USD phục hồi, ngân hàng tăng giá bán lên cao chưa từng có

Thảo Thu

(Dân trí) - Tỷ giá USD trong nước bật tăng mạnh trong bối cảnh USD-Index phục hồi. Tỷ giá USD trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là diễn biến giữa Mỹ và Trung Quốc.

Giá USD ngân hàng lập đỉnh

Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố liên tục tăng trong 6 phiên gần nhất, ghi nhận mức kỷ lục 24.522 đồng/USD vào ngày 11/2. Với biên độ 5% hiện tại, các ngân hàng được phép giao dịch USD trong khoảng 23.295-25.748 đồng.

Trên kênh ngân hàng, giá USD chiều bán ra không còn ở mức trần như giai đoạn cuối năm 2024. Tuy nhiên, trong vòng một tuần qua, tỷ giá USD đã tăng hơn 300 đồng/USD ở chiều bán và tăng khoảng 450 đồng ở chiều mua, lên mức cao nhất từ trước đến nay.

Các ngân hàng lớn có vốn Nhà nước tăng giá giao dịch thêm 90 đồng ở cả 2 chiều mua và bán, hiện niêm yết ở quanh mức 25.260-25.650 đồng/USD (mua - bán). Tại nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, giá giao dịch đồng bạc xanh ở mức 25.190-25.690 đồng/USD, cũng tăng 90 đồng so với hôm qua.

Các ngân hàng quy mô nhỏ cũng điều chỉnh giá mua, bán USD. Hàng loạt đơn vị nâng giá mua vào thêm 140-200 đồng mỗi USD trong tuần qua, phổ biến ở mức 25.200-25.267 đồng/USD. Ở chiều bán, mức giá các ngân hàng đưa ra hiện dao động quanh 25.600-25.670 đồng/USD. Đây cũng là vùng giá giao dịch cao nhất mà đồng bạc xanh từng ghi nhận được trên kênh ngân hàng,

Trong khi đó, trên thị trường tự do, tỷ giá USD đang ở mức 25.670-25.760 đồng/USD (mua - bán), tăng 90 đồng ở chiều mua và 80 đồng ở chiều bán so với kết phiên liền trước.

USD phục hồi, ngân hàng tăng giá bán lên cao chưa từng có - 1

Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố đã liên tục tăng mạnh trong 6 phiên gần nhất (Ảnh: Tiến Tuấn).

Tỷ giá USD trong nước trên các kênh đồng loạt bật tăng mạnh trong bối cảnh USD-Index - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác - đã hồi phục lên mức 108,4 điểm. Trước đó, có thời điểm chỉ số đồng bạc xanh "rơi" xuống mức 108,1 điểm.

Chỉ số USD thời gian gần đây biến động mạnh. Khởi đầu tháng 1, chỉ số này ở mức 109,4 điểm và duy trì xu hướng tăng. Thậm chí, có thời điểm USD-Index đạt mốc 110 điểm, cao nhất hơn 2 năm.

Đà tăng diễn ra trong bối cảnh kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng vững chắc khi ngành sản xuất lần đầu tiên đạt tăng trưởng dương sau 2 năm với chỉ số PMI đạt mức 50,9 điểm trong tháng 1, tăng trưởng việc làm cũng bất ngờ tăng tốc trong tháng 12/2024, trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 4,1% và tăng trưởng GDP năm 2024 đạt 2,8% nhờ chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ.

Tuy nhiên, đồng bạc xanh đã suy giảm sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức và đưa ra một số thông tin liên quan đến quyết định thuế quan.

Đồng USD tăng giá trở lại vào phiên giao dịch vừa qua, sau khi ông Donald Trump trước đó cho biết áp thuế 25% đối với tất cả mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu, ngoài các mức thuế kim loại hiện có. Trong khi đó, đồng CAD, yên Nhật, EUR và bảng Anh đều suy yếu do lo ngại về tác động của bất kỳ mức thuế thương mại mới nào. Canada là nước xuất khẩu thép và nhôm lớn sang Mỹ, cùng với Brazil, Mexico, Hàn Quốc và Việt Nam.

Chuyên gia dự báo gì về USD?

Dù bật tăng trở lại, song so với thời điểm đầu tháng 1, chỉ số đồng bạc xanh đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Khánh Hiền, chuyên gia của một công ty chứng khoán, cuộc chiến thương mại dự báo sẽ là yếu tố hỗ trợ cho đồng USD trong thời gian tới.

Cụ thể, gần đây, Trung Quốc tuyên bố áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ nhằm đáp trả các mức thuế mới mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc, làm bùng phát trở lại căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Ngoài ra, Mỹ sẽ có thể áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada kể từ tháng 3 nếu các cuộc đàm phán không đạt được kết quả như mong đợi. Những rủi ro liên quan đến chính sách thuế quan của Trump sẽ tiếp tục củng cố vị thế của đồng USD. "Do đó, rủi ro tỷ giá vẫn sẽ cần được chú ý trong thời gian tới", đại diện phía công ty chứng khoán nêu.

Chuyên gia kỳ vọng tỷ giá sẽ dao động trong khoảng 25.500-25.800 đồng/USD trong quý I/2025. Một số yếu tố tích cực có thể hỗ trợ cho đồng Việt Nam gồm thặng dư thương mại tích cực, lượng vốn FDI giải ngân dồi dào và du lịch phục hồi mạnh mẽ. Sự ổn định của môi trường vĩ mô nhiều khả năng sẽ được duy trì và cải thiện hơn nữa là cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm 2025.

USD phục hồi, ngân hàng tăng giá bán lên cao chưa từng có - 2

Giá USD ngân hàng đang tăng cao (Ảnh: Tiến Tuấn).

Còn theo chuyên gia tài chính Lê Xuân Nghĩa, tỷ giá USD trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là diễn biến căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc. Nếu 2 nước này tiếp tục có các động thái liên quan đến việc "trả đũa" thuế quan, USD nhiều khả năng sẽ còn neo ở mức cao.

Ngoài ra, chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng đóng vai trò quan trọng. Nếu lạm phát tại Mỹ tăng mạnh, Fed có thể sẽ duy trì lãi suất cao để kiểm soát giá cả. Điều này gián tiếp giữ USD ở mức cao.

Theo dự báo mới nhất của Ngân hàng UOB, tỷ giá USD/VND nhiều khả năng duy trì ở mức cao trong bối cảnh rủi ro toàn cầu vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm. Ngân hàng này dự báo tỷ giá đồng bạc xanh so với VND quý I năm nay có thể đạt 25.600 đồng/USD; quý II là 25.800 đồng/USD; quý III là 26.000 đồng/USD và quý IV là 25.800 đồng/USD.