1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

"Cứu" doanh nghiệp FDI "đang sống phải chết": Lo ngại cơ chế xin cho

(Dân trí) - Đa số đại biểu Quốc hội đồng tình việc sửa đổi điều 170 của Luật Doanh nghiệp nhằm “cứu” gần 3.000 doanh nghiệp “đang sống phải chết” nhưng đề nghị cơ quan làm luật cần rà soát kỹ, tránh cơ chế xin cho, phát hiện doanh nghiệp chuyển giá…

Đoàn đại biểu TPHCM thảo luận tại tổ, sáng 28/5 (ảnh: An Hạ).
Đoàn đại biểu TPHCM thảo luận tại tổ, sáng 28/5 (ảnh: An Hạ).

Sáng nay 28/5, Quốc hội đã thảo luận về việc sửa đổi Khoản 2, Điều 170 của Luật Doanh nghiệp.

Theo đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TPHCM), việc sửa đổi những bất cập trong việc đăng ký lại thời gian hoạt động tại Khoản 2, Điều 170 của Luật Doanh nghiệp là hợp lý. Bởi những vướng mắc về thủ tục đăng ký lại, khiến gần 3.000 doanh nghiệp FDI có nguy cơ phải ngừng hoạt động tại Việt Nam, là do quá trình chúng ta thay đổi luật pháp từ Luật đầu tư ra Luật Doanh nghiệp nên có nhiều phát sinh.

Do đó, "việc sửa đổi Luật là cần thiết, thể hiện sự hỗ trợ của Nhà nước về dịch vụ công và thủ tục hành chính nhanh gọn. Nếu dự thảo Luật được thông qua trong kỳ họp này, đây có lẽ là việc Quốc hội sửa nhanh một thủ tục mà không kéo dài quá trình xử lý như trước đây”, đại biểu Trần Du Lịch nói.

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Trần Du Lịch, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) cho rằng, doanh nghiệp FDI mong muốn dự án Luật sửa đổi theo hướng bãi bỏ thời hạn đăng ký lại của doanh nghiệp để họ tiếp tục hưởng ưu đãi đã được cấp theo Luật Đầu tư.
 
Nhưng theo đại biểu Nghĩa: “Trước đây chúng ta cấp phép cho các doanh nghiệp FDI hoạt động, giờ hết hạn phải xem xét xem có đúng với tinh thần của Luật Đầu tư mới hay không. Nếu thuộc dạng cấp phép thì cấp phép lại, nếu dạng đăng ký thì phải đăng ký lại và phải theo tiêu chí hiện hành”.
 
Đại biểu Nghĩa dẫn chứng, công nghệ nhà máy của doanh nghiệp FDI cách đây 20-25 năm nếu không được đầu tư mới, giờ sẽ trở nên lạc hậu và cần phải loại bỏ, không thể cứ thế mà gia hạn thêm thời gian hoạt động.
 
“Chỉ có điều sự rà soát này đừng để thành một cơ chế xin cho vì Luật đầu tư và Luật Doanh nghiệp đã bỏ cơ chế này rồi. Đừng tranh thủ dịp này để gây khó khăn cho doanh nghiệp FDI”, đại biểu Nghĩa nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, phần ưu đãi cho doanh nghiệp FDI trong sửa đổi của dự án Luật cũng phải xem xét lại xem có còn thích hợp với thực tế hiện nay không, vì mọi chính sách ưu đãi chỉ có tác dụng trọng một giai đoạn nhất định. Chưa kể trong bối cảnh hiện nay ở khối doanh nghiệp FDI đang phát sinh vấn đề chuyển giá, “có những doanh nghiệp phát triển lên rất nhiều lần trong vòng mười mấy năm qua mà không có lời gì cả. Họ nói là đóng thuế VAT, nhưng đây là thuế là do người tiêu dùng đóng chứ có phải doanh nghiệp đóng đâu. Doanh nghiệp hoạt động là phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp”.

Vậy nên, theo đại biểu Nghĩa, mỗi lần sửa luật cũng là một lần để chúng ta điều tra, xem xét nếu phát hiện ra doanh nghiệp trốn thuế và chuyển giá phải xử lý. “Đáng khó phải làm khó, không đáng khó phải tạo điều kiện vì khu vực doanh nghiệp FDI đang đóng góp nhiều cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam và cho xuất khẩu”, đại biểu cho biết thêm.

Việc sửa đổi những bất cập của Điều 170 Luật Doanh nghiệp cũng nhận được sự đồng thuận của nhiều đại biểu Quốc hội trong đoàn Hà Nội.
 
Đại biểu Nguyễn Minh Quang cho rằng: Sửa đổi Điều 170 là thực sự cần thiết nhưng chúng ta cần quy định đăng ký lại trong một thời hạn nhất định, chứ không thể là vô thời hạn. Về mặt pháp lý, kể từ khi hết hạn giấy phép đầu tư thì các doanh nghiệp cũng không còn tồn tại. Do đó, dự án Luật sửa đổi cần đưa thêm điều kiện này vào đồng thời tạo cơ chế thông thoáng, giảm thiểu tối đa các giấy tờ tài liệu không cần thiết, giúp doanh nghiệp dễ dàng đăng ký lại”.

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình đồng tình với việc sửa đổi nhưng dự án luật cần đưa ra những điều kiện nhất định đối với các doanh nghiệp FDI. Bởi các luật có từ trước cũng đã “mở đường cho các doanh nghiệp nước ngoài được hoạt động theo luật cũ hoặc đăng ký lại theo luật mới, nhưng nhiều doanh nghiệp không làm, giờ lại tiếp tục mở đường vì nhiều lý do thì không quan trọng. Ta thu hút đầu tư bằng chính sách, chiến lược và thu hút những doanh nghiệp phát triển bền vững chứ không phải thu hút bằng mọi giá. Ở các doanh nghiệp nước ngoài, hiện tượng chuyển giá gần như tối đa nhưng ta không xử lý được hết. Vì vậy, sửa Luật để vớt những doanh nghiệp năng lực có hạn nhưng vẫn mong muốn đầu tư, tự giác tuân thủ, chấp hành tốt, còn không thì kiên quyết cho doanh nghiệp giải thể”.

Và ở ý kiến trái chiều, đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn TPHCM) không đồng thuận việc sửa dự án Luật lần này và cho rằng, những bất cập của doanh nghiệp FDI hiện nay nên chờ đến năm 2014 sửa đổi Luật Doanh nghiệp rồi sửa luôn.

Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn (đoàn Hà Nội) lại cho rằng, nếu doanh nghiệp chưa đăng ký lại mà hết thời hạn hoạt động tại Việt Nam có thể làm thủ tục thành lập mới. “Doanh nghiệp khi hết thời hạn phải thanh lý hợp đồng cũ, qua đó Nhà nước đánh giá chính xác kết quả hoạt động của doanh nghiệp đó. Luật Doanh nghiệp còn nhiều bất cập, chính phủ phải rà soát, lấy ý kiến lại để sửa cho đồng bộ, bởi trong đó còn có nhiều điểm buông lỏng, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước”, đại biểu Sơn bày tỏ ý kiến.

Nguyễn Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm