Ưu đãi doanh nghiệp FDI, lo ngại Việt Nam thành “bãi rác” của thế giới
(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội lo ngại việc gia hạn giấy phép đầu tư cho khối doanh nghiệp (DN) FDI, nhất là với những DN có công nghệ lạc hậu từ những năm 70 sẽ biến “Việt Nam trở thành một bãi rác của thế giới”.
Chiều 5/6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp.
Đồng tình với việc điều chỉnh để sửa đổi luật, nhưng đại biểu Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) lưu ý Chính phủ đánh giá cụ thể những tác động môi trường khi các DN FDI vào Việt Nam. Bởi theo vị đại biểu này, hiện công nghệ của nhiều DN FDI đã có từ những năm 70 trở lại đây, rất lạc hậu. Trước thực tế này, đại biểu lo ngại “Việt Nam có thể trở thành một bãi rác của thế giới không? Chúng tôi xin đề nghị Chính phủ phải đánh giá lại những việc đó như thế nào”.
Đại biểu Khiết nhắc lại những hậu quả nghiêm trọng từ vụ Vedan xả thải ra sông Thị Vải, ảnh hưởng tới 3 tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM. “Chúng ta phải đánh giá lại, xác định xem nguy hại đến sức khỏe và đời sống con cháu chúng ta như thế nào”?, đại biểu yêu cầu.
Cũng theo đại biểu Khiết, Chính phủ cần “cân nhắc kỹ để khi đưa ra quyết định điều chỉnh lại Điều 170, nếu không sẽ trở thành nguy hại cho đất nước chúng ta sau này. Trước mắt thì có thể phát triển nếu chúng ta chấp nhận sự phát triển mà tồn tại những công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường lớn như thế thì được, nhưng sau này con cháu chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn. Với tinh thần đó, chúng tôi xin kiến nghị Quốc hội nên xem xét làm sao để chúng ta vừa phát triển vừa đảm bảo được tính tôn nghiêm của pháp luật”.
Cùng chung ý tưởng bảo vệ môi trường, đại biểu Phan Văn Quý (Nghệ An) cho biết: Thực tế hiện nay có một số DN FDI vi phạm pháp luật về thuế, về môi trường. Do vậy, Luật cần có quy định chỉ cho phép đăng ký đối với những trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không vi phạm pháp luật Việt Nam. Ngoài ra, việc cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư đăng ký lại chỉ được thực hiện nếu như phù hợp với quy hoạch, chính sách thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho rằng, thực trạng tồn tại 2.916/6.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI) chiếm 48,86% tổng số doanh nghiệp chưa thực hiện thủ tục đăng ký lại, gây nên rất nhiều hệ lụy.
Nhưng theo đại biểu Hải, việc để tồn đọng 2.916 doanh nghiệp chưa làm thủ tục đăng ký khiến Quốc hội phải lần thứ 2 sửa luật cho phù hợp với thực tiễn này, nếu thông qua tờ trình của Chính phủ thì khó nhận biết nguyên nhân chính là tại đâu. “Chẳng biết là do ý thức chấp hành luật của doanh nghiệp này chưa cao, hay do các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, hay là do chính Quốc hội đã thông qua một dự án luật chưa có sự phù hợp tốt với thực tế. Tôi mong muốn cần phải được làm rõ trong Tờ trình của Chính phủ thì tôi mới thực sự yên tâm thông qua luật này vì tin rằng hiện tượng này sẽ không lặp lại”, đại biểu nói.
Đáp trả lại thắc mắc của đại biểu Hải, bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Phó chủ tịch Quốc hội cho biết: Trong báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì trong gần 3.000 doanh nghiệp chưa đăng ký lại chỉ có 41 doanh nghiệp hết thời hạn sử dụng. Do đó, việc sửa đổi Khoản 2, Điều 170 là đáp ứng được yêu cầu chung, việc mở rộng ngành nghề và gia hạn hoạt động của cả doanh nghiệp đã hết thời hạn hoạt động và chưa hết thời gian hoạt động.
Còn theo ý kiến của đại biểu Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng), việc sửa đổi Khoản 2, Điều 170 được châm trước bỏ qua vi phạm, cho đăng ký lại để tiếp tục hoạt động trong chừng mực nào đó sẽ tạo ra một tiền lệ xấu về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật. Đây là sự đánh đồng giữa các doanh nghiệp chấp hành nghiêm pháp luật trong việc đăng ký lại với các doanh nghiệp không chấp hành, tạo sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp đã đăng ký lại để hoạt động theo Luật doanh nghiệp năm 2005 với các doanh nghiệp không đăng ký lại.
“Vấn đề này nếu không được làm rõ và chấn chỉnh sẽ dẫn đến tình trạng không ít doanh nghiệp cho rằng có thể bất chấp pháp luật, dùng sức ép để thu hút đầu tư về công ăn việc làm của người lao động để bắt nhà nước phải chiều theo ý mình”, đại biểu nêu ý kiến.
Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đặt câu hỏi: “Nếu tình hình kinh tế - xã hội không gặp khó khăn thì có sửa đổi luật này không? chắc chắn là phải sửa vì đã có nhiều doanh nghiệp từ ngày 1/7/2011 đến nay không thực hiện quy định của pháp luật, đây là một nghịch lý đặt cho chúng ta vào tình thế đã rồi”.
Nguyễn Hiền