USD “vùn vụt” tăng giá

(Dân trí) - Phiên giao dịch đầu tuần sáng nay 30/3, giá USD được các ngân hàng liên tiếp điều chỉnh tăng, có nơi lên mức 21.585 VND. Với mức tăng này, giá USD đang tiến gần mức trần 21.763 VND mà ngân hàng thương mại được phép niêm yết.

Khảo sát một vòng quanh các ngân hàng tại Hà Nội, phiên sáng nay 30/3, giá USD tăng mạnh, với mức tăng phổ biến từ 20-25 VND so với chốt phiên cuối tuần qua, có nơi tăng 40 VND, niêm yết giá bán ra ở mức 21.585 VND.
Tỷ giá USD/VND leo thang.
Tỷ giá USD/VND "leo thang".

Điển hình như tại BIDV, ngân hàng này điều chỉnh giá USD tăng mỗi chiều mỗi chiều 40 VND và 30 VND, lên mức 21.535 VND (mua vào) - 21.585 VND (bán ra); Vietcombank tăng 20 VND mỗi chiều, lên 21.515 VND - 21.575 VND; VietinBank tăng 25 VND, lên mức 21.515 VND - 21.585 VND …

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Tại khối ngân hàng thương mại, ACB tăng 20 VND và 10 VND mỗi chiều so với cuối tuần trước, niêm yết ở mức 21.500 VND - 21.580 VND; 21.500 VND - 21.580 VND cũng là mức giá mà Eximbank niêm yết trên bảng giao dịch; Techcombank tăng mỗi chiều 15 VND và 20 VND, lên 21.500 VND - 21.585 VND.

Như vậy, giá USD chỉ chững lại thời gian ngắn sau khi Ngân hàng Nhà nước lên tiếng không điều chỉnh tỷ giá thời điểm này. Và với mức tăng nhanh, mạnh hiện nay, giá USD ngày càng tiến gần mức trần 21.763 VND mà ngân hàng thương mại được phép niêm yết.

Tại thị trường tự do, giá USD được một số cửa hàng thu đổi ngoại tệ trên phố Hà Trung (Hà Nội) niêm yết cao hơn giá USD tại các ngân hàng, ở mức 21.610 VND (mua vào) - 21.620 VND (bán ra).

Với xu hướng tăng giá mạnh hiện nay, có thể thấy rằng, nhu cầu nắm giữ, giao dịch “đồng bạc xanh” là có thật. Tuần trước, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết: Biến động tỷ giá tăng có nguyên nhân chủ yếu là do yếu tố tâm lý trước xu hướng tăng giá mạnh của đồng USD trên thị trường thế giới.

“Thời gian qua, NHNN theo dõi sát tình hình biến động của tỷ giá đồng đô la Mỹ (USD) so với các đồng tiền trên thế giới, diễn biến tình hình của thị trường ngoại hối trong nước và thấy rằng trên thị trường ngoại hối gần đây có diễn biến tăng nhưng các yếu tố cung cầu ngoại tệ của nền kinh tế nước ta về cơ bản không có biến động lớn và đáng quan ngại”, bà Hồng nói.

Báo cáo Kinh tế vĩ mô châu Á và Việt Nam do HSBC phát hành ngày 27/3 cho hay, Việt Nam đã tích luỹ dự trữ ngoại hối khoảng 36 tỷ USD. Tuy nhiên, có một nguy cơ khi Ngân hàng Nhà nước không đáp ứng các điều kiện thị trường một cách kịp thời sẽ dẫn đến việc thanh khoản trong nước bị o ép.

“Nếu như NHNN không đáp ứng điều kiện thị trường một cách kịp thời thì có thể xảy ra hai khả năng: cho phép cung cầu thị trường những động lực để quyết định tỷ giá USD/VND hay là bơm thêm USD vào hệ thống, thanh khoản có thể mỏng”, HSBC nhận định.

Về việc có hay chưa nên điều chỉnh biên độ tỷ giá thời điểm hiện nay, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nếu tỷ giá tăng thêm 1% thì dư nợ nước ngoài sẽ tăng lên 10.000 tỷ đồng đặt giữa bối cảnh phần lớn các khoản nợ nước ngoài của Việt Nam là bằng USD. Trong khi đó, cũng chỉ làm tăng xuất khẩu hơn 0,27%.

Ông Nguyễn Quốc Anh - Vụ phó Vụ Kinh tế dịch vụ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: “Nếu tăng tỷ giá 1% thì chỉ làm xuất khẩu tăng hơn 0,27%, nhưng chiều ngược lại, giá nhập khẩu sẽ tăng lên, từ đó ảnh hưởng đến tình hình trong nước: tăng giá hàng hóa và tác động lên lạm phát. Bên cạnh đó, động thái này cũng sẽ ảnh hưởng đến niềm tin người dân vào đồng nội tệ”.

An Hạ


Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”