USD tụt giá: Mừng hay lo?
Giới chuyên gia cho rằng, không nên để giá USD giảm sâu như hiện nay. Giảm cũng phải ở chừng mực nhất định, nếu không sẽ ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế.
Áp lực mới từ tỉ giá
GS-TS Cao Cự Bội, chuyên gia kinh tế, cho rằng không nên để giá USD giảm sâu như hiện nay. Giảm cũng phải ở chừng mực nhất định, nếu không sẽ ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế. “Một khi USD liên tục giảm mạnh sẽ xảy ra nhập siêu” - ông Bội cảnh báo.
TS Phạm Đỗ Chí cho biết thêm: “Hiện nay VND tăng cao hơn không chỉ so với tỉ giá USD mà cao hơn cả so với đồng Nhân dân tệ. Xin nhấn mạnh, nhập siêu của chúng ta chiếm gần 90% là từ Trung Quốc. Mới năm tháng đầu năm nhập siêu đã lên tới 6,5 tỉ USD. Cứ đà này, theo tôi đến cuối năm nhập siêu sẽ là 16 tỉ USD. Áp lực sẽ đè nặng lên cán cân thanh toán và tỉ giá sẽ bị biến động vào cuối năm nay”.
TS Nguyễn Ngọc Ảnh, Trưởng khoa Thuế - Hải quan Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho rằng về nguyên tắc khi lạm phát tăng cao thì tiền đồng mất giá. Tuy nhiên, với nhiều sự biến động trong kinh tế như hiện nay, thị trường ngoại tệ rất khó đoán trước.
USD ở mức giá nào là hợp lý?
Theo ông Chí, tỉ giá USD nên đưa về mức 21.000 VND/USD là hợp lý nhất. “Như vậy, so với mức mà tỉ giá USD bình quân liên ngân hàng hiện nay khoảng 20.600 VND/USD thì chúng ta nên có nhiều biện pháp để phải tăng đồng USD thêm 30-40 đồng nữa” - ông Chí phân tích.
Để đưa giá USD về được trạng thái cân bằng nhất, theo ông Chí, NHNN cần tiếp tục siết chặt lãi suất nhưng linh hoạt trong điều hành.
Thời gian vừa qua chúng ta đưa ra nhiều giải pháp kinh tế, như đưa lãi suất đồng USD xuống thấp và đặc biệt ngày 23/5, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam đã gửi văn bản kiến nghị NHNN mạnh tay hơn nữa để hạ lãi suất tiền gửi USD xuống 0%, điều này cũng tác động mạnh đến tâm lý khiến đồng USD giảm.
“Đây là một giải pháp đúng đắn nhằm hút ngoại tệ vào ngân hàng, mặt khác nâng giá trị VND lên để người dân bán USD gửi sang tiền đồng. Nhưng theo tôi biện pháp đó trong lúc này không nên mạnh tay. Phải từ từ giảm nhẹ để đồng USD không xuống quá thấp và VND không bị đẩy lên quá cao. Nếu điều chỉnh mạnh tay sẽ mất cân đối và ảnh hưởng sâu đến nền kinh tế” - ông Chí nói.
Song đó chỉ là giải pháp tạm thời, bởi theo ông Chí biện pháp về lâu dài vẫn phải hướng đến giảm lạm phát. “Thông thường khi lạm phát tăng thì đồng tiền trong nước mất giá. Muốn giữ tiền đồng không mất giá chúng ta đã làm USD giảm như hiện nay. Vì vậy chỉ có giảm lạm phát thì tỉ giá mới đi vào ổn định vững chắc được” - ông Chí nói.
Theo Yên Trang
PLTPHCM