1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

USD tự do lại "dậy sóng"

(Dân trí) - Theo công bố của một số điểm thu đổi ngoại tệ trên phố Hà Trung (Hà Nội), giá USD hiện được giao dịch ở mức 21.330 VND (mua vào) - 21.380 VND (bán ra), tăng 70 VND so với sáng qua.

Giá USD tự do lên sát mốc 21.400 VND (ảnh minh họa).
Giá USD tự do lên sát mốc 21.400 VND (ảnh minh họa).

Hôm nay 24/4, giá USD trên thị trường tự do lại được một phen “dậy sóng” khi tăng tới 70 VND so với hôm qua. Trong khi đó, giá USD tại một số ngân hàng cũng tăng dần đều.

Cụ thể, theo công bố của một số điểm thu đổi ngoại tệ trên phố Hà Trung (Hà Nội), giá USD hiện được giao dịch ở mức 21.330 VND (mua vào) - 21.380 VND (bán ra), tăng 70 VND so với sáng qua.

Tại thị trường truyền thống, một số ngân hàng cũng điều chỉnh tăng nhẹ giá USD so với hôm qua. Ví dụ như tại Vietcombank, giá USD được ngân hàng này niêm yết ở mức 20.900 VND - 20.950 VND, tăng 5 VND so với sáng qua.

Một số ngân hàng khác như ACB, Eximbank… niêm yết giá USD ở mức 20.880 VND - 20.950 VND.

Giá USD tự do thời gian đây tăng mạnh, theo lý giải của một số chuyên gia, là do giới đầu cơ đang thu gom USD để nhập lậu vàng. Giá vàng trong nước chỉ cần cao hơn giá vàng thế giới khoảng 500.000 đồng/lượng đã có thể xuất hiện tình trạng nhập lậu vàng, trong khi đó, mức chênh lệch này luôn duy trì trên 6 triệu đồng/lượng thời gian khá dài gần đây.

Được biết, mới đây, lực lượng chức năng tại TPHCM đã phát hiện đối tượng vận chuyển 7 kg vàng từ biên giới nhưng chỉ thu giữ được 2 kg còn nguyên thỏi với đầy đủ ký hiệu. Số vàng còn lại phải trả cho đối tượng vì đã bị cắt, cán mỏng, trở thành vàng không nguồn gốc nên không thể xử lý theo quy định.

Tại buổi làm việc của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình về triển khai các giải pháp tiền tệ - ngân hàng nhằm thúc đẩy, hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh tại An Giang mới đây, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đề nghị Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá để bù lại giá trị hàng hóa bán ra quốc tế bị giảm giá trị.

Tuy nhiên, theo khẳng định của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, tỷ giá năm nay sẽ tăng không quá 2%. Bởi việc phá giá đồng tiền không có lợi cho tổng thể nền kinh tế, do Việt Nam vẫn đang là nước nhập siêu và ít nhất phải nhập siêu trong 5 năm tới. Tỷ giá ổn định là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế và tỷ giá chỉ nên biến động trong khoảng 1-2%.

Mới đây, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng cho biết, xét về ngắn hạn thực thi chính sách ổn định tỷ giá là cần thiết vì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Hơn nữa, với đặc điểm cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam hiện nay, việc điều chỉnh tỷ giá (giảm giá VND) chỉ có tác động ở mức độ vừa phải đến cán cân thương mại do cả xuất khẩu và nhập khẩu đều ít co giãn theo tỷ giá. Xuất khẩu ít co giãn theo tỷ giá vì xuất khẩu những mặt hàng khai khoáng (như dầu thô) không chịu ảnh hưởng của tỷ giá, nhiều mặt hàng xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu.

Cũng theo nhận định của tổ chức này, nhập khẩu cũng ít co giãn theo tỷ giá vì nhập khẩu chủ yếu là tư liệu sản xuất, chiếm trên 90% kim ngạch nhập khẩu năm 2011, mà khả năng thay thế bằng nguồn cung trong nước rất thấp do công nghiệp phụ trợ kém phát triển. Tuy nhiên, “khi lạm phát đã trong khả năng kiểm soát, tỷ giá nên điều chỉnh với một mức độ cho phép để không ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của xuất khẩu về lâu dài và hạn chế đầu tư ngắn hạn từ nước ngoài”, báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhấn mạnh.

Theo tổ chức này, thực thi chính sách lãi suất cao và tỷ giá ổn định sẽ có tác động tích cực trong việc củng cố giá trị VND, góp phần kiểm soát lạm phát. Nhưng chính sách này sẽ gây hiệu ứng phụ không mong muốn. Một trong những tác động phụ không mong muốn là thu hút đầu tư gián tiếp ngắn hạn từ nước ngoài. Đây là những khoản đầu tư “nóng” không có tính ổn định vì rất dễ đảo chiều, gây bất ổn kinh tế.

Nguyễn Hiền