Diễn biến "lạ" của tỷ giá USD trong nước
(Dân trí) - Trước thời điểm Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố quyết định lãi suất, tỷ giá USD tại Ngân hàng Nhà nước và các nhà băng đồng loạt tăng trong khi thế giới giảm.
USD trong nước tăng đồng loạt, ngược quốc tế
Sáng 18/9, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm tại 24.151 đồng/USD, tăng 10 đồng so với mức niêm yết hôm qua. Trước đó, nhà điều hành cũng đã tăng tỷ giá trung tâm thêm 4 đồng trong phiên giao dịch ngày 17/9.
Với biên độ 5%, tỷ giá USD các ngân hàng thương mại được phép giao dịch từ 22.943 đồng đến 25.359 đồng/USD.
Tỷ giá bán sáng nay cũng được Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước tăng 10 đồng, lên niêm yết ở mức 25.308 đồng/USD, cao hơn tỷ giá trần khoảng 50 đồng. Trong khi đó, giá mua USD của Ngân hàng Nhà nước được giữ nguyên ở mức 23.400 đồng/USD.
Ngược chiều trong nước, USD-Index - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ tiền tệ lớn - hiện đạt 100,87 điểm, tiếp tục giảm 0,02 so với trước đó. Chỉ số này duy trì vùng giá thấp trong 2 tháng nay khi thời điểm Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) được kỳ vọng giảm lãi suất đang đến gần.
Thị trường tài chính thế giới đang nóng lòng chờ đợi quyết định chính sách sẽ được công bố sắp tới của Fed khi ngân hàng trung ương này được dự báo sẽ hạ lãi suất lần đầu tiên sau hơn 4 năm.
Theo công cụ FedWatch của CME Group, xác suất cho đợt giảm 50 điểm cơ bản (0,5%) vào khoảng 63%. Trong khi đó, xác suất cho mức giảm 25 điểm cơ bản (0,25%) là 37%. Lãi suất tham chiếu của Fed áp dụng cho các khoản vay qua đêm liên ngân hàng. Đây không phải mức lãi người tiêu dùng phải trả, nhưng động thái của Fed ảnh hưởng đến lãi suất cho vay và tiết kiệm.
Triển vọng của đồng bạc xanh phụ thuộc nhiều vào tương quan so sánh giữa mức lãi suất của Mỹ và lãi suất của các quốc gia khác. Nếu lãi suất ở Mỹ cao hơn so với các nước khác, USD thường trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư và ngược lại.
Trong nước, giá USD tại các ngân hàng được điều chỉnh tăng 80-120 đồng/USD so với cùng thời điểm ngày hôm qua.
Ngân hàng quy mô lớn giao dịch ngoại tệ lớn niêm yết tỷ giá ở mức 24.470-24.840 đồng/USD, tăng 120 đồng ở cả 2 chiều giao dịch. Ngân hàng quy mô nhỏ hơn cũng cho phép giao dịch USD tại 24.470-24.830 đồng, tăng 100 đồng mỗi chiều.
Trên thị trường tự do, tỷ giá USD lùi về dưới 25.000 đồng/USD. Theo đó, giá USD tự do được các điểm thu mua ngoại tệ giao dịch tại 24.850 đồng/USD ở chiều mua và 24.950 đồng/USD ở chiều bán, thấp hơn khoảng 50 đồng so với trước đó. Tỷ giá USD từng vượt đỉnh 26.000 đồng cách đây 3 tháng.
Chuyên gia: Nếu Fed giảm lãi suất, tỷ giá sẽ giảm tiếp
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc khối Nghiên cứu Công ty Chứng khoán MB (MBS), nhận xét USD-Index giảm về mức thấp nhất 13 tháng qua trong bối cảnh lạm phát ở Mỹ giảm xuống còn 2,5% vào tháng 7, tiến gần hơn đến mục tiêu 2% của Fed và Chủ tịch Fed Jerome Powell đã tuyên bố chiến thắng lạm phát, cho rằng đã đến lúc điều chỉnh chính sách tiền tệ.
"Tuy nhiên, thời gian và tốc độ cắt giảm lãi suất phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế Mỹ. Đến cuối tháng 8, chỉ số USD-Index đã phục hồi nhẹ lên mức 101,7 điểm sau khi GDP quý II của Mỹ được điều chỉnh tăng lên mức 3%, cho thấy nền kinh tế đang ở trạng thái tốt. Với chỉ số lạm phát diễn biến thuận lợi, Fed dự kiến sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chủ chốt của mình xuống 25 điểm cơ bản, còn 5 - 5,25%/năm vào tháng 9", bà Hiền nhận định.
Dự báo về xu hướng tỷ giá, bà này cho rằng, áp lực lên VND sẽ tiếp tục giảm và dự kiến tỷ giá USD/VND sẽ dao động trong khoảng 24.700-24.900 đồng/USD trong quý IV/2024.
Các yếu tố hỗ trợ cho tỷ giá USD/VND bao gồm thặng dư thương mại tích cực (khoảng 19,1 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm), dòng vốn FDI vào ròng (14,15 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước) và sự phục hồi của lượng khách du lịch quốc tế (tăng 45,8% so với cùng kỳ năm trước trong 8 tháng đầu năm).
"Sự ổn định của môi trường vĩ mô có khả năng được duy trì và sự cải thiện thêm sẽ là cơ sở để ổn định tỷ giá hối đoái trong năm 2024", bà Hiền nêu quan điểm.
Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng nếu Fed đưa ra quyết định giảm lãi suất vào phiên họp ngày mai, USD sẽ tiếp tục giảm giá. Đồng USD vốn có mức độ nhạy cảm lớn với các kỳ vọng lãi suất cũng như những dự báo về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ.
Từ đó, áp lực với VND sẽ giảm đi. "Điều này giúp Việt Nam kiểm soát lạm phát tốt hơn, song nhược điểm là xuất khẩu sẽ chậm lại. Dù sao, xu hướng USD yếu sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi để Ngân hàng Nhà nước thực thi những chính sách hỗ trợ nhằm duy trì một mặt bằng lãi suất thấp", ông Nghĩa nhận xét.
Chuyên gia nêu, thị trường đang có kỳ vọng nhà điều hành tiền tệ sẽ quay trở lại mua ngoại tệ, giúp tăng thanh khoản, cung tiền ra thị trường. Đây sẽ là "cú hích" giúp tăng thanh khoản cho thị trường.
Trong bối cảnh tỷ giá giảm mạnh và nguồn cung ngoại tệ tích cực, Chứng khoán VNDirect cũng cho rằng nhà điều hành sẽ có thêm không gian chính sách để hỗ trợ thanh khoản thị trường thông qua kênh thị trường mở, cũng như có điều kiện để bổ sung dự trữ ngoại hối vào giai đoạn cuối năm nay.
Tương tự, Chứng khoán Vietcombank không loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước có thể mua USD nhằm bổ sung ngoại tệ cho dự trữ ngoại hối. Theo đó, thanh khoản tiền đồng trên hệ thống ngân hàng thương mại có thể dồi dào hơn so với giai đoạn trước đây.