“Cứu” gần 3.000 doanh nghiệp FDI “đang sống phải chết”

(Dân trí) - Nếu dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật doanh nghiệp được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, thì từ ngày 1/8 tới, gần 3.000 doanh nghiệp FDI gần hết thời hạn giấy phép hoạt động tại Việt Nam sẽ “được sống lại”.

Sáng nay 25/5, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày với Quốc hội Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật doanh nghiệp.
 
Hàng nghìn doanh nghiệp FDI mong muốn đầu tư tại Việt Nam
Hàng nghìn doanh nghiệp FDI mong muốn đầu tư tại Việt Nam
(ảnh minh họa). 

Hàng nghìn doanh nghiệp FDI ngồi trên “đống lửa”

Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 31/5/2013, có 2.916 doanh nghiệp trong tổng số 6.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được thành lập theo Luật Đầu tư nước ngoài trước đây chưa thực hiện thủ tục đăng ký lại để hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005.

Trong số các doanh nghiệp nêu trên, có 41 doanh nghiệp sẽ hết thời hạn hoạt động từ ngày 31/5/2013; số lượng còn lại là các doanh nghiệp chưa hết thời hạn hoạt động, nhưng có khả năng bổ sung, mở rộng ngành nghề kinh doanh.

Số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch đầu tư cũng cho biết: Trong các năm 2014 - 2015, số lượng doanh nghiệp hết thời hạn hoạt động sẽ tăng đáng kể (đến 31/12/2014 là 142 doanh nghiệp và đến 31/12/2015 là 269 doanh nghiệp). Tổng vốn đăng ký của các doanh nghiệp nêu trên, tính đến 31/5/2013 là 18,5 tỷ USD với số lượng lao động sử dụng 446.000 người. Phần lớn các doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo.

Những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc doanh nghiệp không thực hiện thủ tục đăng ký, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là do một số doanh nghiệp muốn tiếp tục duy trì mô hình hoạt động cũng như phương thức quản lý đã tồn tại ổn định trong nhiều năm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này không lường trước được việc không được phép gia hạn hoạt động hoặc bổ sung ngành nghề kinh doanh nếu không đăng ký lại trong thời hạn quy định.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp không đạt được nhất trí giữa các Bên liên doanh trong việc thực hiện thủ tục đăng ký lại vì theo Điều lệ doanh nghiệp, việc gia hạn hoặc tổ chức lại doanh nghiệp phải thực hiện theo nguyên tắc nhất trí phù hợp với quy định tại Luật Đầu tư nước ngoài trước đây.

Do đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì việc không thực hiện thủ tục đăng ký lại của doanh nghiệp có vốn FDI đã làm phát sinh nhiều khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp cũng như công tác quản lý nhà nước.

Thứ nhất, trước năm 2003 Giấy phép đầu tư quy định thời hạn hoạt động của các doanh nghiệp có vốn ĐTNN phổ biến là 20 năm phù hợp với Luật Đầu tư nước ngoài tại thời điểm đó. Sau khi kết thúc thời hạn nêu trên, một số doanh nghiệp nhận thấy thị trường Việt Nam còn nhiều tiềm năng nên muốn tiếp tục duy trì hoạt động đầu tư. Tuy nhiên, do không lựa chọn thực hiện thủ tục đăng ký lại trong thời hạn quy định nên các doanh nghiệp đang phải xem xét chấm dứt hoạt động.

Thứ hai, theo quy định tại Điều 170, những doanh nghiệp không thực hiện thủ tục đăng ký lại sẽ không được phép điều chỉnh, bổ sung ngành nghề kinh doanh khác với ngành nghề đã được quy định tại Giấy phép đầu tư. Quy định này không tạo điều kiện để các doanh nghiệp đang hoạt động có hiệu quả tại Việt Nam tiếp tục thực hiện dự án đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng trong các lĩnh vực và địa bàn khuyến khích đầu tư. Hiện nay, một số doanh nghiệp phải tái cơ cấu hoạt động nhằm giải quyết khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhưng do không đăng ký lại nên không thể điều chỉnh ngành nghề kinh doanh để thực hiện mục tiêu nêu trên.

Tạo làn sóng FDI mới vào Việt Nam

Nhận thấy những bất cập trên, Chính phủ đã trình Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật doanh nghiệp để Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này. Theo Chính phủ, việc sửa đổi Điều 170 Luật Doanh nghiệp là nhằm giải quyết vướng mắc cho không chỉ những doanh nghiệp đã hết thời hạn hoạt động, mà còn tạo cơ sở pháp lý để doanh nghiệp chưa hết hạn hoạt động có thể điều chỉnh, bổ sung ngành nghề hoặc mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Đây cũng chính là vấn đề có thể giải quyết và mang lại hiệu quả ngay cho các doanh nghiệp có vốn FDI cũng như hoạt động thu hút đầu tư.

Theo báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi Điều 170 của Luật doanh nghiệp do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu thì đa số thành viên Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết sửa đổi Khoản 2, Điều 170 của Luật doanh nghiệp như Tờ trình của Chính phủ.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Giàu thì trong Ủy ban Kinh tế vẫn có ý kiến đề nghị làm rõ có bao nhiêu doanh nghiệp hết thời hạn hoạt động ghi trong Giấy phép đầu tư đề nghị được cho đăng ký lại; bao nhiêu doanh nghiệp chưa hết thời hạn ghi trong giấy phép đề nghị được bổ sung, mở rộng ngành nghề sản xuất, kinh doanh.

Một số ý kiến khác cho rằng, nội dung này đã được sửa đổi, gia hạn thời gian 1 lần năm 2009, nay tiếp tục sửa đổi sẽ không thể hiện được tính tôn nghiêm pháp luật. Dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi) cũng đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7, do vậy, chưa cần thiết phải sửa đổi riêng Điều 170 của Luật này.

Ngoài ra, về nội dung sửa đổi Khoản 2, Điều 170 của Luật doanh nghiệp, một số ý kiến cũng cho rằng cần quy định rõ trường hợp ưu đãi đầu tư doanh nghiệp đang được hưởng cao hơn so với việc áp dụng theo quy định của pháp luật tại thời điểm điều chỉnh, doanh nghiệp tiếp tục được hưởng ưu đãi đầu tư đó đến hết hiệu lực của Giấy phép đầu tư.

Ngược lại, có ý kiến cho rằng, trường hợp doanh nghiệp đã hết thời hạn hoạt động ghi trong Giấy phép đầu tư nhưng thực tế vẫn hoạt động, vẫn thực hiện các giao dịch, ký kết các hợp đồng thì cần bổ sung quy định về hiệu lực hồi tố để tránh các hệ quả pháp lý phát sinh. Và theo một số ý kiến khác, cơ quan làm luật cần rà soát cụ thể và chỉ cho phép doanh nghiệp đăng ký lại hoặc mở rộng ngành nghề nếu hoạt động đầu tư không vi phạm pháp luật (về bảo vệ môi trường, về thực hiện nghĩa vụ thuế...), phù hợp với quy hoạch, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Nhà nước Việt Nam. Trong trường hợp này Chính phủ cần quy định cụ thể.

Còn nhớ, tại hội nghị 25 năm thu hút FDI do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 3 vừa qua, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TPHCM phàn nàn về thời hạn đăng ký lại đối với doanh nghiệp FDI của Luật Doanh nghiệp khiến nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động. Ông Hà nói: “Bất cập này khiến doanh nghiệp đang sống phải chết, muốn mở rộng đầu tư lại vướng mắc”.

Như vậy, nếu dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật doanh nghiệp được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này và dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/8 tới, những vướng mắc trên của hàng nghìn doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam sẽ được tháo gỡ.
 
Theo Dự thảo Luật, Chính phủ đề nghị sửa đổi khoản 2 Điều 170 Luật Doanh nghiệp theo hướng:

- Điểm a Khoản 2 được sửa đổi theo hướng bãi bỏ thời hạn đăng ký lại của Doanh nghiệp có vốn FDI để cho phép các doanh nghiệp được lựa chọn không đăng ký lại hoặc đăng ký lại tại thời điểm thích hợp đối với doanh nghiệp. Nội dung sửa đổi này nhằm đảm bảo quyền tự chủ của doanh nghiệp trong việc quyết định phương thức tổ chức quản lý và hoạt động kinh doanh.
 
-Điểm b khoản 2 được sửa đổi theo hướng cho phép doanh nghiệp không đăng ký lại tiếp tục hoạt động theo Giấy phép đầu tư, Điều lệ doanh nghiệp; đối với những nội dung không được quy định tại Giấy phép đầu tư, Điều lệ doanh nghiệp, doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan; trường hợp điều chỉnh, bổ sung Giấy phép đầu tư, Điều lệ doanh nghiệp, doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật tại thời điểm điều chỉnh.

Nguyễn Hiền