thực phẩm không bao giờ thiếu, việc quan trọng là cần bình tĩnh, mua sắm vừa phải. Người dân cần phối hợp và tuân thủ hướng dẫn của các siêu thị để lương thực thực phẩm được phục vụ đều cho càng nhiều người càng tốt.

Các hệ thống siêu thị đã dự trữ lượng gạo, mì, thịt mát, thực phẩm khô, thực phẩm đông lạnh với số lượng lớn nhằm đảm bảo cung ứng ra thị trường ổn định từ 3 - 6 tháng tới.

 Xử lý vụ mua gom hàng siêu thị

Cơ quan quản lý thị trường TPHCM thông tin, trong những ngày qua xuất hiện tình trạng một số cá nhân mua lương thực, thực phẩm thiết yếu, thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả tại siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi... sau đó bán tại lề đường, đầu hẻm, tuyến phố gần chợ truyền thống, khu dân cư với giá cao làm ảnh hưởng đến tình hình thị trường, giá cả ở TPHCM.

Cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết điều này gây bức xúc trong nhân dân, vi phạm quy định pháp luật về áp dụng biện pháp chống dịch. 

Va tin đồn thất thiệt: Người dân đổ xô sắm đồ, gom máy tạo oxy - 3

Quản lý thị trường vào cuộc kiểm tra vụ "gom hàng siêu thị bán thu lời".

Để ngăn chặn tình hình nêu trên và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, Cục trưởng Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TPHCM cũng đã yêu cầu các đơn vị làm việc ngay với Ban quản lý các trung tâm thương mại, siêu thị, người quản lý cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống đang hoạt động, về tình hình nêu trên để phối hợp ngăn chặn và xử lý.

Số điện thoại đường dây nóng của Cục Quản lý thị trường TPHCM cũng được niêm yết tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống và một số điểm công cộng.

Các đội quản lý thị trường cũng được yêu cầu phối hợp ngay với cấp ủy, chính quyền và các lực lượng chức năng để tuyên truyền, vận động người dân không hoang mang, không mua hàng tích trữ; vận động doanh nghiệp và người buôn bán không tăng giá bất hợp lý; kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm vi phạm quy định pháp luật về áp dụng biện pháp chống dịch nêu trên.

Cũng trong ngày 14/7, Cục Quản lý thị trường TPHCM đã có văn bản thông tin đường dây nóng của Cục và Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại TPHCM để người dân kịp thời phản ánh hành vi thu lợi bất chính trong dịch bệnh.

Sở Công Thương TPHCM ngày 14/7 cũng cho phép một số chợ truyền thống đang bị phong tỏa bán lại các hàng rau, củ, quả, thịt. Ghi nhận của lực lượng quản lý thị trường cho biết, trên địa bàn TP đang xảy ra hiện tượng mua hàng số lượng nhiều, nhất là trứng từ siêu thị rồi đưa ra ngoài bán lại.

Thí điểm mô hình đem chợ ra đường

Chia sẻ với Dân trí, nhóm kiến trúc sư (KTS) Trần Quang Hiếu, Trần Tấn Phúc của công ty Librazzi cho rằng cần thêm giải pháp để người dân TPHCM có thể dễ dàng mua sắm thực phẩm trong bối cảnh các siêu thị liên tục quá tải, tránh nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong không gian kín, đặc biệt với tình hình dịch bệnh có thể kéo dài.

Theo anh Phúc, việc các siêu thị tổ chức bán hàng lưu động là một giải pháp tốt góp phần giảm tình trạng quá tải tại hệ thống. Tuy nhiên, nguồn lực của các siêu thị cũng có giới hạn và bản thân các hệ thống này đang chịu nhiều áp lực vận hành để phục vụ người dân thành phố khi hơn nửa số chợ truyền thống tại TPHCM tạm đóng cửa.

Nhóm nghiên cứu đề xuất TPHCM có thể thử nghiệm mô hình "chợ trên đường phố" phân tán tại các khu phố, giảm việc tập trung đông người tại một số điểm, đồng thời giải quyết sinh kế cho nhiều tiểu thương chợ truyền thống trong giai đoạn hiện nay. 

Va tin đồn thất thiệt: Người dân đổ xô sắm đồ, gom máy tạo oxy - 4

Tiểu thương chợ ở Bali (Indonesia) bán hàng ngoài trời trong các ô giãn cách (Ảnh: Straits Times).

Từ mô hình chợ nông sản ngoài trời ở cả phương Tây và nhiều nước Đông Nam Á, hai kiến trúc sư đề xuất TPHCM nghiên cứu đóng cửa một hoặc 2 chiều, tổ chức lại giao thông trên một tuyến đường trong từng khu phố với tiêu chí lưu lượng xe ít, có nhiều bóng râm, không ảnh hưởng giao thông vùng để triển khai chợ phân tán cho từng khu phố. Người dân sẽ đi chợ ngay trong khu phố của mình, không di chuyển đến khu vực khác.

Mỗi điểm chỉ cần tối thiểu 3-4 tiểu thương bán các mặt hàng thiết yếu nhất như thịt cá, rau củ quả, nhu yếu phẩm, thức ăn chế biến sẵn. Vị trí quầy hàng phải được đánh dấu rõ ràng, đảm bảo khoảng cách y tế. Tiểu thương phải đăng ký và chỉ bán hàng ở khu phố đó trong suốt thời gian giãn cách. 

Để tổ chức mô hình này, nhóm nghiên cứu cho rằng cần có các hàng rào nhẹ, vạch kẻ, vòng tròn đánh dấu, hướng mũi tên để định hướng, phân luồng người mua hiệu quả, an toàn. Số người vào chợ cùng lúc giới hạn, khách hàng có thể gọi điện thoại trước và chỉ đến lấy. Chợ được tổ chức từ sáng đến chiều để hạn chế tập trung đông người một thời điểm, buổi tối thu dọn để tránh tụ tập.

KTS Phúc nhấn mạnh mô hình này không phải là chợ tự phát vì có sự tham gia giám sát của địa phương, tận dụng nguồn lực cộng đồng, tình nguyện viên. Ví dụ có thể tổ chức chợ ngay ở sân chung cư nếu có sự tham gia của ban quản lý. Theo nhóm nghiên cứu, việc tổ chức chợ trên đường phố ở từng khu phố chính là yếu tố có thể đảm bảo giãn cách, an toàn.